Nơi người dân chấp nhận ở ‘chung cư ma’, nhiều... âm khí cũng chẳng sao

'Thay vì nghĩ tới việc phải ở trong một căn hộ bị ám, họ sẽ cảm thấy may mắn vì mua được nhà. Việc có ma hay không, không còn là vấn đề nữa', một chuyên gia nhận định.

Theo trang tin bất động sản Squarefoot của Hong Kong (Trung Quốc), hầu hết người dân tham gia khảo sát nhà đất đều cho rằng, mức giá căn hộ “trên trời” còn kinh khủng hơn cả viễn cảnh “sống cùng ma”.

Họ thà ở trong những ngôi nhà phong thủy kém, nhiều âm khí, còn hơn bỏ cả chục năm dành dụm tiền cũng chẳng đủ mua một căn hộ tử tế ở nơi được mệnh danh là đắt đỏ bậc nhất thế giới.

Tại xứ Cảng Thơm, những căn hộ trước đây từng là hiện trường của các vụ án mạng, tự tử thường được bán với giá khá thấp. Nguyên nhân là bởi người Trung Quốc vẫn thường quan niệm rằng không gian sống sẽ ảnh hưởng đến vận may của gia chủ và một ngôi nhà phong thủy tệ, phảng phất linh hồn người đã khuất dĩ nhiên không phù hợp để an cư.

Tuy nhiên, vẫn có những người sẵn sàng xuống tiền để sở hữu những căn nhà này. So với việc “sống cùng ma’’, họ sợ cảnh phải ngủ ở ngoài đường hơn.

“Nếu bạn hỏi người mua liệu họ có sợ ma hay không, đa số câu trả lời là có, tuy nhiên, họ sợ phải ngủ ngoài đường hơn. Thay vì nghĩ tới việc phải ở trong một căn hộ bị ám, họ sẽ cảm thấy may mắn vì mua được nhà.

Việc có ma hay không, không còn là vấn đề nữa. Vấn đề là bạn có đủ tiền để mua nhà hay không”, Alvin Cheung, Phó Giám đốc Prudential Brokerage cho biết. “Họ phải chấp nhận bất kỳ điều gì, dù cho đó là căn hộ tư nhân, được chính phủ trợ cấp hay là nhà ma ám”.

Giật mình nơi nhịn ăn nhịn mặc 21 năm mới có thể mua nhà: Dân chấp nhận ở ‘chung cư ma’, nhiều... âm khí cũng chẳng sao - Ảnh 1.

Dân Hong Kong (Trung Quốc) thà ở trong những ngôi nhà phong thủy kém, nhiều âm khí, còn hơn bỏ cả chục năm dành dụm tiền cũng chẳng đủ mua một căn hộ tử tế

Theo Joe Lee, Phó Giám đốc kinh doanh thuộc Cơ quan Tài sản Centaline, những căn nhà bị “bỏ lơ” do có liên quan đến các vụ án mạng có thể rẻ hơn khoảng 30% so với bình thường.

Chẳng hạn như hồi tháng 5/2020, một căn hộ rộng 56m2 tại Vịnh Causeway đã được bán với giá 8,9 triệu đô la Hong Kong, thấp hơn khoảng 23% so với giá thị trường. Nguyên nhân là bởi nó nằm cùng tầng với một căn hộ từng xảy ra án mạng từ năm 1984.

Hay như căn hộ rộng 41m2 tại City One cũng đã được bán với giá 6,38 triệu đô la Hong Kong, thấp hơn 20% so với thông thường. Theo SCMP, City One là dự án có tỷ lệ nhà “ma ám’’ đặc biệt cao. Điều này vô hình chung ảnh hưởng đến giá thuê cũng như giá chuyển nhượng.

Theo bà Jessica Chow, nhân viên nhà đất, một căn hộ rộng khoảng 300m2 tại Hong Kong (Trung Quốc) thường được thuê với giá 13.000 đô la Hong Kong/tháng. Tuy nhiên, nếu chủ nhân của căn nhà đột ngột qua đời, nó sẽ được chiết khấu sâu xuống chỉ 9.000 đô la Hong Kong/tháng.

“Thông thường mọi người sẽ không chọn những căn nhà ma ám. Tuy nhiên giá nhà ở Hong Kong hiện đang rất bất thường. Những người trẻ ít tiền muốn mua nhà sẽ không còn lựa chọn nào khác’’, Derek Chan, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Ricacorp Properties nói.

Được biết một số ngân hàng vẫn chấp nhận cho vay thế chấp đối với những người muốn mua nhà ma ám, miễn là điều kiện thu nhập và vốn khả dụng của họ ổn định. Tuy nhiên, tỷ lệ này thường sẽ thấp hơn bình thường khoảng 10%, tùy từng khu vực.

“Các ngân hàng sẽ thận trọng hơn với những bất động sản như vậy bởi những căn hộ bị ma ám sẽ khó mua đi bán lại’’, Eric Tso, Phó Chủ tịch của Referral Mortgage Brokerage cho biết.

Giật mình nơi nhịn ăn nhịn mặc 21 năm mới có thể mua nhà: Dân chấp nhận ở ‘chung cư ma’, nhiều... âm khí cũng chẳng sao - Ảnh 2.

Tại Hong Kong (Trung Quốc), các công ty môi giới bất động sản có nghĩa vụ phải thông báo cho khách hàng về lịch sử của ngôi nhà. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng, nhiều người chẳng còn quan tâm đến phong thủy nữa mà chỉ “cắm đầu’’ rót tiền mua nhà giá rẻ.

“Khi thị trường hạ nhiệt, những căn hộ ma ám sẽ ít được mọi người chú ý hơn. Tuy nhiên, khi giá bất động sản liên tục tăng nóng, chúng sẽ có cơ hội được mua đi bán lại với giá cao hơn một chút”, bà Jessica Chow cho biết.

Theo Nghiên cứu Khả năng Chi trả Nhà ở Quốc tế thường niên của Demographia năm 2021, trung bình một hộ gia đình sẽ phải thắt lưng buộc bụng ròng rã 20,7 năm mới đủ tiền mua nhà vì giá quá cao. Số liệu từ Bloomberg cho thấy tính đến tháng 8/2021, giá nhà ở tại Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng lên mức cao kỷ lục 8,6% kể từ đầu năm trong bối cảnh nhu cầu mua nhà gia tăng hậu COVID-19.

Ngoài ra, theo dự báo, Hong Kong (Trung Quốc) sẽ tăng thêm khoảng 205.200 hộ gia đình từ nay đến năm 2030 và kết hôn là lý do chính khiến các hộ gia đình mới hình thành. Điều này được cho là sẽ càng khiến thị trường bất động sản tại Hong Kong “sốt dẻo” hơn nữa, và các cặp vợ chồng, do không đủ tiền mua nhà, sẽ buộc phải sống chung cùng bố mẹ.

“Thật buồn cho người dân Hong Kong. Tiết kiệm cả đời cũng chỉ đủ mua một chỗ chui ra chui vào bé nhỏ như vậy thôi”, một người đàn ông vừa mua được căn hộ rộng 22m2 cho biết.

https://cafebiz.vn/giat-minh-noi-nhin-an-nhin-mac-21-nam-moi-co-the-mua-nha-dan-chap-nhan-o-chung-cu-ma-nhieu-am-khi-cung-chang-sao-2022040520591028.chn

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/noi-nguoi-dan-chap-nhan-o-chung-cu-ma-nhieu-am-khi-cung-chang-sao-a1188.html