Video:
Nhà máy Thủy điện Sơn La có công suất 2.400 MW, nằm trên địa bàn xã Ít Ong (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), được khởi công xây dựng từ năm 2005 và hoàn thành năm 2012 - vượt 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Thuỷ điện có đập bê tông dài 961m, cao 138m, rộng 102m ngăn sông Đà để tạo thành hồ chứa 9,3 tỷ m3 nước. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng, cấp sản lượng điện trung bình hàng năm là hơn 10 tỷ kWh và đảm nhiệm chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ.
Kết cấu đập bê tông sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn hiện đại nhất thời bấy giờ.
Là hồ chứa nước rộng nhất, hồ chứa nước của thủy điện Sơn La nếu tích nước đến cao trình, diện tích lưu vực của hồ sẽ phủ rộng 43.760 km2 thuộc địa phận của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Thủy điện Sơn La là công trình có nhiều thiết bị quan trắc nhất, chia thành 7 mặt cắt, 1.028 cảm biến có nhiệm vụ khác nhau. Đặc biệt, 11 thiết bị đo địa chấn đặt tại các vị trí trọng yếu để thường xuyên kiểm tra thông tin an toàn đập.
Nhà máy thủy điện được thiết kế kiểu hở, bố trí sau thân đập. Giai đoạn thi công cao điểm huy động tới 13.000 người. Để thi công nhà máy hơn 20.000 hộ dân của ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải di dời.
Công trình có 12 khoang xả sâu, 6 khoang xả mặt.
6 tổ máy (6 tổ x 400 MW) sử dụng turbin trục đứng, đường kính bánh xe 8,5 m. Điện lượng trung bình năm hơn 10,246 tỷ kWh, trong đó tăng cho thủy điện Hòa Bình là 1,267 tỷ kWh.
Đặc biệt, Nhà máy Thủy điện Sơn la là công trình hoàn toàn do đội ngũ kỹ sư và công nhân người Việt Nam trực tiếp thiết kế, thi công. Những chuyên gia nước ngoài được mời tham gia với vai trò giám sát.
Ngoài mục tiêu cung cấp nguồn điện năng dồi dào cho lưới điện quốc gia, Thủy điện Sơn La còn đóng vai trò quan trọng trong việc chống lũ và cung cấp nước phục vụ sản xuất cho Đồng bằng Bắc Bộ, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, văn hóa cho khu vực Tây Bắc.
Công trình cũng kiến tạo hệ thống giao thông đường thủy cho các tỉnh vùng Tây Bắc nhờ vào hồ chứa Hòa Bình và hồ chứa Thủy điện Sơn La. Nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản, góp phần cải thiện khí hậu cho khu vực tiểu vùng dọc khu vực hồ chứa và mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái.
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/chiem-nguong-nha-may-thuy-dien-lon-nhat-dong-nam-a-a1416.html