Gần 2 năm mới có một giao dịch, môi giới vỡ òa sung sướng hơn cả thời sốt đất ngày chốt 5 lô kiếm hoa hồng hàng trăm triệu

“Mặc dù số tiền không nhiều nếu như so với thời điểm sốt đất, ngày tôi chốt được 4-5 lô, hoa hồng lên đến hơn trăm triệu. Nhưng lại khiến tôi vỡ òa sung sướng vì sau bao nỗ lực kiên trì với nghề đã kiếm được tiền từ nghề chính của mình”, môi giới Trần Thị Thước sống tại Thuận Thành (Bắc Ninh) chia sẻ.

Sau gần 2 năm phải làm đủ nghề tay trái kiếm sống thay cho nghề môi giới bất động sản lâm vào cảnh “bất động”, chị Trần Thị Thước - môi giới lâu năm trên địa bàn huyện Thuận Thành, Bắc Ninh - vui mừng khi chốt được một giao dịch bán đất nền dự án.

“Bắt đầu từ cuối năm 2021, thị trường bất động sản trên địa bàn tôi hoạt động đã rơi vào tình trạng gần như đóng băng sau gần 1 năm sốt nóng. Từ khi đó đến cuối tháng 5 vừa rồi, tôi mới có một giao dịch duy nhất. Trong khoảng thời gian thị trường “đứng hình”, tôi đã phải bươn chải nghề khác để kiếm sống. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ xác định bỏ nghề môi giới mà vẫn chăm sóc tệp khách hàng cũ, tìm kiếm khách hàng mới, nhận ký gửi của các nhà đầu tư.

Phải nói rằng, thời gian qua, nhà đầu tư gửi hàng để bán quá nhiều và người hỏi thông tin nhiều cũng không kém nhưng người xuống tiền để mua thì chẳng thấy đâu”, chị Thước chia sẻ.

Mặc dù vậy, chị Thước vẫn không nản lòng mà liên tục cập nhật thông tin sản phẩm cho khách của mình. Chị kể rằng, đỉnh điểm vào cuối năm 2022, hàng gửi bán nhiều kinh khủng, ai cũng kêu gửi cắt lỗ nhưng thực tế khi đó các nhà đầu tư mới chỉ cắt lãi kỳ vọng. Và với mức giá đó, tất nhiên hàng bị ế. Đến đầu năm 2023, nhiều nhà đầu tư đã không thể gồng lãi được vì sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Họ bắt buộc phải cắt lỗ.

“Lô đất mà tôi vừa chốt giao dịch thành công là một trường hợp cắt lỗ rất sâu mới bán được. Với diện tích 100m2, vị trí đẹp, giá nhà đầu tư thu về 1,5 tỷ đồng. Trong khi đó, thời điểm sốt nhà đầu tư này đã bỏ ra 2,5 tỷ đồng mua vào. Sau một tháng, có người trả 2,8 tỷ đồng, tuy nhiên nhà đầu tư muốn bán với giá 3 tỷ đồng và giao dịch đã không thành công. Chính sự kỳ vọng này của nhà đầu tư đã khiến người này hối hận. Chỉ sau vài tháng, thị trường đóng băng, nhà đầu tư muốn bán với giá vào cũng không bán được. Sau nhiều lần rao bán từ cắt lỗ 200 triệu đến 500 triệu cũng không có người xuống tiền. Nhà đầu tư này đã phải cắt sâu 1 tỷ đồng, lúc này lô đất mới có khác xuống tiền”, chị Thước kể.

Với giao dịch này, chị Thước cho biết được nhận 25 triệu đồng hoa hồng. “Mặc dù số tiền này không nhiều nếu như so với thời điểm sốt đất ngày tôi chốt được 4-5 lô, hoa hồng lên đến hơn trăm triệu. Nhưng lại khiến tôi vỡ òa sung sướng vì sau bao nỗ lực kiên trì với nghề đã kiếm được tiền từ nghề chính của mình”, chị Thước vui mừng chia sẻ.

Thực tế, thời gian qua, chị Thước là một trong số rất nhiều môi giới chật vật với nghề khi thị trường rơi vào cảnh trầm lắng. Đã có nhiều môi giới bỏ nghề hoặc tạm bỏ nghề đi tìm nghề khác để kiếm sống.

Theo khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30%-40% so với thời điểm cuối năm 2022. "Hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại", VARS nhận định.

Còn những môi giới bất động sản cố bám trụ lại với nghề như chị Thước phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại như đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm...

Theo báo cáo của VARS, lượng môi giới bất động sản bỏ nghề phần lớn là các nhân viên mới làm hoặc những người tay ngang, chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường. Tuy nhiên, vẫn có một điểm sáng được ghi nhận là trên 95% môi giới còn hoạt động cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với nghề cho dù thị trường có khó khăn.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/gan-2-nam-moi-co-mot-giao-dich-moi-gioi-vo-oa-sung-suong-hon-ca-thoi-sot-dat-ngay-chot-5-lo-kiem-hoa-hong-hang-tram-trieu-a14664.html