UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ xin ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách, cơ chế phát triển TP.
Theo UBND TPHCM, dự thảo Nghị quyết hiện đã quy định một số cơ chế cho phép TPHCM được linh hoạt trong việc huy động nguồn vốn từ trái phiếu, cụ thể, TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.
Tổng mức dư nợ như đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có tăng so với mức trần 90% theo Nghị quyết số 54 của Quốc hội trước đây. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cụ thể thực tiễn triển khai vừa qua, TPHCM nhận thấy cơ chế trên chưa phát huy hết hiệu quả của việc phát hành trái phiếu.
Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, việc phát hành trái phiếu trên thị trường vốn quốc tế thuộc thẩm quyền Chính phủ (Điều 28). Do đó, TPHCM chỉ có thể phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn trong nước. Muốn vay nước ngoài thì vẫn phải thực hiện quy trình theo pháp luật hiện hành. Như vậy, về cơ bản sẽ không rút ngắn được thời gian thực hiện, chưa tạo sự thông thoáng và chưa nâng cao trách nhiệm của địa phương đối với nguồn vốn trái phiếu trả từ ngân sách thành phố.
Bên cạnh đó, nếu chỉ phát hành trái phiếu trong nước thì số lượng trái chủ tiềm năng ít, lãi suất huy động cũng thường cao hơn việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Do đó, hiệu quả huy động thấp và chi phí huy động cao, tiềm ẩn rủi ro về lãng phí ngân sách. Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm của TPHCM là rất lớn.
Riêng đối với hệ thống đường sắt và xe điện công cộng, ngoài các tuyến Metro 1 (1,9 tỷ USD) về cơ bản đã hoàn thành; Metro 2 (giai đoạn 1: 2 tỷ USD) và Metro 5 (giai đoạn 1: 1,7 tỷ USD) đã xác định được nguồn vốn từ các nhà tài trợ, còn lại 9 dự án Metro và 3 dự án đường sắt nhẹ với tổng vốn đầu tư dự kiến là 16 tỷ USD hiện chưa xác định được nguồn vốn đầu tư .
UBND TPHCM cho rằng nếu chỉ phát hành trái phiếu trong nước thì không thể huy động được nguồn vốn lớn và rẻ để có thể triển khai các dự án này. Do đó, UBND TP đề xuất Chủ tịch Quốc hội xem xét và ủng hộ bổ sung cơ chế cho phép TP được phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ra thị trường quốc tế để thực hiện hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị. Công ty đầu tư tài chính nhà nước TPHCM là tổ chức phát hành theo ủy quyền của UBND TP.
Bên cạnh đó, UBND TPHCM đề xuất Chủ tịch Quốc hội ủng hộ sửa đổi thời gian thực hiện của Nghị quyết đến năm 2030 hoặc theo hướng không quy định “cứng" thời hạn có hiệu lực của Nghị quyết là 5 năm, thay vào đó sẽ quy định việc định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo Quốc hội có ý kiến chỉ đạo và điều chỉnh, cập nhật bổ sung.
Theo UBND TPHCM, có thể xem như đây là bộ khung xuyên suốt để sàng lọc, thay thế các cơ chế thí điểm mới mà không gói gọn trong một thời gian nhất định, một nhóm cơ chế cố định. Đây cũng là cách tiếp cận mới trong tư duy thí điểm chính sách.