Cần Giờ nên có 'làng trong phố'

TS. Nguyễn Chí Thành cho rằng trong quy hoạch đô thị sinh thái Cần Giờ nên có hợp phần “làng trong phố”, xây dựng nông thôn của cộng đồng những người nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ.

Ngày 16/8, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cùng UBND huyện Cần Giờ tổ chức hội thảo “Cần Giờ xanh – Hướng tới đô thị sinh thái ven biển”. Cần Giờ là địa phương duy nhất của TPHCM có tiềm năng phát triển tổng hợp các loại hình kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường.

Cần Giờ nên có 'làng trong phố' - Ảnh 1.

TS Trần Du Lịch góp ý tại hội thảo.

Tại hội thảo, TS Trần Du Lịch - Uỷ viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, không nên nghĩ phát triển Cần Giờ chỉ là giữ được hơn 30.000ha rừng tự nhiên, còn phần đô thị thì làm bê tông, mà phải nhìn phần còn lại cũng là rừng, nhưng trong đó có đô thị.

“Cả Cần Giờ là rừng và mọi đời sống ở đó cũng là rừng nếu nhìn trên tổng thể, như vậy mới giữ được rừng tự nhiên”, ông Lịch nói, đồng thời đánh giá cao các ý tưởng về công nghiệp xanh, dịch vụ xanh, nông nghiệp xanh - sạch - hữu cơ, đô thị xanh, giao thông xanh.

Theo ông Lịch, xét đến trung tâm về kinh tế biển với 6 ngành lớn thì Cần Giờ có được 3 và đó cũng là 3 trụ cột để phát triển: Du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải mà đặc biệt là hub về cảng ; năng lượng tái tạo. Do đó, ông cho rằng, những việc mà hội thảo đang bàn là những việc cần làm ngay.

Đó là những ý tưởng phải được tích hợp vào quy hoạch chung thành phố đang làm. Mặt khác, Cần Giờ có thế mạnh nhưng yếu về nguồn nhân lực, sẽ phải có dòng nhập cư rất lớn. Do đó phải tính toán nhanh việc có phòng đô thị để tiếp nhận, làm hậu cần sau lưng cảng trung chuyển quốc tế về sau.

Với ý tưởng mô hình quần cư từng nhóm ở nông thôn, TS Lịch cho rằng cần nghiên cứu mô hình các làng ở nông thôn theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng).

Với việc quy hoạch phát triển những làng này kết nối với hệ thống giao thông, Cần Giờ sẽ là nơi đi đầu về TOD và giao thông Cần Giờ sẽ là giao thông công cộng và giao thông xanh trong tương lai, không sử dụng khí thải CO 2 và nơi đây không có tự do phương tiện giao thông như những nơi khác.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Rừng và Đất ngập mặn cho biết, diện tích đất rừng ngập mặn của Cần Giờ là hơn 34.700ha (chiếm khoảng 50% tổng diện tích tự nhiên của huyện).

Do đó khi quy hoạch phát triển Cần Giờ cần đặt quy hoạch rừng phòng hộ làm nền tảng trong các quy hoạch khác nhằm tạo sự bền vững và duy trì định hướng Cần Giờ xanh.

Cần Giờ nên có 'làng trong phố' - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Chí Thành trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

Dẫu vậy, ông Thành cũng cho rằng, chất lượng “sức khoẻ” của rừng ngập mặn Cần Giờ hiện rất đáng báo động do việc quản lý rừng thiếu cơ sở khoa học (chủ yếu do mật độ cây bình quân quá dày).

“Nếu không có biện pháp kỹ thuật phù hợp và vốn đầu tư để phục hồi sức khoẻ cho rừng ngập mặn và hệ sinh thái rừng này thì sẽ không thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững hệ sinh thái Cần Giờ”, ông Thành lưu ý.

Trao đổi thêm về quy hoạch đô thị sinh thái Cần Giờ, TS Thành đề nghị nên gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng bền vững với quy hoạch xây dựng thành phố Cần Giờ theo hướng sinh thái – hiện đại – thông minh. Trong quy hoạch đô thị sinh thái Cần Giờ nên có hợp phần “làng trong phố”, xây dựng nông thôn của cộng đồng những người nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ.

Cam kết xây dựng Cần Giờ xanh

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, lãnh đạo thành phố quyết tâm xây dựng huyện Cần Giờ xanh , phát triển bền vững và nỗ lực để hiện thực hoá điều này.

Cần Giờ nên có 'làng trong phố' - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định xây dựng Cần Giờ xanh, phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND TPHCM nêu những lợi thế đặc biệt ở tầm quốc gia của Cần Giờ như nằm ở khu vực cửa ngõ phía Đông của thành phố nối ra biển, ra thế giới, là mặt tiền biển của TPHCM để nối ra thế giới.

“Cần Giờ như một gạch nối quan trọng trong hành lang ven biển của thành phố và trong xu hướng phát triển sắp tới, hành lang này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, thậm chí có tính quyết định đối với địa phương về nhiều mặt kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, hội nhập quốc tế”, ông Mãi xác định.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho rằng, nếu đầu tư phù hợp, Cần Giờ sẽ kết nối và đại diện TPHCM kết nối với Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng như các điểm trung tâm khác trong hành lang ven biển này.

Mặt khác, cũng bởi Cần Giờ có những giá trị tự nhiên - văn hoá rất độc đáo, nên cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy được vị trí, vai trò của mình để những giá trị này làm nền tảng, làm môi trường, điều kiện cho sự phát triển xanh, bền vững.

“Giải được điều này thì chúng ta vừa đạt mục tiêu phát triển phù hợp vừa không chỉ bảo tồn các giá trị tự nhiên - văn hoá mà còn dựa vào sức mạnh các giá trị này để thúc đẩy, đảm bảo tốt hơn sự phát triển bền vững của Cần Giờ và của cả TPHCM”, ông Mãi nói.

Cần Giờ nên có 'làng trong phố' - Ảnh 4.

Các chuyên gia trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/can-gio-nen-co-lang-trong-pho-a16873.html