GIS - nền tảng thực hiện quy hoạch đô thị thông minh

Bộ Xây dựng đã hoàn thiện và ban hành “Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh” làm tài liệu để các địa phương nghiên cứu, tham khảo áp dụng trong quá trình tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS trên địa bàn.

Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông

Xây dựng và phát triển các thành phố thông minh là một nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2018 - 2025 ưu tiên xây dựng các nội dung cơ bản bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với Cơ sở nền tảng là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.

Hệ thống thông tin địa lý (viết tắt là GIS ) là hệ thống có chức năng thu thập, lưu trữ, thao tác và phân tích các dữ liệu không gian để phục vụ cho các mục đích khác nhau. Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là hệ thống được thiết kế, xây dựng để quản lý các cơ sở dữ liệu đô thị theo dạng các lớp bản đồ (quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, các công trình hạ tầng, dịch vụ xã hội...) được tích hợp trên nền dữ liệu địa lý quốc gia trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia.

Hệ thống sẽ cho phép hiển thị các lớp thông tin đã được sàng lọc, phân tích, tổng hợp, tính toán theo yêu cầu truy cập thông tin của người sử dụng hệ thống. Các tính năng cơ bản của GIS gồm thu thập dữ liệu, lưu trữ, truy vấn, phân tích, hiển thị và truy xuất dữ liệu.

Do đó, việc thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là nền tảng căn bản cung cấp cơ sở dữ liệu để triển khai thực hiện quy hoạch đô thị thông minh, quản lý điều hành đô thị thông minh cũng như tích hợp các tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đà Nẵng đang hướng xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: internet

Theo Bộ Xây dựng, hướng dẫn này áp dụng cho việc tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS tại các địa phương. Đối tượng sử dụng là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Thông tin Truyền thông, các sở ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích đô thị trong chỉ đạo, phối hợp liên ngành, liên cấp để triển khai, tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS đối với các đô thị trên địa bàn.

Mục tiêu thực hiện thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là tạo nền tảng để các đô thị triển khai các ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý phát triển đô thị nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng phát triển đô thị thông minh. Đây cũng là công cụ nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước; đáp ứng nhu cầu khai thác, chia sẻ thông tin về phát triển đô thị đối với người dân và doanh nghiệp thực hiện việc tra cứu, phản ảnh thông tin, đóng góp ý kiến, tham gia xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, xây dựng và quản lý đô thị. Từng bước thực hiện xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu đô thị kết nối liên thông ở cấp tỉnh và toàn quốc.

Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là hệ thống được thiết kế, xây dựng để quản lý các cơ sở dữ liệu đô thị theo dạng các lớp bản đồ (quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, các công trình hạ tầng, dịch vụ xã hội...) được tích hợp trên nền dữ liệu địa lý quốc gia trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia. Hệ thống sẽ cho phép hiển thị các lớp thông tin đã được sàng lọc, phân tích, tổng hợp, tính toán theo yêu cầu truy cập thông tin của người sử dụng hệ thống. Trên thế giới hiện nay đã có nhiều quốc gia đang sử dụng GIS trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị.

Đã triển khai hiệu quả ở một số địa phương

Tại Việt Nam, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị ứng dụng nền tảng GIS đã được một số địa phương tiến hành triển khai trong những năm qua và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tại tỉnh Bình Dương, trong thời gian qua đã triển khai các nội dung liên quan đến GIS thông qua Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin địa lý và các phần mềm chuyên ngành xây dựng” đã khởi tạo thành công hệ thống thông tin địa lý chuyên ngành xây dựng, hệ thống được cài đặt trên Trung tâm dữ liệu dùng của tỉnh Bình Dương và thực hiện các dịch vụ cung cấp dữ liệu.

Người dân, cơ quan và doanh nghiệp có thể truy cập và tìm kiếm thông tin tại địa chỉ “http://gisxd.binhduong.gov.vn”. Các lĩnh vực ứng dụng gồm: Kiến trúc - Quy hoạch; Hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị; Nhà ở & Bất động sản; Hoạt động xây dựng; Kinh tế vật liệu xây dựng; Thanh tra. Hệ thống GIS đã cơ bản phục vụ cho chức năng, nhiệm vụ của các phòng trực thuộc Sở, cung cấp các cơ sở dữ liệu về quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, thông tin nhà ở và bất động sản, nhà cao tầng, mỏ khoán sản và các phản ánh về sai phạm trong lĩnh vực xây dựng,…. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Quy chế thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu ngành Xây dựng làm cơ sở cho các đơn vị có liên quan trong công tác khai thác, sử dụng, cập nhật, quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung liên ngành.

Trên cơ sở hệ thống dữ liệu đã được thiết lập, hiện nay Bình Dương đã tiếp tục nghiên cứu phát huy các tiềm năng của dữ liệu thông qua các nghiên cứu: ứng dụng công nghệ vệ tinh, viễn thám xây dựng nguồn dữ liệu tham chiếu định hướng cập nhật, số hóa dữ liệu về giao thông, quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng; ứng dụng GIS 3D và các mô hình thành phố 3D trong công tác quản lý đô thị và các hoạt động xây dựng (thí điểm trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một); triển khai áp dụng mô hình cập nhật dữ liệu GIS ngành xây dựng theo quy trình nghiệp vụ; đề xuất và thực hiện thí điểm mô hình quản lý GIS kết hợp BIM trong quản lý đầu tư xây dựng.

Tỉnh Bình Dương đã triển khai hiệu quả các nội dung liên quan đến GIS.  Ảnh: internet

Tại Bắc Ninh: từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ dùng chung thống nhất cho toàn tỉnh, triển khai theo mô hình tập trung tại trung tâm dữ liệu tỉnh; xây dựng, ban hành các Quy chế, quy định quản lý, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung nhằm tăng cường kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, giảm thiểu tình trạng manh mún, phân mảnh ứng dụng và cát cứ dữ liệu.

Đây là nội dung quan trọng, là cơ sở để triển khai các ứng dụng Chính quyền điện tử, các ứng dụng của Trung tâm điều hành, các nền tảng kết nối người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, trên nhiều lĩnh vực như: cơ sở dữ liệu dùng chung và hệ thống thông tin quản lý tích hợp trên nền tảng GIS về các lĩnh vực công thương, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, quy hoạch xây dựng, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu v.v...

Việc đầu tư, thiết lập Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị liên thông ứng dụng nền tảng GIS đem lại nhiều lợi ích cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quản trị đô thị; cung cấp, chia sẻ thông tin quản lý đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu sử dụng; tạo nền tảng để các doanh nghiệp có thể phát triển ứng dụng quản lý, cung cấp dịch vụ; tạo môi trường tương tác, kết nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, với những ưu điểm chính như sau:

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị liên thông ứng dụng nền tảng GIS là công cụ hỗ trợ hiệu quả công tác lập, thẩm định và quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; quản lý đầu tư xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch xây dựng được duyệt; tạo nền tảng cơ sở để áp dụng các công cụ hỗ trợ ra quyết định (DSS) đánh giá đa mục tiêu, hỗ trợ phân tích, đánh giá thông tin, dữ liệu nhằm hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn giải pháp tối ưu để ra quyết định trong quá trình phê duyệt quy hoạch xây dựng, đô thị và quản lý phát triển đô thị; tạo nền tảng cơ sở để áp dụng các công cụ quản lý đô thị tích hợp công nghệ 3D, công nghệ viễn thám…; tích hợp thông tin pháp lý đối với công tác quản lý dân cư, đất đai, giao thông và các dịch vụ công trong đô thị; cải cách hành chính, hiện đại hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; phổ biến các chính sách pháp luật, quản lý điều hành của Trung ương và địa phương.

Đối với doanh nghiệp: Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị liên thông ứng dụng nền tảng GIS cho phép khai thác, chia sẻ các thông tin pháp lý, thông tin quy hoạch xây dựng, đô thị; là kênh thông tin phản ánh những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động tại các địa phương.

Tùy vào mức độ phát triển của hệ thống có thể cho phép các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính theo các cấp độ khác nhau như xin cấp phép xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch v.v… hoặc phát triển các tiện ích trên cơ sở các dữ liệu được hệ thống phân cấp cho phép sử dụng.

Đối với người dân: Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là cổng kết nối giữa người dân và chính quyền các cấp; hỗ trợ người dân tra cứu các thông tin về chính sách pháp luật, quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn; phản ánh kịp thời những vi phạm, bất cập, thúc đẩy người dân tham gia công tác quản lý đô thị.

 Phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan

Bộ Xây cũng hướng dẫn cụ thể các bước tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS. Ban hành quy định khung về trách nhiệm các ngành, các cấp, phân định rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp trong quá trình thực hiện.

Định kỳ rà soát, cập nhật sửa đổi bổ sung trong quá trình thực hiện để hoàn thiện cơ chế phối hợp liên cấp, liên ngành. Thu thập, tổng hợp, phân loại, xử lý, tích hợp dữ liệu và chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ. Thiết lập hệ thống quản lý, lưu dữ liệu gốc trên cơ sở các dữ liệu sau khi xử lý và đảm bảo an ninh, an toàn.

Cập nhật thường xuyên các dữ liệu nền tảng trong quá trình khai thác vận hành. Tích hợp các thông tin dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý đô thị, phát triển các tiện ích đô thị. Thiết lập trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu và thiết kế phần mềm quản lý. Tổ chức đào tạo, tập huấn theo các nhóm thực hiện. Công bố, đưa vào sử dụng Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về công tác thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu đô thị, trong đó quy định cần bao gồm các nội dung về Công tác thu thập, quản lý cơ sở dữ liệu; Khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu; Trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan thực hiện; Lưu trữ, bảo quản và an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành về công tác lập bản đồ, lập quy hoạch, tổ chức nghiên cứu và ban hành quy định thống nhất về quy cách thể hiện bản đồ số trong các công tác lập quy hoạch để tạo thuận lợi trong công tác tích hợp các bản đồ lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu.

Các Sở ngành phối hợp xây dựng các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật đối với công tác xử lý, số hóa dữ liệu theo các mảng, lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công theo dõi, thực hiện để trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

Theo khuyến nghị của Bộ Xây dựng, GIS là một công cụ có khả năng hỗ trợ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý cơ sở dữ liệu đô thị của phục vụ chỉ đạo điều hành các cấp chính quyền. Việc ứng dụng GIS là một quá trình liên tục, theo nhiều giai đoạn và đòi hỏi tính gắn kết đồng bộ với các bước phát triển chung của địa phương. Do đó, việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị và hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị cần phải chú trọng đến việc kế thừa, tái sử dụng các nội dung, tài nguyên sẵn có về hạ tầng công nghệ thông tin, bản quyền phần mềm GIS, các cơ sở dữ liệu GIS mà tỉnh đã đầu tư trước đó.

6 bước tổ chức thiết lập

Quy trình của giai đoạn thí điểm và giai đoạn triển khai mở rộng có thể khái quát gồm 6 bước.

Bước 01: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành đề án, kế hoạch, chương trình thực hiện xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS cấp tỉnh trong đó cần xác định các lĩnh vực ưu tiên thực hiện thông minh hóa, lựa chọn khu vực thí điểm trước khi mở rộng triển khai, phương pháp thực hiện, giải pháp kỹ thuật, tổ chức thực hiện và dự kiến nguồn kinh phí thực hiện.

Bước 02: Thu thập, tổng hợp và phân loại dữ liệu; Xử lý, chuẩn hóa dữ liệu và thiết lập dự liệu nền tảng; Rà soát, đánh giá quy trình báo cáo, quản lý dữ liệu và phân công, phân cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Bước 03: Thiết lập trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu và thiết kế phần mềm quản lý, khai thác sử dụng dữ liệu.

Bước 04: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy chế, quy định về: tổ chức bố trí nhân sự thực hiện các cấp; công tác phối hợp triển khai liên ngành trong việc cung cấp, chia sẻ và duy trì dữ liệu; trách nhiệm của các bên trong quá trình triển khai thực hiện; hướng dẫn khai thác, sử dụng dữ liệu theo phân cấp, phân quyền.

Bước 05: Tổ chức đào tạo, tập huấn theo các nhóm thực hiện gồm: trực tiếp quản lý, vận hành.

Bước 06: Công bố, công khai rộng rãi về cổng thông tin Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/gis-nen-tang-thuc-hien-quy-hoach-do-thi-thong-minh-a1728.html