Vì sao Bộ Xây dựng bỏ phân loại chung cư mini?

Chung cư mini từng được xếp loại trong mục nhà chung cư tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân loại, phân cấp công trình xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành kèm Thông tư 12/2012. Tuy nhiên, Thông tư 05/2022 đã bỏ phân loại chung cư mini...

Tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 21/9, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng - đã cho biết thông tin trên. Theo ông Vũ Ngọc Anh, chung cư mini Thông tư 05/2022 đã bỏ phân loại chung cư mini vì không có trong Luật Nhà ở 2014.

Vì sao Bộ Xây dựng bỏ phân loại chung cư mini? - Ảnh 1.

Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng (ảnh: Ngọc Mai).

Chung cư mini xây nhiều phòng, kể cả cho thuê hay bán một căn hộ cũng là hoạt động kinh doanh bất động sản. Theo ông Ngọc Anh, loại hình này bản chất vẫn là nhà chung cư. Do đó những tòa nhà theo kiểu chung cư mini cần áp dụng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) như nhà chung cư thông thường, từ việc cấp phép xây dựng, thẩm duyệt thiết kế đến nghiệm thu công trình.

Tiêu chuẩn này trong Nghị định 136/2020 nêu rõ nhà chung cư cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích trên 5.000 m3 phải có chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC. Còn nhà chung cư cao dưới 5 tầng phải đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC.

Trước sự tồn tại của hàng chục nghìn chung cư mini ở các đô thị, Bộ Xây dựng nêu giải pháp cấp bách hiện nay là nâng cao khả năng PCCC. Chính quyền địa phương có trách nhiệm hướng dẫn giải pháp an toàn, hạn chế sự cố cháy nổ, hướng dẫn thoát nạn. Một số thiết bị chữa cháy người dân cần trang bị gồm mặt nạ chống khí độc, thang dây, dụng cụ phá dỡ thô sơ.

Sau vụ cháy ở quận Thanh Xuân, nhiều chủ nhà bổ sung một số giải pháp thoát nạn như lắp thêm thang thoát hiểm. Tuy nhiên, ông Ngọc Anh cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Việc lắp thang thoát hiểm cần đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Tại những chung cư mini đã xây lâu năm hoặc thiết kế ban đầu không tuân theo quy chuẩn, lắp thang thoát hiểm có thể xâm lấn vào chỉ giới hoặc không gian công cộng. Trường hợp này, cơ quan quản lý trật tự xây dựng địa phương cần linh hoạt, cho phép gắn thang thoát hiểm để đảm bảo an toàn cho cư dân.

Về giải pháp lâu dài, ông Ngọc Anh cho hay, cần siết chặt việc cấp phép xây dựng cũng như trách nhiệm kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, đặc biệt đối với tòa nhà thay đổi công năng. Lý do bởi nhiều chủ nhà xin cấp phép xây dựng cho nhà riêng lẻ, nhưng sau đó thay đổi chức năng thành nhà chia nhiều phòng cho thuê hoặc bán.

"Công trình trước khi xây dựng phải duyệt thiết kế chặt chẽ ngay từ ban đầu, không để tình trạng các tòa nhà xây sai thiết kế, sai phép, xây xong rồi mới tìm giải pháp chữa cháy", ông Ngọc Anh nói.

Có ý kiến cho rằng, đối với các chung cư mini vi phạm, phải khôi phục các hạng mục như cấp phép, khôi phục hiện trạng ban đầu trong những trường hợp mật độ quá cao. Các công trình sai giấy phép phải tháo dỡ. Thậm chí phải đóng cửa tòa chung cư mini để sửa chữa khi nào đáp ứng đúng yêu cầu mới đưa vào vận hành...

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, việc xử lý vi phạm tại các công trình vi phạm đều đã có trong quy định hiện hành từ xử phạt hành chính đến các biện pháp khắc phục.

“Biện pháp mạnh là “đóng băng” tầng sai phép không cho người ở và chủ nhà phải thoả thuận với người thuê, mua căn hộ tại các tầng đó. Triệt để là trả lại công năng cho toà nhà để mật độ ít đi. Nếu công trình được cấp phép nhà ở riêng lẻ thì trả lại công năng (là nhà ở riêng lẻ yêu cầu tuân thủ theo đúng quy định)” - ông Ngọc Anh nói và cho biết thêm, trong thời gian tới Hà Nội sẽ có kế hoạch trang bị PCCC trong các ngõ ngách.

Bộ Xây dựng đang hoàn thiện các tiêu chuẩn về an toàn PCCC cho nhà ở riêng lẻ về thang, lối thoát nạn khẩn cấp… đủ để điều tiết cho các công trình có chiều cao 25 m trở xuống.

Ngày 15/9, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ công trình dạng chung cư mini, phát hiện vi phạm về trật tự xây dựng; có giải pháp ngăn cách khu để xe với khu ở, có lối thoát nạn riêng, đầu tư trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy phù hợp, bố trí người có sức khỏe, kinh nghiệm để quản lý, vận hành tòa nhà.

Đối với các công trình xây mới, cơ quan có thẩm quyền của địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ về quy hoạch, xây dựng, PCCC, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, chất lượng và trật tự xây dựng.

Đêm 12 rạng sáng 13/9, chung cư mini ở số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân bốc cháy làm 56 người chết, 37 người bị thương. Theo giấy phép xây dựng, nhà cao 6 tầng, diện tích xây dựng tầng một 167 m2, mật độ 70%, tổng chiều cao công trình 20,2 m. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây thành chung cư mini cao 10 tầng, diện tích xây dựng 230 m2, chia thành 45 căn hộ để bán.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/vi-sao-bo-xay-dung-bo-phan-loai-chung-cu-mini-a18456.html