Doanh nghiệp dệt may nội địa gặp khó về nguyên liệu trong sân chơi kinh tế tuần hoàn

heo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện có nhiều doanh nghiệp nội địa tham gia vào sân chơi kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy phát triển bền vững để đáp ứng xuất khẩu nhưng còn không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc tự chủ nguồn nguyên liệu tái chế, nguyên liệu xanh...

Doanh nghiệp dệt may nội địa gặp khó về nguyên liệu trong sân chơi kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1.

Tự chủ nguồn nguyên liệu tái chế, nguyên liệu xanh đang là vấn đề của nhiều doanh nghiệp dệt may nội địa. Ảnh: Đức Hoà

Doanh nghiệp nội địa gặp khó khi xuất khẩu

Trả lời báo chí về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, đã có rất nhiều doanh nghiệp nội địa Việt tham gia "sân chơi" kinh tế tuần hoàn, xây dựng nhà máy xanh, phát triển bền vững.

"Đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thúc đẩy nhà máy bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn rồi. Đây là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp nhỏ "hụt hơi" trước cuộc chơi này do thiếu thốn về tài chính và nguyên liệu", ông Giang nói về thực trạng ngành dệt may.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký VITAS cho biết ngành công nghiệp dệt may hiện nay đang đứng trước tình trạng khó khăn khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị sụt giảm do những thách thức chung như chiến tranh, dịch bệnh, lạm phát, nhân công…

Để thúc đẩy ngành dệt may phát triển trở lại, các doanh nghiệp cần phát tuyệt đối tuân thủ các cam kết về môi trường như là một phần trong chiến lược phát triển được quy định ở các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Bởi, hiện nay các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Hàn… có yêu cầu rất cao về vấn đề môi trường, các yêu cầu đó không chỉ đến từ chính phủ, mà còn đến từ yêu cầu của chính người tiêu dùng hiện nay.

"Một điều mà các doanh nghiệp hiện nay cần phải phải lưu ý là Luật Tra soát chuỗi cung ứng từ Châu Âu. Với Luật Tra soát, các doanh nghiệp khi xuất khẩu sẽ bị kiểm tra toàn diện cả về lao động lẫn môi trường. Sản phẩm không chỉ phải sạch về môi trường và còn phải sạch về lao động", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhấn mạnh.

Theo thống kê từ VITAS, dù đã cố gắng giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa nhưng hiện nay vẫn có hơn 50% nguồn cung nguyên phụ liệu ngành dệt may phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việc chưa tự chủ được nguồn cung nguyên liệu khiến doanh nghiệp chưa thể khai thác triệt để lợi thế của ngành.

Các thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn của Việt Nam đang ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu cấu thành sản phẩm. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có những quy định liên quan đến quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Đơn cử, Hoa Kỳ yêu cầu tuân thủ đạo luật chống lao động cưỡng bức có hiệu lực từ tháng 6/2022, hay các nước châu Âu cũng bắt đầu thực hiện các quy định truy xuất nguồn gốc với chuỗi cung ứng dệt may theo luật tra soát chuỗi cung ứng.

Cùng với những khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, ngành dệt may đang chịu sức ép về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng. Xanh hóa sản xuất đã trở thành một yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thế giới.

Trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn về vấn đề này, ông Phạm Quang Anh, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Dony cho biết: "Trước đây chúng tôi có xuất khẩu vào EU nhưng hiện nay thị trường này có nhiều quy định, tiêu chí khắt khe về nguồn gốc sản phẩm như truy xuất nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, quy trình sản xuất xanh, sản xuất bền vững... Với quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất khó đáp ứng".

Doanh nghiệp dệt may nội địa gặp khó về nguyên liệu trong sân chơi kinh tế tuần hoàn - Ảnh 2.

Nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế K&K ở Đồng Nai. Ảnh: K&K

Để không lệ thuộc nguồn cung nguyên liệu

Đại diện Công ty CP Dệt may Liên Phương LPTEX cho biết, khó khăn lớn nhất của thị trường trăm triệu dân là nhận thức của người tiêu dùng về đồ tái chế chưa cao.

"Người tiêu dùng hầu như chỉ quan tâm đến giá cả sản phẩm. Tái chế hay không, miễn giá cả hợp lý là họ mua. Nghĩa là, đầu tiên, cần hướng nhận thức của người tiêu dùng đến sản phẩm tái chế. Tôi lấy ví dụ, một nhà cung ứng sợi đến từ Hàn Quốc đang nghiên cứu và dự kiến cho ra đời sản phẩm sợi tự tái chế trong 750 ngày. Nghĩa là nếu sử dụng sợi đó để sản xuất áo quần, những sản phẩm người dùng mua về cho dù có sử dụng hay không đến hạn cũng sẽ tự phân huỷ. Liệu thị trường Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận chuyện này chưa?", bà Trương Thị Bích Phượng, Giám đốc điều hành công ty Liên Phương cho biết.

Cũng theo đại diện công ty Liên Phương, hiện doanh nghiệp này đang nhập những nguyên liệu tái chế để sản xuất chứ không thể tự sản xuất nguyên liệu tái chế.

Trả lời Nhadautu.vn, ông Andrew Fung, Giám đốc bán hàng Công ty K&K (Trung Quốc) chuyên cung ứng nguyên liệu tái chế đánh giá cao về tiềm năng sản phẩm tái chế dệt may Việt Nam.

"Chúng tôi đã thu mua những nguyên vật liệu có thể tái chế và cung ứng lại cho rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn của ngành này tại Việt Nam và dự định mở thêm nhà máy thứ hai chuyên sản xuất dây đai, sản phẩm dệt may tái chế cũng như tìm kiếm thêm khách hàng tại Việt Nam", ông Andrew Fung nói.

Theo ông Phạm Quang Anh, ngành dệt may trong nước phần lớn là các đơn hàng gia công nhờ vào sự cạnh tranh về lượng nhân công giá rẻ, nguồn lao động dồi dào. Hiện nay lao động giá rẻ dần không còn là lợi thế cạnh trạnh của dệt may Việt Nam như nhiều năm về trước. Vì thế mỗi doanh nghiệp cũng như toàn ngành cần có tầm nhìn và hướng đi mới.

"Hướng đi của Dony trong thời gian tới là không tập trung vào gia công vì giá lao động của Việt Nam, các chi phí khác hiện cũng tăng rất nhiều nên theo cá nhân tôi lâu dài Việt Nam sẽ giảm sút về may mặc trong lợi thế lao động", CEO của Dony nhấn mạnh.

Với mong muốn nhanh chóng trở thành đơn vị cung ứng mặc hàng đồng phục hàng đầu Việt Nam cũng như xuất khẩu trong thời gian tới. Đại diện Công ty may mặc Dony cho biết, hiện doanh nghiệp này đã tự chủ được 100% nguyên liệu đầu vào và định hướng lâu dài là không tự biến mình thành đơn vị gia công.

Phát biểu tại Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI TP.HCM) cho biết,  8 tháng liên tiếp lũy kế kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đều giảm 14,4% - 37,6% so với cùng kỳ năm trước,  dệt may là 1 trong những nhóm hàng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu khó khăn nhất.

Theo thống kê hải quan, hàng dệt may xếp 37 trong 45 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2023 giảm, chỉ đạt 22,5 tỉ USD, giảm 3,8 tỉ USD (hay giảm 14,4%) so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu sang thị trường chủ lực là Mỹ đạt 10 tỉ USD, giảm 22,4%; EU 2,66 tỉ USD giảm 11,9%; Hàn Quốc 2,08 tỉ USD giảm 3%.


Link nội dung: https://kinhtedautu.net/doanh-nghiep-det-may-noi-dia-gap-kho-ve-nguyen-lieu-trong-san-choi-kinh-te-tuan-hoan-a18629.html