Thấy gì từ việc Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu?

Chỉ trong 2 ngày, Ngân hàng Nhà nước phát hành gần 20.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Theo các chuyên gia, đây là hoạt động nghiệp vụ hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ khó khăn dư thừa vốn, ổn định tỷ giá...

Theo kết quả chào bán tín phiếu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, phiên ngày 22/9, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 5 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 10.000 tỷ đồng, lãi suất 0,5%.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút 10.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu (ảnh: SBV).

Trước đó, trong phiên 21/9, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chào thầu thành công gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu cho 2 thành viên thị trường với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 0,69%; qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.

Như vậy, trong 2 ngày giao dịch vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 20.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

Ngay sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (FED) với việc điều chỉnh dự báo lãi suất tại Mỹ trong dài hạn có thể tiếp tục neo ở mức cao và giảm chậm hơn thì việc Ngân hàng Nhà nước thông qua động thái phát hành tín phiếu ở quy mô nhỏ, hút tiền về, được giới tài chính đánh giá là tín hiệu rất rõ ràng về việc Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng sử dụng các công cụ để điều tiết vĩ mô, dư thừa vốn ngân hàng, ổn định tỷ giá…

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Việt Nam đi ngược chiều các nền kinh tế lớn mặt bằng lãi suất đã liên tục giảm kể từ đầu năm. Hiện lãi suất gần tương đương mặt bằng thấp giai đoạn trước COVID-19.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, mục tiêu phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu là hút tiền trên thị trường trong bối cảnh đang thừa tiền, không cho vay ra được.

Việt Nam đang thực hiện việc hạ lãi suất, tăng đầu tư công, giảm thuế VAT... những điều này làm cho chính sách tiền tệ mở rộng nhanh chóng, do đó lượng tiền trên thị trường rất nhiều. Ngoài việc bơm hút tiền bình thường ra, việc phát hành tín phiếu cũng là một trong những cách để Ngân hàng Nhà nước rút bớt tiền trong xã hội.

"Tín phiếu là phát hành ra thị trường nói chung, có thể ngân hàng thương mại chỉ là nơi trung chuyển, ngân hàng thương mại cũng có thể mua tín phiếu từ Ngân hàng Nhà nước để hút bớt tiền trong nền kinh tế, giảm áp lực tiền tệ giữa VNĐ và USD cũng như áp lực về lạm phát. Lúc đó, không phải lo về tỷ giá VNĐ/USD hay e ngại VNĐ mất giá so với USD", ông Thịnh cho hay.

Sau 8 tháng đầu năm, VNĐ chỉ mất giá so với USD hơn 1,6%, như vậy có thể nói VNĐ rất ổn định so với USD. Trong khi đó, lãi suất trên thế giới đã lên mức cao nhất trong vòng 22 năm mà lãi suất VNĐ lại đang giảm mạnh.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, thanh khoản dồi dào, Ngân hàng Nhà nước mua vào, qua đó hỗ trợ 1 phần lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp hơn. Điều này cũng gián tiếp hỗ trợ tỷ giá (nhưng không quá lớn). Theo ông Lực, đây là hoạt động bình thường của Ngân hàng Nhà nước và liệu có tiếp tục phát hành tín phiếu hay không còn tuỳ thuộc vào thanh khoản

Thống kê Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng đang tăng trưởng rất chậm, đến 15/9 mới chỉ đạt 5,56% (trong khi định hướng cả năm là 14%), và chỉ nhỉnh hơn một chút so với 5,33% đến cuối tháng 8.

Việc dư thừa thanh khoản khiến các ngân hàng liên tục hạ lãi suất huy động. Cuối tuần trước và đầu tuần này, 4 ngân hàng có vốn Nhà nước là Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV đã đồng loạt giảm lãi suất huy động thêm 0,2 - 0,3%/năm, đưa lãi suất huy động cao nhất về chỉ còn 5,5%/năm, thấp nhất trong lịch sử thị trường tiền tệ.

Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất duy trì ở mức rất thấp. Lãi suất bình quân liên ngân hàng ở kỳ hạn chủ chốt là qua đêm giảm xuống chỉ còn 0,14%/năm; kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần giảm còn lần lượt 0,33 - 0,4%/năm; kỳ hạn 1 tháng là 1,03%/năm.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/thay-gi-tu-viec-ngan-hang-nha-nuoc-lien-tuc-phat-hanh-tin-phieu-a18695.html