"Người trẻ Việt Nam ngày càng muốn khởi nghiệp để kiếm nhiều tiền nhưng… chỉ 3-5% thành công”, tại sao vậy?

Cho tới nay, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh gặp không ít khó khăn trong gọi vốn để mở rộng quy mô, đặc biệt là gọi vốn thông qua mua bán và sáp nhập (M&A).

Việt Nam vừa đưa mô hình khởi nghiệp thành công từ Singapore về, thông qua hợp tác với Trường Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS) và học viện đào tạo kỹ năng khởi nghiệp (Success Academy) đầu tiên cho thế hệ trẻ gồm sinh viên, startup.

Việt Nam nổi trội về làn sóng khởi nghiệp

Ghi nhận, Việt Nam là một trong những quốc gia có làn sóng mạnh mẽ về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Từ năm 2000, số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp không ngừng tăng mạnh. Báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” do Cơ quan Thương mại và đầu tư của Australia (Austrade) cho biết, hiện Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã phát triển qua ba giai đoạn: Làn sóng đầu tiên (2000 - 2006), làn sóng thứ hai (2007 - 2014) và làn sóng thứ ba (2015 đến nay).

Trong đó, riêng làn sóng thứ ba, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh. Nếu như năm 2012, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ là 400, thì đến năm 2018 là hơn 4.000. Do bị ảnh hưởng bởi đại dịch, con số năm 2022 duy trì đâu đó gần 4.000 doanh nghiệp.

Tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam khoảng 20 doanh nghiệp/1 triệu dân, nhiều hơn các quốc gia như Indonesia (2.100 doanh nghiệp/260,6 triệu dân); Trung Quốc (2.300 doanh nghiệp/1.378,6 triệu dân) và Ấn Độ (7.500 doanh nghiệp/1.330,6 triệu dân) (VCCI, 2019). Điều này cho thấy tiềm năng để Việt Nam trở thành miền đất hứa với khởi nghiệp sáng tạo trên nền tảng hoàn thiện khung chính sách và tập trung xây dựng các yếu tố thúc đẩy hoạt động này.

Tuy nhiên, trong làn sóng khởi nghiệp đang sục sôi ấy, không phải ai cũng thành công.

"Người trẻ Việt Nam ngày càng muốn khởi nghiệp để kiếm nhiều tiền nhưng… chỉ 3-5% thành công”, tại sao vậy?

“Cách đây nhiều năm, khi tham gia một hội thảo về khởi nghiệp dành cho hàng nghìn sinh viên, tôi nhận ra ở Việt Nam có một làn sóng khởi nghiệp vô cùng mạnh mẽ. Ai cũng muốn khởi nghiệp và làm startup. Khi Thanh hỏi tại sao, thì tất cả đều trả lời “startup để làm giàu và có nhiều tiền” , đại diện Success Academy chia sẻ.

Song thực tế, tỷ lệ startup thành công luôn chỉ có 3-5%. Vì sao vậy? Theo các chuyên gia, do các em sinh viên ở Việt Nam khi ra trường còn yếu kỹ năng mềm để thích ứng và phát huy được tiềm năng khi ra với thế giới bên ngoài. Đó cũng là lý do các bên muốn đưa được mô hình đào tạo Success Academy từ SUSS bên cạnh nền tảng kỹ năng khởi nghiệp thì quan trọng hơn là thay đổi tư duy và giáo dục giá trị cốt lỗi cho các em thành công là như thế nào.

Cho tới nay, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh gặp không ít khó khăn trong gọi vốn để mở rộng quy mô, đặc biệt là gọi vốn thông qua mua bán và sáp nhập (M&A).

Sau năm bùng nổ 2021 (đạt gần 1,54 tỷ USD), vốn đầu tư vào startup Việt Nam bắt đầu có sự sụt giảm mạnh trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023. Theo báo cáo đổi mới và đầu tư công nghệ 2023 do Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures công bố mới đây, vốn đầu tư vào startup Việt Nam năm 2022 đạt 634 triệu USD, giảm 56% so với năm trước. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, theo một số thống kê, số vốn chỉ dao động từ 350-400 triệu USD.

Không chỉ tình hình kinh tế khó khăn, việc siết về hiệu suất kinh doanh cũng là nguyên nhân khiến vốn đổ vào startup Việt giảm.

Nhiều quan điểm cho rằng, khi các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển đến giai đoạn tăng trưởng thì việc mở rộng quy mô là tất yếu. Tuy nhiên, những hạn chế và thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp khởi nghiệp là thiếu nguồn lực cho phát triển và thiếu định hướng chiến lược.

Trở lại với mô hình đạo tạo kỹ năng khởi nghiệp Success Academy, đối tượng là các em sinh viên từ 16-18 tuổi. Chương trình đào tạo hai lộ trình: Thành công cá nhân và Thành công chuyên nghiệp. Học viện sẽ đóng vai trò là cầu nối và đường băng để các học viên có cơ hội mở rộng, nâng cao hành trình học tập chéo (cross-learning) và khởi nghiệp cùng với sinh viên tại trường Đại học danh tiếng tại Singapore. Các học viên sẽ được tham gia vào các chương trình đa dạng, như các khóa học trải nghiệm, trao đổi sinh viên và thực tập để tích luỹ kinh nghiệm chuyên môn.

Một dự án khởi đầu quan trọng là Chương trình Khởi Nghiệp Tác Động - Impact Startup Challenge (ISC) cung cấp cơ hội cho sinh viên từ Singapore và Việt Nam cùng học tập, trải nghiệm hệ sinh thái khởi nghiệp và cùng làm việc để tạo ra ý tưởng khởi nghiệp, thử nghiệm và điều chỉnh các sáng kiến của các bạn trong môi trường thực tế. Chương trình ISC Tp.HCM sẽ được khởi động vào tháng 7/2024, phối hợp cùng Đại học Văn Lang, với chủ đề về sự phát triển bền vững.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/nguoi-tre-viet-nam-ngay-cang-muon-khoi-nghiep-de-kiem-nhieu-tien-nhung-chi-3-5-thanh-cong-tai-sao-vay-a18758.html