K+ đối thoại cùng các quan chức ASEAN về Chuyển đổi số truyền thông

Tại Hội thảo ASEAN: Chuyển đổi số báo chí - Kiến tạo tri thức số vừa diễn ra tại Đà Nẵng ngày 21/09, đại diện một số doanh nghiệp đã thảo luận cùng các quan chức cấp cao về cách thúc đẩy ngành công nghiệp Nghe - Nhìn trong thời đại số.

Các đại biểu đồng thuận chuyển đổi số là yếu tố sống còn đối với ngành truyền thông. Tuy nhiên, có nhiều lo ngại phát sinh cần giải quyết như nạn vi phạm bản quyền, thiếu tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Đảm bảo người dân tiếp cận thông tin có chất lượng

Phát biểu trước các quan chức thông tin ASEAN và doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhận định chuyển đổi số sẽ quyết định tính sống còn của ngành truyền thông hiện đại. Theo ông, trong kỷ nguyên số, thói quen tiếp cận thông tin của người dùng đã thay đổi mạnh mẽ. Từ đó, kéo theo sự thay đổi trong cách thể hiện thông tin, mô hình kinh doanh, thị phần quảng cáo và vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.

Chia sẻ tình hình Campuchia, ông Ry Soyhhakrodh cho hay nước này đã có kế hoạch xây dựng nền tảng số về truyền hình và phát thanh trên toàn quốc, tiến tới loại bỏ các nền tảng truyền hình truyền thống vào năm 2025. Trong hoạt động này, Campuchia áp dụng các phương thức truyền tải không dây hiện đại như mạng 5G, tăng cường hợp tác công - tư. Trong khi đó, Indonesia cho hay quá trình chuyển đổi số của nước này đang diễn ra nhanh và có một kế hoạch phát triển cụ thể đến năm 2025, đại diện Thái Lan thì cho biết quốc gia đã đề ra 6 chiến lược cụ thể cho phát triển chuyển đổi số.

Trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, đại diện các nước ASEAN bày tỏ sự quan tâm về vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ truyền thông, truyền hình. Ông Zul-Fakhri Maily, đại diện Bộ TT&TT Brunei, cho hay chính phủ đề cao quyền bảo hộ và sở hữu trí tuệ trong không gian mạng, có các chương trình nâng cao nhận thức cho người dân, hạn chế xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nội dung số. Các nước Malaysia, Philippines cũng cho biết đã đưa ra các đạo luật về tài sản sở hữu trí tuệ và giáo dục người dân ý thức về quyền sở hữu trí tuệ khi tiếp cận các loại hình truyền thông mới.

K+ đối thoại cùng các quan chức ASEAN về Chuyển đổi số truyền thông - Ảnh 1.

Ông Thomas Jayet, CEO Truyền hình K+, phát biểu tại hội thảo

Nói về chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình, ông Thomas Jayet, CEO Truyền hình K+, cho hay nhãn hiệu này đã và đang tiên phong áp dụng các công nghệ số hóa. Song song với công nghệ truyền hình vệ tinh vẫn còn được ưa chuộng tại Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác, những doanh nghiệp truyền hình trả tiền như K+ hiện phải đối mặt với thách thức kép: duy trì mức đầu tư lớn vào nội dung chất lượng cao, đồng thời đạt mục tiêu chuyển đổi số cho các hoạt động, nền tảng truyền hình và cả các công cụ liên quan.

Theo ông Thomas, tại các khu vực vùng sâu vùng xa, việc tiếp cận dịch vụ truyền hình của người dân tương đối khó khăn. Do đó, cần có sự trợ giá cho các khu vực này để đảm bảo người dân được tiếp cận các thông tin có chất lượng. Tại Việt Nam, K+ đã triển khai trợ giá một số hoạt động để đảm bảo thông tin chất lượng cho người dùng. Cũng như các nền tảng khác, CEO K+ cho hay nền tảng này cũng đối mặt với các thách thức như tin giả và vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.

Số hóa tạo điều kiện cho nạn vi phạm bản quyền bùng nổ

Trước đó, ông Thomas Jayet đã có bài phát biểu về chủ đề bảo vệ bản quyền nội dung, tầm quan trọng của việc này đối với ngành truyền hình trả tiền và các bên liên quan trên môi trường số. Theo ông Jayet, nạn vi phạm bản quyền trực tuyến là vấn đề phổ biến trong khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam xếp thứ 3 với 15,5 triệu người truy cập trái phép các website vi phạm bản quyền. Ví dụ, trong lĩnh vực thể thao có hơn 100 website vi phạm bản quyền thu hút 1,5 tỉ lượt xem trong mùa giải Ngoại hạng Anh năm 2022/2023. Theo số liệu của Similarweb, trung bình mỗi trận đấu thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem. Còn trong lĩnh vực phim ảnh, có hơn 200 website vi phạm bản quyền với hơn 120 triệu lượt xem/tháng.

K+ đối thoại cùng các quan chức ASEAN về Chuyển đổi số truyền thông - Ảnh 2.

Ông Thomas trình bày về sự bùng nổ của nạn vi phạm bản quyền trong quá trình số hóa nội dung

Tổng Giám Đốc K+ cho biết vấn nạn này gây thiệt hại 348 triệu USD trong năm 2022 tại Việt Nam. Việc chống vi phạm bản quyền sẽ bảo vệ ngành công nghiệp nội dung và truyền thông, góp phần phát triển kinh tế. Theo đánh giá từ Media Partner Asia, nếu kiểm soát được vi phạm bản quyền, doanh thu video trực tuyến tại Việt Nam sẽ tăng gấp 3 lần với 11,7 triệu thuê bao hợp pháp.

CEO K+ cho biết nền tảng này sẽ tiếp tục tìm giải pháp khắc phục các khó khăn và tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia và mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng.

K+ đối thoại cùng các quan chức ASEAN về Chuyển đổi số truyền thông - Ảnh 3.

Ông Thomas giới thiệu về Truyền hình K+ tại gian hàng thuộc sự kiện

Đại diện Truyền hình K+ đã có buổi trao đổi riêng với ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử về giải pháp cho vấn nạn này. Về mặt kỹ thuật, ông Hoàng Hải nhận định việc chặn truy cập không khó, tuy nhiên cần phải có nhiều đơn vị phối hợp. Do đó, trong thời gian tới đơn vị sẽ nghiên cứu và đưa vào áp dụng các công nghệ mới nhằm xử lý hiệu quả hơn tình trạng vi phạm bản quyền. Ông cũng cho biết thêm rằng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Bộ Công an để xử lý đối tượng sở hữu, vận hành các website lậu. Ngoài ra, ông nhấn mạnh việc tăng nhận thức của cộng đồng về bản quyền cũng đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn vấn nạn này.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/k-doi-thoai-cung-cac-quan-chuc-asean-ve-chuyen-doi-so-truyen-thong-a18899.html