Khi mặt trời vừa ló rạng cũng là lúc vợ chồng ông Phan Viết Hồng (56 tuổi) và bà Đinh Thị Hợi (52 tuổi), trú thôn Đức Vừ, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh mang theo liềm, dây cùng gánh lên khu đồi phía sau nhà để cắt cây trện (hay còn gọi là cây rành rành). Công việc này gắn bó với vợ chồng ông Hồng hơn 20 năm qua.
“Con học hành, chi tiêu hàng ngày rồi tích góp tiền mua đàn lợn, đàn gà cũng từ những gốc trện này. Trước đây khu đồi này cả xóm đến cắt về làm chổi, họ còn đào gốc về đốt để sưởi ấm trong mùa đông”, ông Hồng nói.
Ở thôn Đức Vừ có 10 hộ dân trồng trện với diện tích khoảng 4ha. Gia đình ông Hồng là một trong những hộ có diện tích cây trện nhiều nhất với gần 2ha. Tay thoăn thoắt đưa liềm cắt ngang gốc trện, ông Hồng cười nói, giờ thương lái họ vào tận nhà thu mua, còn trước đây phải vượt hàng chục km đưa sang Nghệ An để bán.
Để có đồi cây trện như hiện nay, trước đó vợ chồng ông đã có quyết định táo bạo khi chặt bỏ gần 2ha diện tích trồng tràm khoảng 3 năm tuổi để trồng lại cây trện. Quyết định này lúc đó bị nhiều người ngăn cản vì cho rằng vợ chồng ông “gàn dở”.
Ông Phan Viết Hồng vui mừng khi đồi trện mỗi năm cho thu hàng chục triệu đồng
Hiện nay trên địa bàn có 3 xã Sơn Lễ, Sơn Tiến và An Hòa Thịnh với 165 hộ sản xuất khoảng 170ha cây trện tự nhiên, chủ yếu đất đồi núi. Loài cây này một là để tự nhiên hoặc có thể bón thêm phân đạm tổng hợp, còn lại gần như người dân không phải mất thời gian nhiều để chăm sóc. Do không cần đầu tư nhiều, lại dễ bán nên giúp nhiều gia đình thoát nghèo".
Ông Phan Văn Khanh - Chủ tịch Hội nông dân huyện Hương Sơn
Nhiều người trồng trện tại Hà Tĩnh cho biết, trước đây trện mọc hoang, họ chỉ lấy về làm củi hoặc làm chổi, nhưng gần đây thành một mặt hàng có giá trị được thương lái săn đón giúp người dân có thu nhập ổn định.
Đặc biệt, hiệu quả cao gấp 3 lần so với trồng tràm. Mỗi mùa vụ người dân có thu nhập từ hàng chục triệu đồng, có những thời điểm giá trện lên cao họ lãi hơn 100 triệu đồng. Trện hiện tại bán với giá từ 13-15 ngàn đồng/kg.
Cây trện cho thu hoạch, phần ngọn, hoa dùng để chế biến tinh dầu với công dụng trị mệt mỏi, cảm cúm, đau nhức, điều hòa kinh nguyệt cho phụ nữ, còn phần gốc dùng làm chổi quét sân hoặc bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc.
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/kiem-hang-chuc-trieu-dong-tu-cay-moc-hoang-a18934.html