Tỷ giá liên tục lập đỉnh: Ngân hàng Nhà nước can thiệp thế nào?

Tỷ giá ngân hàng liên tục lập đỉnh, lên gần mốc 24.600 đồng/USD. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng nghiệp vụ hút dòng tiền về qua kênh tín phiếu để ổn định tỷ giá.

Hút ròng 50 ngàn tỷ VND

Chỉ trong vòng nửa tháng qua, tỷ giá liên tục tăng mạnh , tỷ giá trung tâm của NHNN lên cao nhất lịch sử, trên 24.000 đồng/USD. Đây là lần biến động mạnh từ giữa tháng 6 đến nay. Tỷ giá liên tục tăng, giảm trái chiều từ các ngân hàng thương mại nhưng vẫn duy trì trên mức 24.500 đồng/USD.

Chiều 27/9, tỷ giá USD trung tâm của NHNN vẫn tăng lên mức 24.088 đồng/USD, tăng 4 đồng/USD so với đầu giờ sáng. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp tỷ giá tăng từ đầu tuần. Giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào 23.400 đồng/USD, bán ra 25.242 đồng/USD, mức cao nhất trong lịch sử. Thế nhưng, các ngân hàng thương mại phản ứng trái chiều.

Tỷ giá liên tục lập đỉnh: Ngân hàng Nhà nước can thiệp thế nào? - Ảnh 1.

Tỷ giá tại ngân hàng tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Ảnh: Như Ý

Sau khi các ngân hàng tăng mạnh, giá USD lên sát mốc 24.600 đồng/USD vào ngày 26/9, đến chiều 27/9, Vietcombank niêm yết 24.170- 24.540 đồng/USD mua vào - bán ra, giảm 15 đồng/USD so với buổi sáng; BIDV: 24.230- 24.530, giảm 10 đồng/USD so với sáng; Vietinbank: 24.136- 24.556 đồng/USD, giảm mạnh 52 đồng/USD so với hôm qua.

Biến động gần đây của tỷ giá liên quan đến thông tin NHNN phát hành tín phiếu trở lại để giảm thanh khoản và cần một thời gian ngắn nữa để ổn định trở lại”.

Ông Nguyễn Bá Hùng Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á

Trên thị trường “tự do”, giá 1 USD vẫn khoảng 24.300 đồng chiều mua vào và 24.400 đồng chiều bán ra. Hiện, giá USD chợ đen vẫn còn thấp hơn so với giá USD các ngân hàng thương mại từ 100- 140 đồng/USD chiều bán ra.

Sau khi tỷ giá liên tục lập đỉnh, NHNN đã can thiệp qua kênh phát hành tín phiếu để hút tiền về. Ngày 26/9, NHNN thông báo kết quả chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Theo đó, có 9/11 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,58%, cao hơn phiên chào bán ngày 25/9 (0,49%).

Trước đó, trong 3 phiên liên tiếp gần đây 21/9, 22/9 và 25/9, cơ quan này đã chào thầu thành công tổng cộng 30.000 tỷ đồng tín phiếu, rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng. Như vậy, sau 3 phiên thăm dò với khối lượng 10.000 tỷ, nhà điều hành đã tăng khối lượng phát hành lên gấp đôi.

Trong 4 phiên giao dịch vừa qua, NHNN đã hút ròng tổng cộng gần 50.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu. Điều này cho thấy tín hiệu về sự quyết liệt hơn của NHNN trong hút bớt tiền về.

NHNN đã sử dụng lại nghiệp vụ qua kênh phát hành tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm ngưng (từ 10/3/2023). Động thái diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống liên tục dư thừa trong thời gian gần đây. Số liệu mới công bố của NHNN cũng cho thấy, tín dụng vẫn đang tăng trưởng rất chậm, đến 15/9 mới chỉ đạt 5,56% (trong khi định hướng cả năm là 14%) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với 5,33% đến cuối tháng 8.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu quan tâm

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư FIDT dự báo, việc hút tiền thông qua phát hành tín phiếu của NHNN có thể kéo dài đến cuối năm, trước khi có những dấu hiệu mới đối với nền kinh tế. NHNN sẽ tiếp tục hút thanh khoản đến khi chạm mục tiêu về tỷ giá, hoặc chạm giới hạn về ưu tiên nền thanh khoản hỗ trợ kinh tế.

Hiện tại, tỷ giá 24.500 đồng/USD đang được NHNN bảo vệ kể từ cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Còn giới hạn về ưu tiên được xác định bởi các yếu tố như lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm.

Với tổng thanh khoản ngắn hạn của hệ thống ngân hàng ước khoảng 440.000 tỷ đồng, mức dự trữ bắt buộc ước tính từ 270.000 đến 280.000 tỷ đồng, mức đầu cơ ngắn hạn tỷ giá (trạng thái USD hệ thống ngân hàng) vào khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng.

Ông Tuấn cho rằng, thanh khoản dư thừa không cần thiết sẽ là mức NHNN cần phải hút, có thể rơi vào hai kịch bản nhằm kéo lãi suất rất ngắn hạn dưới 3 tháng cao lên, thu hẹp chênh lệch lãi suất với USD, nhưng không ảnh hưởng đến lãi suất tiền gửi - cho vay cho hoạt động kinh tế.

Cụ thể, ở kịch bản đầu tiên, NHNN hút 70.000 - 100.000 tỷ, trung bình 10.000 tỷ/ngày, kéo dài trong 2 tuần, nền thanh khoản dư thừa dự kiến rơi vào vùng dự trữ bắt buộc của hệ thống 40.000 - 70.000 tỷ dư thừa. Tại kịch bản 2, mức hút thanh khoản dự kiến tiệm cận 130.000 - 140.000 tỷ với tốc độ nhanh hơn, khi áp lực ngoại hối trong ngắn hạn tăng mạnh. Có thể NHNN sẽ kết hợp vừa tăng tốc độ hút vừa tăng kỳ hạn hút để hiệu quả phòng ngừa tỷ giá, nhưng xác suất kịch bản này không cao.

Với góc nhìn của ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), NHNN chưa gặp khó khăn về chính sách với tỷ giá. Những biến động gần đây của tỷ giá nằm trong biên độ đã được định trước: “Trong bối cảnh hiện nay, giảm lãi suất chỉ là một yếu tố tác động đến cung cầu ngoại tệ. Người dân muốn giữ tiền USD thay vì VND vì lãi suất thấp, khiến cầu ngoại tệ tăng lên.

Tuy nhiên, xuất khẩu chưa cải thiện nhiều nên chưa gây ra biến động về cầu quá lớn. Biến động gần đây của tỷ giá liên quan đến thông tin NHNN phát hành tín phiếu trở lại để giảm thanh khoản và cần một thời gian ngắn nữa để ổn định trở lại”, ông Hùng phân tích.

Mới đây, tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề tỷ giá là câu chuyện mà nhiều doanh nghiệp rất quan tâm. Tỷ giá cũng là một phần trong chi phí tài chính của doanh nghiệp.

“Lãi suất giảm đương nhiên tỷ giá tăng. Do đó điều hành cần phải có sự hài hoà, ổn định. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên sản xuất trong nước của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu/GDP gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn. Do đó đây là một bài toán khó”.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định hiện NHNN theo dõi rất sát tỷ giá, hằng ngày, hằng giờ để có thể điều hành phù hợp.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/ty-gia-lien-tuc-lap-dinh-ngan-hang-nha-nuoc-can-thiep-the-nao-a19243.html