Trong 5 phiên giao dịch 21/9, 22/9, 25/9, 26/9 và 27/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hút ròng tổng cộng gần 70.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước có động thái và phát hành thành công 9.995 tỷ đồng tín phiếu, lãi suất trúng thầu với lãi suất 0,69% trong kỳ hạn là 28 ngày.
Tới ngày 22 và ngày 25/9, nhà điều hành tiếp tục phát hành 10.000 tỷ đồng tín phiếu mỗi phiên với lãi suất trúng thầu lần lượt là 0,5% và 0,49% cũng trong kỳ hạn 28 ngày.
Tiếp đến 26/9, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng ra thị trường bằng kênh tín phiếu nhưng khối lượng tăng lên gấp đôi là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,58%, kỳ hạn 28 ngày.
Chưa dừng lại, ngày 27/9, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 9/12 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,65%.
Số lượng thành viên tham gia các phiên đấu thầu tín phiếu khá đông đảo, khoảng 11-17 thành viên và tỉ lệ trúng thầu ngày càng cao với 8-9 thành viên tại những phiên gần nhất, vào ngày 25/9, 26/9 và 27/9 đều có 9 thành viên trúng thầu với lãi suất lần lượt là 0,49%, 0,58% và 0,65%.
Lý giải nguyên nhân hút tiền qua kênh tín phiếu, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, USD tăng giá mạnh thời gian gần đây, hiện Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ, đang điều hành để ổn định tỷ giá. Mặc dù vậy, ông Hà cũng nêu thế khó của nhà điều hành khi lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
“Mấy ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện nay lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá” - Phó Thống đốc nhận định.
Nhìn nhận về động thái hút ròng qua kênh tín phiếu, Chứng khoán Maybank (MBKE) nhận định, việc cân nhắc hút tiền trong hệ thống hiện nay của Ngân hàng Nhà nước là một biện pháp giảm áp lực tỷ giá, đưa về mức mục tiêu (xấp xỉ 3% cho năm nay). Trong tháng 8-9, tỷ giá đã tăng nhanh và có dấu hiệu vượt khỏi ngưỡng mục tiêu (trên 3%).
Theo Maybank, đây là bước đi có tính toán kỹ từ việc quan sát thanh khoản của hệ thống (đang thừa) và bước đi khôn ngoan (chưa cần phải sử dụng đến công cụ bán ngoại hối như năm ngoái). Lưu ý, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã bán 25 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối. Việc bán sớm khiến Ngân hàng Nhà nước “hết đạn” sớm, giảm khả năng can thiệp linh hoạt về sau.
Đồng thời, lãi suất trúng thầu thấp cho thấy thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn dư nhiều. Lý do thị trường đã thấy là do tăng trưởng tín dụng còn chậm cho đến giữa tháng 9, mới có 5,7% so với mục tiêu 14 - 15% năm nay.
MayBank quan sát và tin rằng, Ngân hàng Nhà nước đang tính toán liều lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để đảm bảo liều lượng vừa đủ sao cho đạt các mục tiêu là tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên, từ đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá; không gây gián đoạn thanh khoản cho toàn bộ nền kinh tế; đảm bảo lãi suất thực của nền kinh tế (lãi suất cho vay) sẽ tiếp xu hướng giảm.
Về diễn biến tỷ giá USD , sáng nay 28/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.088 đồng/USD. So với đầu tháng 9, tỷ giá trung tâm tăng 111 đồng, tương ứng mức tăng hơn 0,46%.
Các ngân hàng thương mại tăng nhẹ giá USD thêm 10 đồng, Eximbank mua vào lên 24.150 - 24.230 đồng, bán ra 24.550 đồng; Vietcombank mua vào 24.190 - 24.220 đồng, bán ra 24.560 đồng… So với đầu tháng 9, các ngân hàng thương mại tăng giá USD 250 đồng, tương ứng mức tăng hơn 1%. Đây là tháng có mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. So với đầu năm, giá USD tăng 850 đồng, tương ứng mức tăng 3,58%.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất USD giao dịch giữa các nhà băng duy trì trên mức 5% ở các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm lên 5,07%/năm (trong khi lãi suất tiền đồng là 0,2%/năm), 1 tuần là 5,14%/năm (lãi suất tiền đồng là 0,41%/năm), 2 tuần ở mức 5,23%/năm (lãi suất tiền đồng chỉ 0,55%/năm)… Ở kỳ hạn dài 9 tháng và 1 năm, lãi suất USD thấp hơn tiền đồng từ 0,3 - 0,6%, ở mức 5,76 - 5,81%/năm.
Sáng nay, giá USD quốc tế tăng mạnh, chỉ số USD-Index thêm 0,5 điểm, lên 106,6 điểm. Đây là mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng lên mức cao nhất trong vòng 16 năm khi ở mức 4,587%.
Giá USD được hỗ trợ tăng mạnh trước quan điểm "diều hâu" của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về việc tăng lãi suất. Ông Jamie Dimon - Giám đốc điều hành của JP Morgan cho rằng thị trường cần chuẩn bị cho lãi suất ở mức 7% trong những tháng tới. Trong khi đó, lãi suất USD hiện đang ở mức 5,25% và 5,5%. Trường hợp lãi suất còn tiếp tục tăng cao, giá USD sẽ còn được hỗ trợ tăng giá thêm trong thời gian tới.