Bảo hiểm nhân thọ thu về hơn 113.000 tỷ đồng tiền phí trong 9 tháng đầu năm

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 9 tháng đầu năm ước đạt 113,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường bảo hiểm đang gặp khó khăn nhất định do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán hàng qua các ngân hàng.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý III/2023 ước đạt 52,9 nghìn tỷ đồng (giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022).

Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165,6 nghìn tỷ đồng (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52,2 nghìn tỷ đồng (tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113,4 nghìn tỷ đồng (giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 57,1 nghìn tỷ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 746,7 tỷ đồng (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 890,5 tỷ đồng (tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Tổng cục thống kê, thị trường bảo hiểm đang gặp khó khăn nhất định do quy định chặt chẽ của hợp đồng bảo hiểm từ kênh bán hàng qua các ngân hàng.

Mặc dù doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm nhưng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đang có xu hướng tăng do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang rất nỗ lực ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tiềm năng nhằm mở rộng thị trường, giúp tối ưu hóa quy trình kinh doanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng, kỳ vọng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và duy trì được mức tăng trưởng doanh thu bền vững.

Trước đó, ngành bảo hiểm nhân thọ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin chưa từng có do một loạt bê bối.

Trong báo cáo mới công bố về Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2023, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết, trong giai đoạn đầu năm 2023, ngành bảo hiểm – “người bảo vệ” giúp khách hàng sẵn sàng ứng phó những giai đoạn khó khăn lại phải đối mặt cuộc khủng hoảng xảy ra với chính mình. Loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam.

Theo Vietnam Report, năm 2023, thị trường Bảo hiểm đã được phen lao đao khi những thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Có đến 81,8% doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report cho rằng việc Xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải trong năm 2023.

Vietnam Report dẫn thống kê từ các nền tảng mạng xã hội cho thấy, sau khi các thông tin tiêu cực về kênh bancassurance và hai vụ việc tố nhân viên tư vấn sai, thiếu trách nhiệm với khách hàng đã đẩy lượng tin thảo luận về ngành bảo hiểm tăng gấp 15 lần, từ 4,7 nghìn lượt thảo luận/ngày trong năm 2022 lên 73 nghìn lượt thảo luận/ngày vào tháng 4/2023.

Không chỉ dừng lại tăng lượng tin thảo luận, những sự việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thái độ của khách hàng về ngành Bảo hiểm, đẩy chỉ số cảm xúc tiêu cực tăng cao nhất trong 3 năm qua.

Kết quả phân tích cho thấy các cuộc thảo luận về chủ đề bảo hiểm trong năm 2022, cảm xúc chủ đạo của khách hàng đa số là trung tính (chiếm 61,5%) trong khi tiêu cực chỉ có 2,2%. Tuy nhiên, sau khi những sự việc trên liên tiếp xảy ra, chỉ số cảm xúc tiêu cực của khách hàng đã được đẩy lên 54,0% (gấp 19 lần).

"Khi chỉ số cảm xúc tiêu cực tăng cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của ngành bảo hiểm nói chung và DNBH nói riêng, thậm chí có thể làm gia tăng lượng khách hàng muốn hủy hợp đồng bảo hiểm", Vietnam Report đánh giá.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/bao-hiem-nhan-tho-thu-ve-hon-113000-ty-dong-tien-phi-trong-9-thang-dau-nam-a19463.html