Tẩy sửa sổ đỏ, hô biến nhà trong ngõ thành mặt phố để lừa cắm ngân hàng lấy hơn 10 tỷ

Bị cáo Nguyễn Thị Dung, cấu kết với đồng phạm chỉnh sửa vị trí thửa đất trên sổ đỏ đem thế chấp ngân hàng vay vốn, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Để hành vi phạm tội của nhóm Dung thực hiện trót lọt, cơ quan điều tra kết luận có sai phạm của cán bộ hai ngân hàng.

Cấu kết nhau mua đất, sửa vị trí đất trên sổ đỏ

Ngày 29/9, được biết, TAND TP Hà Nội vừa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Dung (SN 1989, trú xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) tổng mức án 26 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Cùng vụ án, bị cáo Nguyễn Xuân Thủy (SN 1983, trú quận Thanh Xuân); Đinh Xuân Dương (SN 1977), Nguyễn Thị Thảo (SN 1993) và Nhữ Thị Thủy (SN 1981, đều ở huyện Sóc Sơn); Tống Văn Tuấn (SN 1989, ở quận Nam Từ Liêm); Nguyễn Hồng Hạnh (SN 1981, quê Vĩnh Phúc) bị phạt từ 3 – 14 năm tù giam.

Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 31/12/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội nhận đơn của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tố giác Nguyễn Thị Dung có hành vi sử dụng tài liệu giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Quá trình điều tra xác định, Dung, Xuân Thủy và Dương đã tìm mua các thửa đất giá trị thấp trong ngõ thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn, sau đó chỉnh sửa thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và hồ sơ, thành các thửa cùng hướng, diện tích và vị trí nằm ngoài mặt Quốc lộ 2, 3. Việc chỉnh sửa nhằm mục đích đẩy lô đất lên giá trị cao hơn, đem thế chấp ngân hàng.

Theo phân công, Dương tìm mua đất; Xuân Thủy có trách nhiệm ứng tiền mua; còn Dung thuê Tống Văn Tuấn, Nhữ Thị Thủy, Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Hồng Hạnh...đứng tên hồ sơ mua bán với chủ đất, đứng tên hồ sơ vay vốn tại VPBank, đổi lại, nhóm này được Dung trả công 10% trên mỗi hồ sơ giải ngân.

Sau khi hợp đồng mua bán đất được ký kết với chủ đất, Dung sử dụng dao lam cạo xóa đường chỉ giới, rồi viết hoặc in thêm chữ QL2, QL3 trên sơ đồ thửa đất của GCNQSDĐ. Chỉnh sửa xong, Dung đưa lại cho Nguyễn Xuân Thủy quản lý.

Khi nhóm bị cáo Tuấn, Nhữ Thị Thủy, Thảo và Hạnh… đi ký hợp đồng thế chấp với ngân hàng, Xuân Thủy mang GCNQSDĐ đến Văn phòng công chứng để làm thủ tục.

Tại VPBank, quá trình làm hợp đồng vay tiền chỉ có người mua đất là Tuấn, Nhữ Thị Thủy, Thảo, Hạnh và cán bộ ngân hàng; Dung không đi cùng nhưng thuê người đóng giả chủ đất để cán bộ định giá tin tưởng, đồng thời, thuê các xưởng gỗ, xưởng may ngoài mặt Quốc lộ 2, 3 và dặn chủ xưởng khi cán bộ ngân hàng hỏi sẽ nói "xưởng là của nhóm người đứng tên hồ mua bán đất vay vốn ngân hàng".

Căn cứ hồ sơ, VPBank giải ngân hơn 10,4 tỷ đồng cho 6 GCNQSD đất đã bị chỉnh sửa của nhóm Dung.

Số tiền này Dung chiếm đoạt 5,2 tỷ đồng, Xuân Thủy chiếm hưởng hơn 1 tỷ đồng; Dương 50 triệu đồng; Hạnh và nhóm đứng tên đất, hợp đồng vay vốn ngân hàng mỗi người hưởng lợi hơn 100 đến gần 300 triệu đồng.

Tẩy sửa sổ đỏ, hô biến nhà trong ngõ thành mặt phố để lừa cắm ngân hàng lấy hơn 10 tỷ - Ảnh 1.

Nhóm bị cáo tại phiên tòa.

Sai sót của nhóm cán bộ ngân hàng

Riêng với Nguyễn Xuân Thủy , quá trình điều tra, cơ quan truy tố xác định, bị cáo còn chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SHB.

Cáo trạng quy kết Thủy gian dối mua mảnh đất tại ngách 35 ngõ 141 phố Nam Dư (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) nhưng kê khai tài sản đảm bảo nằm ở vị trí ngoài mặt đường địa chỉ số 505 đường Lĩnh Nam (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai). Mục đích kê khai này nhằm thế chấp ngân hàng được khoản vay có giá trị lớn hơn.

Sau khi được giải ngân hơn 5,9 tỷ đồng, Nguyễn Xuân Thủy trả cho Ngân hàng SHB 559 triệu tiền lãi và phí, sau đó Thủy không trả.

Viện kiểm sát nhận thấy, vụ án có một số cán bộ của VPBank là Trương Đình Hải, Trần Văn Phú, Bùi Thị Hiền, sai sót trong quá trình thu thập GCNQSDĐ từ khách hàng. Mặc dù chỉ được cung cấp bản photo nhưng vẫn ký đóng dấu "đã đối chiếu bản gốc" và đẩy hồ sơ lên hệ thống. Khi bộ phận hỗ trợ tín dụng của VPBank tiếp nhận hồ sơ cũng không phát hiện các GCNQSDĐ bị khách hàng chỉnh sửa.

Đáng chú ý, cơ quan điều tra làm rõ cán bộ Trần Văn Hải được bị cáo Nguyễn Thị Dung "cảm ơn" 106 triệu đồng. Số tiền hưởng lợi bất chính Hải đã trả cho VPBank.

Còn tại ngân hàng SHB, anh Nguyễn Trung Tính – cán bộ tín dụng PGD Nghĩa Đô, bị kết luận không thực hiện các khuyến nghị của Trung tâm thẩm định tài sản về việc yêu cầu khách hàng bổ sung xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về pháp lý của tài sản. Sai phạm này khiến anh Tính bị buộc thôi việc.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/tay-sua-so-do-ho-bien-nha-trong-ngo-thanh-mat-pho-de-lua-cam-ngan-hang-lay-hon-10-ty-a19490.html