Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được nâng lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, mở ra trang sử mới trong mối quan hệ của 2 nước và kỳ vọng tạo ra bước nhảy vọt về kinh tế. Trên sàn chứng khoán, nhiều DN lớn đã có mối giao thương với thị trường Mỹ trong nhiều năm và cho đến nay, thị trường này đã chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu của họ.
FPT - Mỹ đang đóng góp 35% vào doanh thu xuất khẩu phần mềm
Được thành lập từ 1988, FPT hiện nay là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam. Tập đoàn có 3 mảng kinh doanh chính gồm công nghệ, viễn thông và giáo dục. Trong đó, khối công nghệ là mảng kinh doanh cốt lõi, đóng góp doanh thu, lợi nhuận lớn nhất cho FPT với tỷ trọng lần lượt 57-58% và 44-45%.
Công ty gia nhập thị trường Mỹ từ năm 2008 và đây đã trở thành một trong những thị trường nước ngoài quan trọng nhất. FPT hiện cũng là công ty xuất khẩu phần mềm lớn nhất của Việt Nam với doanh số tại thị trường Mỹ đang đóng góp 35% vào doanh thu xuất khẩu phần mềm (43% tổng doanh thu) FPT trong năm 2022.
Kế hoạch đến cuối năm 2023, FPT dự kiến đầu tư 100 triệu USD và gần 1.000 nhân lực tại đây. Với những khoản đầu tư liên tục, FPT kỳ vọng sẽ tạo ra hơn 3.000 việc làm vào năm 2028 và đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường Mỹ vào năm 2030.
Tập đoàn cũng công bố hợp tác chiến lược toàn diện với LandingAI - Công ty trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley (Mỹ) nhằm đẩy nhanh quá trình đưa AI vào đào tạo tại hệ thống giáo dục FPT Education.
Năm 2022, FPT đã thành lập FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch. Đến nay, sản phẩm của chip nguồn (PMIC - Power Management IC) của FPT Semiconductor đã qua giai đoạn R&D đến giai đoạn sản xuất hàng loạt (production phase). FPT đặt kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu vào 2 năm 2024 và 2025.
VHC – Doanh số xuất sang thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 32%
Ở mảng thuỷ sản, Vĩnh Hoàn (VHC) được mệnh danh là “vua cá tra” tại Việt Nam. VHC cũng là một trong những đơn vị đầu tiên xuất khẩu được sản phẩm cá da trơn qua Mỹ và duy trì doanh số lớn hàng năm. 7 tháng đầu năm 2023, thị trường Mỹ chiếm tới 32% tổng doanh thu của công ty này. Dù vậy, doanh số xuất sang Mỹ liên tục sụt giảm từ đầu năm.
Cụ thể, sản lượng cá tra xuất khẩu đi Mỹ của VHC trong tháng 7/2023 là 5.750 tấn - giảm 8,7% so với tháng 6/2023. Về giá bán, giá cá tra xuất khẩu trong tháng 7/2023 là 3,13 USD/kg - giảm 10,5% so với tháng 6/2023.
Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ cá tra tại thị trường Mỹ chưa hoàn toàn hồi phục mạnh so với quý 2/2023, và các nhà nhập khẩu tại Mỹ còn thận trọng, chủ yếu nhập đơn số lượng nhỏ, tích trữ tồn kho trong khoảng 1-2 tháng.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cá tra của VHC sang thị trường được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục trở lại trong quý 4/2023 và kéo dài sang năm 2024 khi lượng tồn kho tại Mỹ đã giảm đáng kể và nhu cầu dần hồi phục.
Phú Tài – Xuất khẩu đồ gỗ nội thất và đá ốp lát sang Mỹ chiếm tỷ trọng đến 70%
Xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng lên đến 70% doanh thu xuất khẩu còn có CTCP Phú Tài (PTB). Được biết, Công ty chuyên xuất khẩu đá ốp lát và nội thất gỗ, phần xuất khẩu chiếm 70% doanh thu cốt lõi. Theo Vietcap, chi phí bằng USD của PTB chỉ khoảng 20%. Song song PTB vay USD nhỏ.
Về kinh doanh, chỉ số PTB ghi nhận giảm sút mạnh khi kim ngạch xuất khẩu mảng gỗ của Việt Nam tiếp tục lao dốc trong 6 tháng đầu năm, nguyên nhân chính do sức mua từ thị trường chính là Mỹ vẫn chưa hồi phục. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Phú Tài đạt 2.898 tỷ, lãi trước thuế 201 tỷ, lần lượt giảm 20% và giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngược lại, giá hợp đồng tương lai gỗ xẻ trong tháng 5 đã tăng trên 550 USD/1000 feet, mức cao nhất kể từ đầu tháng 2 chủ yếu do nhu cầu hồi phục khi kỳ xây dựng vào mùa hè đến gần trong khi nguồn cung vẫn bị hạn chế. Điều này cho thấy tín hiệu phục hồi trong thị trường nhà ở cũng như là chỉ báo tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nguyên liệu, gạch ốp lát và đồ nội thất.
Sang quý 3/2023, PTB kỳ vọng doanh thu hợp nhất đạt 1.351 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 107 tỷ. Trong cơ cấu doanh thu của PTB, xuất khẩu gỗ chiếm tỷ trọng lớn nhất, kế đến là đá và phân phối ô tô, ngoài ra còn có mảng bất động sản. Đối với mảng đá, PTB cho biết sẽ đẩy mạnh mảng đá thạch anh nhân tạo xuất khẩu sang Mỹ, với sự đóng góp công suất từ nhà máy Đồng Nai giai đoạn 2 trong năm 2023.
Ngoài ra, Cao su Đà Nẵng (DRC) và Hoá chất Đức Giang (DGC) cũng là những đơn vị xuất khẩu mạnh sang Mỹ theo quan điểm Vietcap. Trong đó, DRC là một trong những nhà sản xuất lốp xe nội địa hàng đầu tại Việt Nam, với khoảng 12% trên tổng doanh thu đến từ thị trường Mỹ trong năm 2022. Trong tương lai, công ty đặt mục tiêu phát triển thị trường tại Mỹ. Còn DGC – công ty chuyên xuất khẩu hóa chất và phân bón thu USD, hiện chiếm 80% doanh thu. Trong khi đó, chỉ có 40% chi phí đến từ USD. DGC không vay USD đáng kể.