Một ngành công nghiệp có thể giúp Việt Nam tạo đột phá, miền Bắc vừa khánh thành nhà máy đầu tiên

Việt Nam có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp có giá trị hàng trăm tỷ USD này.

Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, doanh thu chip bán dẫn toàn cầu năm 2022 là khoảng 556 tỷ USD. Với tiềm năng phát triển trên, ngành bán dẫn đang là miếng bánh hấp dẫn đối với nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam với chủ đề "Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á", diễn ra ngày 29/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng cho biết, có 5 yếu tố có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Thứ nhất, hệ thống chính trị nước ta được đánh giá ổn định với vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chú trọng việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam có một lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Cùng với đó là những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn.

Thứ ba, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn đến từ các quốc gia phát triển trên thế giới. Thứ tư, Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn ngành bán dẫn.

Thứ năm, Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TPHCM, Hòa Lạc và Đà Nẵng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao.

"Chúng tôi khuyến khích các tập đoàn sản xuất đã có hoạt động tại Việt Nam nghiên cứu mở rộng hoạt động. Các tập đoàn chưa có hoạt động tại Việt Nam thì tìm hiểu các cơ hội để đầu tư vào Việt Nam với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi tại các khu công nghệ cao TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong công cuộc phát triển nền kinh tế, trong đó đổi mới công nghệ bằng cách chuyển đổi kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ này. Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn.

Một ngành công nghiệp có thể giúp Việt Nam tạo đột phá, miền Bắc vừa khánh thành nhà máy đầu tiên - Ảnh 1.

Samsung là doanh nghiệp đầu tư lớn cho lĩnh vực bán dẫn. Ảnh: Đ.T

Tại Việt Nam, những đơn vị nghiên cứu, đào tạo uy tín trong lĩnh vực bán dẫn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đặc biệt, các doanh nghiệp lớn có nguồn lực và sẵn sàng hợp tác phát triển ngành bán dẫn như Viettel, VNPT, FPT, CMC. Các khu công nghệ cao thường tập trung tại Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Mới đây, Hà Nội cũng đã có kế hoạch phát triển ngành, thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Thành phố tập trung phát triển 25 khu công nghiệp, trong đó, có 10 khu công nghiệp hiện đã được lấp đầy và đang hoạt động. Đối với 15 khu công nghiệp còn lại đang được triển khai các định hướng đầu tư, phát triển hạ tầng, hệ thống phụ trợ để thu hút đầu tư.

Hà Nội cam kết sẽ đồng hành cùng các đơn vị, doanh nghiệp, trên cơ sở những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như yêu cầu thực tiễn của ngành và tạo điều kiện tối đa để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển trên địa bàn Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Một ngành công nghiệp có thể giúp Việt Nam tạo đột phá, miền Bắc vừa khánh thành nhà máy đầu tiên - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất của Hana Micron Vina - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tại miền Bắc, dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên của Công ty Hana Micron Vina tại khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang mới đây đã được khánh thành.

Hana Micron Vina là doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác, có tổng vốn đăng ký đầu tư gần 600 triệu USD. Giai đoạn 1 của nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 11/2020.

Dự án của Công ty Hana Micron Vina có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo nền tảng phát triển hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn trong tỉnh Bắc Giang nói riêng và tại miền Bắc nói chung.

Ông Choi Chang Ho, Chủ tịch Hana Micron Vina, cho biết đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỷ USD, doanh thu năm dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo ra 4.000 việc làm cho người lao động Việt Nam.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/mot-nganh-cong-nghiep-co-the-giup-viet-nam-tao-dot-pha-mien-bac-vua-khanh-thanh-nha-may-dau-tien-a19729.html