Thấy gì từ việc hàng loạt 'ông lớn' công nghệ đầu tư vào bán dẫn Việt Nam?

Các công ty công nghệ liên tiếp rót tiền vào các dự án bán dẫn Việt Nam mang đến cho nước ta cơ hội rất lớn để phát triển ngành bán dẫn trong nước và bước chân vào thị trường bán dẫn nghìn tỷ USD toàn cầu.

Lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với nhiều hãng hàng đầu trong ngành. Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm và hiện diện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Amkor.... trong đó có những tập đoàn đã đầu tư hàng trăm triệu đến cả tỷ USD để xây dựng nhà máy ở Việt Nam.

Các 'ông lớn' ồ ạt rót tiền

Intel, một trong ba nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, đã đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. Tháng 3/2007, Intel khởi công xây dựng nhà máy Intel Products Việt Nam tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (quận 9, TP.HCM) với quy mô đầu tư 1 tỷ USD.

Sau 13 năm hoạt động, hiện nay, Intel Products Việt Nam là nhà máy lớn nhất về mảng lắp ráp và kiểm định của Intel trên thế giới, đóng góp hơn 50% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư nhà máy Intel Products Việt Nam lên gần 1,5 tỷ USD và hiện đang có kế hoạch đầu tư thêm để mở rộng nhà máy.

Thấy gì từ việc hàng loạt ông lớn công nghệ đầu tư vào bán dẫn Việt Nam? - Ảnh 1.

Nhà máy Intel Products Việt Nam tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Intel


Tháng 11/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty Amkor Technology (trụ sở tại Arizona) đã ký thoả thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại khu công nghiệp Yên Phong II-C với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD, dự kiến đưa vào sản xuất thử từ cuối tháng 10/2023. Theo ông Kim Sung Hun, Tổng Giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam, nhà máy khi hoàn thiện sẽ là nhà máy lớn nhất của Amkor trên toàn cầu.

Năm 2022, Samsung cũng tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam, với khoản đầu tư trị giá 850 triệu USD. Ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử, cho biết, công ty sẽ sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn tại nhà máy ở Thái Nguyên vào cuối năm 2023, sau khi công tác sản xuất thử nghiệm hoàn tất. Linh kiện bán dẫn đánh dấu hoạt động kinh doanh thứ ba của Samsung tại Việt Nam, nơi công ty đang sản xuất thiết bị gia dụng và một nửa số điện thoại thông minh.

Ngày 16/9 vừa qua, Hana Micron Vina - công ty Hàn Quốc chuyên sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp đã khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). Nhà máy sẽ là cơ sở sản xuất số một trong hoạt động kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn. Giai đoạn 1 của nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 11/2020.

Ông Choi Chang Ho, Chủ tịch Hana Micron Vina, cho biết đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỷ USD, doanh thu năm dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo ra 4.000 việc làm cho người lao động Việt Nam.

Mới đây nhất, sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Marvell Techonology Group - tập đoàn công nghệ của Mỹ cũng tuyên bố sẽ thành lập trung tâm thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới tại TP.HCM  .

Tại Việt Nam, Marvell đã hoạt động từ năm 2013. Sau 10 năm xuất hiện ở thị trường Việt, công ty hiện có khoảng 300 nhân viên, trong đó 97% nhân sự là kỹ sư chất lượng cao, trình độ cao trong thiết kế vi mạch và điện tử.

Cùng với Marvell, Synopsys - công ty dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn của Hoa Kỳ cũng công bố hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam.

Cụ thể, Synopsys sẽ hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), với các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa phần mềm và đồng bộ thiết kế SoC phần cứng.

Bên cạnh các công ty lớn của Mỹ, Hàn Quốc, một số công ty từ các quốc gia khác cũng bắt đầu xem Việt Nam là điểm đến để đầu tư vào bán dẫn.

Infineon Technologies AG - nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất của Đức thông báo từ tháng 5/2023 rằng cuối năm nay sẽ thành lập trung tâm R&D tại Hà Nội, chuyên về kiểm thử, tùy chỉnh mạch kỹ thuật số với quy mô khoảng 25 chuyên gia kỹ thuật.

Tháng 8/2023, Victory Giant Technology - tập đoàn chuyên sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn của Trung Quốc đã quyết định lựa chọn khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh để triển khai xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư 400 triệu USD.

Cơ hội của Việt Nam

Hiện cả nước có 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Trong đó có 38 doanh nghiệp FDI và hai doanh nghiệp lớn trong nước. Dự kiến, con số này còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Điều này mang đến cho Việt Nam cơ hội rất lớn để phát triển ngành bán dẫn trong nước và bước chân vào thị trường bán dẫn nghìn tỷ USD toàn cầu.

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Thanh Yên, Giám đốc Công ty CoAsia Semi Việt Nam, Quản trị viên Cộng đồng vi mạch Việt Nam, cho biết, lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới biết đến, tìm hiểu và đầu tư. Nguyên nhân đến từ một số lợi thế nổi bật của nước ta.

"Việt Nam có vị trí địa lý rất đặc biệt. Nếu lấy Việt Nam là tâm, trong bán kính tương đương 4 giờ di chuyển bằng máy bay thì gần như sẽ bao quát một khu vực rất rộng lớn của Châu Á, cũng là khu vực chiếm tỷ trọng lớn của thị trường bán dẫn toàn cầu", ông Yên nhận định.

Thấy gì từ việc hàng loạt ông lớn công nghệ đầu tư vào bán dẫn Việt Nam? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Yên, Giám đốc Công ty CoAsia Semi Việt Nam.


Bên cạnh yếu tố vị trí địa lý, ông Yên cho rằng, nguồn nhân lực của Việt Nam cũng có nhiều triển vọng với hơn nửa triệu học sinh đăng ký xét tuyển Đại Học mỗi năm. Chỉ cần 3% số học sinh này đăng ký học ngành vi mạch, sau vài năm, Việt Nam sẽ có thêm hơn 15.000 kỹ sư mới, đảm bảo nguồn nhân lực cho bất kỳ kế hoạch đầu tư phát triển ngành bán dẫn nào ở Việt Nam trong tương lai.

Ngoài ra, việc sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn chưa khai thác ồ ạt cũng là một lợi thế rất lớn của Việt Nam trong việc thu hút, kêu gọi hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn trong thời gian tới.

Việc các doanh nghiệp lớn liên tiếp đầu tư dự án bán dẫn tại Việt Nam thời gian qua, theo ông Nguyễn Thanh Yên, có ý nghĩa rất lớn với nước ta trong việc phát triển ngành bán dẫn, đặc biệt là kế hoạch hợp tác của công ty Synopsys với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhằm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch tại Việt Nam.

"Đây là kế hoạch rất thiết thực ở thời điểm hiện tại, giúp thúc đẩy sự gia tăng đáng kể số lượng kỹ sư thiết kế vi mạch. Nói gì thì nói, con người là yếu tố then chốt, chúng ta sẽ không thể có một ngành khoẻ mạnh khi đội ngũ nhân lực chưa đủ đông", ông Yên nói.

Bên cạnh đó, dự án nhà máy của Amkor Technology ở Bắc Ninh sắp đi vào sản xuất cũng có nhiều ý nghĩa, bởi Amkor là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đóng gói và kiểm thử hàng đầu trên thế giới, tập khách hàng của Amkor sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn khi làm việc với nhà máy Amkor ở Việt Nam tới đây.

"Nhìn chung, tất cả yếu tố kể trên đều đang ở dạng tiềm năng và Việt Nam sẽ cần phải có thêm nhiều hành động cụ thể, nhanh và quyết liệt từ Chính phủ, các doanh nghiệp để có thể hiện thực hoá những tiềm năng này", ông Yên nói thêm.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/thay-gi-tu-viec-hang-loat-ong-lon-cong-nghe-dau-tu-vao-ban-dan-viet-nam-a19981.html