Hạn chế tác động tiêu cực của tỉ giá

Ngày 4-10, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 24.085 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD so với hôm trước.

Giá USD ở các NH thương mại được giao dịch quanh 24.240 đồng/USD mua vào, 24.580 đồng/USD bán ra, cũng tăng 30 đồng mỗi USD.

Áp lực tỉ giá đang tăng trở lại nhưng theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán VPBank, cần nhìn nhận tỉ giá tăng trong bối cảnh chung là USD mạnh lên trên toàn cầu khiến tiền tệ của nhiều nền kinh tế đang mất giá so với USD.

Việc này phần nào hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN). Bởi VNĐ đang yếu đi so với USD nhưng so với các đồng ngoại tệ khác lại mạnh lên như tăng 9% so với yen Nhật (JPY), +2,8% so với nhân dân tệ (CNY), +3,8% so với won Hàn Quốc (KRW)...

Hạn chế tác động tiêu cực của tỉ giá - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực ổn định tỉ giá nhằm hạn chế những tác động tiêu cực tới thị trường hàng hóa và xuất nhập khẩu .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo dữ liệu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng 89,24 tỉ USD (tính đến tháng 6-2023) tương đương 15 tuần nhập khẩu, cán cân thương mại thặng dư hơn 20 tỉ USD nên áp lực tỉ giá chưa phải là quá lớn. Với bối cảnh hiện tại, NHNN sẽ có nhiều công cụ để điều tiết tỉ giá ổn định, nhất là việc hút bớt thanh khoản dư thừa trên thị trường liên NH nhằm giúp lãi suất liên NH tăng trở lại, từ đó thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD, làm giảm áp lực lên tỉ giá. Ngày 4-10, NHNN tiếp tục phát hành 10.000 tỉ đồng qua kênh tín phiếu để hút tiền về, nâng tổng lượng tiền được hút về qua kênh này trên 120.000 tỉ đồng.

Nhìn ở góc độ tác động của tỉ giá tăng tới xu hướng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital, phân tích với những nước đang phát triển như Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đều dự phòng biến động tỉ giá vào khoảng 2%-3%/năm là mức phù hợp, chấp nhận được để họ đầu tư so với lợi nhuận đem lại. 

Bởi thực tế không chỉ Việt Nam mà đồng nội tệ của nhiều quốc gia khác cũng giảm giá so với USD. Nhà điều hành cần tính toán kiểm soát tỉ giá tăng ở mức phù hợp để không ảnh hưởng đến DN trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cũng cho rằng tỉ giá tăng ở mức hợp lý khoảng 2%-3% sẽ góp phần kích thích xuất khẩu, phục hồi kinh tế. Bởi trong bối cảnh các đồng nội tệ những thị trường khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... giảm giá, nếu VNĐ không giảm giá sẽ ảnh hưởng cạnh tranh của ngành xuất khẩu. 

"Nếu nhìn ở nguồn lực trong nước, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đủ sức can thiệp tỉ giá, cán cân thương mại thặng dư, mọi nhu cầu về ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được đáp ứng. Những yếu tố này cho thấy điều tiết tỉ giá hiện tại là phù hợp" - ông Nguyễn Đình Tùng nói. 

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/han-che-tac-dong-tieu-cuc-cua-ti-gia-a20281.html