Thế chấp bất động sản, doanh nghiệp kêu bị ngân hàng giảm hạn mức tín dụng vì “đất bây giờ rẻ lắm”

Đây là một trong những khó khăn được doanh nghiệp phản ánh trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng thời gian qua.

Cụ thể, tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày 4/10, ông Bùi Sỹ Dân - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên - GĐ Công ty TNHH Quang Dương Thái Nguyên cho biết, doanh nghiệp hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi vay vốn ngân hàng.

“Chúng tôi đã đi tới nhiều ngân hàng, bày tỏ rằng với tình hình kinh doanh khó khăn hiện nay thì doanh thu của doanh nghiệp không thể cao hoặc bằng trước đây được. Có doanh nghiệp không muốn vay cho doanh nghiệp nữa mà chuyển sang vay cá nhân để giảm thủ tục, vì nhìn vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không công bằng”, ông nói và đề nghị các ngân hàng nới lỏng hơn điều kiện cấp tín dụng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thái Nguyên cho rằng, hợp đồng ngang hàng doanh nghiệp - ngân hàng cần được thương thảo rõ ràng, có lợi ích cân bằng hai bên. “Tôi tin chắc là nhiều doanh nghiệp ở đây đi vay vốn ngân hàng, hầu như là các cán bộ tín dụng in ra một loạt giấy tờ, các vị có khi không đọc hết mà cứ ký vào, không để ý hoặc chưa kịp tìm ra điểm bất lợi. Do đó, tôi đề nghị ngân hàng gửi cho chúng tôi nội dung điều khoản vay để chúng tôi xem trước, từ đó có kiến nghị, phản hồi. Khi chúng tôi ra ngân hàng để ký giải ngân mà đưa ra ý kiến không phù hợp, các vị “dỗi”, “giận”, không ký nữa thì… rất khổ cho doanh nghiệp”.

Ông Bùi Sỹ Dân cũng đề xuất các ngân hàng xem xét lại chuyện nhảy nhóm nợ. “Tất nhiên, để nhảy nhóm nợ là lỗi của doanh nghiệp. Nhưng có những đơn vị chỉ nhảy nhóm có 2 triệu đồng thôi mà cả hệ thống ngân hàng cũng tính. Chỉ lỗi nhỏ nhưng có khi cả năm sau cũng không được xoá. Tôi đề nghị, nếu như số tiền nhảy nhóm nợ ít và người ta khắc phục nhanh ngay sau đó, chẳng hạn 1-2 tháng là khắc phục được thì nên xoá cho doanh nghiệp để họ tiếp tục được vay vốn”, ông nói.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng hiện nay, người vay cũng chịu nhiều khó khăn do hầu hết thế chấp bằng nhà cửa, đất đai,… “Đề nghị ngân hàng không giảm hạn mức vốn vay của doanh nghiệp trong thời điểm này để doanh nghiệp ổn định vay vốn. Không thể nói bây giờ đất rẻ lắm, trước cho vay 10 triệu mà giờ chỉ cho vay 8 triệu thôi”.

Nói về việc tài sản đảm bảo bất động sản, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN tỉnh Thái Nguyên cho biết, đây cũng là một trong những điểm khó khăn của riêng năm 2023. Trước đó, giá tài sản đảm bảo là bất động sản tăng thì các TCTD cấp hạn mức tín dụng theo định giá đó. Hiện nay các TCTD đánh giá lại tài sản nên một số doanh nghiệp có thể bị giảm hạn mức. NHNN đã giao TCTD tự chủ động trong việc này, TCTD có thể cho vay theo hình thức có tài sản đảm bảo, cũng có thể không có tài sản đảm bảo.

Đối với đề xuất của ông Bùi Sỹ Dân về tình huống nhảy nhóm nợ, Giám đốc NHNN tỉnh Thái Nguyên cho hay, việc phân loại nợ có hệ thống tự động toàn quốc, không riêng ngân hàng nào. Ghi nhận kiến nghị về việc thương thảo hợp đồng, ông Bùi Văn Khoa đề nghị các ngân hàng phải minh bạch thông tin cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khi vay cũng chủ động nghiên cứu kỹ các điều kiện và thoả thuận, đặc biệt các khoản vay lớn.

Vướng mắc thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp bị chậm tiếp cận vốn

Cũng tại hội nghị, một đại diện doanh nghiệp khác là ông Vũ Văn Biên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Thương mại và sản xuất CaCO3 Quang Sơn cho biết, do vướng mắc thủ tục hành chính nên doanh nghiệp này gặp khó trong việc triển khai dự án cũng như tiếp cận vốn vay ngân hàng. Doanh nghiệp này đang là chủ đầu tư dự án cụm công nghiệp Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ, quy mô hơn 15ha, đây là vùng đặc biệt khó khăn.

“Khi có dự án thì hàng chục ngân hàng đến gặp gỡ tìm hiểu, chúng tôi trình bày rõ nhưng vẫn có những vướng mắc dẫn đến không tiếp cận được vốn vay, nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Do đó, kiến nghị các ban ngành có hướng dẫn giải quyết thủ tục pháp lý cho dự án, đặc biệt là chúng tôi mong có ưu đãi về đơn giá thuê đất do việc chậm tiến độ dự án không do chủ đầu tư. Do yếu tố quy hoạch, giải phóng mặt bằng chậm làm ảnh hưởng đến dự án. Đơn giá cho thuê đất tăng theo hệ số làm chi phí đầu tư tăng lên nên hiệu quả đầu tư thấp xuống, thời gian kéo dài dự án bị chậm. Hiện nay mặt bằng mới chỉ giải phóng được 80%, vướng mắc về thủ tục đất đai nên chưa có hợp đồng thuê đất, hay nói cách khách là chưa có “sổ đỏ” nên việc tiếp cận vốn ngân hàng không đạt kế hoạch. Chúng tôi đang vay chủ yếu dựa trên tài sản thế chấp khác mà không phải tài sản hình thành từ dự án".

Bà Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên - Tổng GĐ Công ty CP Thương mại Thái Hưng cũng cho rằng việc cải cách các thủ tục hành chính đang chậm hơn nhiều so với tốc độ phát triển của kinh tế. Sự chồng chéo giữa các luật, hay nhiều bộ luật đang được sửa đổi và trong thời gian chờ đợi cũng khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Do đó kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc về khung pháp lý, các ngân hàng, cơ quan chính quyền rà soát để đưa ra chuẩn mực chung về cho vay.

Trước những phản ánh của doanh nghiệp về điều kiện vay vốn, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, cho rằng các chi nhánh ngân hàng ở địa phương cũng chịu áp lực rất lớn trong việc cho vay. Nếu dự án được đánh giá đang gặp khó khăn nhưng chỉ là tạm thời có triển vọng vượt qua, có dòng tiền để trả nợ trong tương lai thì các ngân hàng vẫn có thể xem xét cho vay. Cần hết sức tạo điều kiện đối với những trường hợp như thế này. Các ngân hàng thương mại cần nâng cao năng lực, kinh nghiệm về thẩm định, đánh giá các doanh nghiệp, dự án, nắm sát tình hình doanh nghiệp.

Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nói trước những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền sẽ quan tâm và tìm biện pháp tháo gỡ được, cái gì quá khó khăn do vĩ mô chưa tháo gỡ được thì cũng kịp thời chia sẻ. Ông Tiến cũng kiến nghị các ngân hàng xem xét vấn đề tài sản đảm bảo, tăng cường trao đổi để doanh nghiệp có thể trình bày, thuyết minh kế hoạch vay không cần tài sản đảm bảo.

Về vướng mắc trong thủ tục pháp lý đối với khu công nghiệp, ông Tiến khẳng định chính quyền liên tục đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Khi đã tháo gỡ hoàn toàn những vướng mắc này, đương nhiên quyền sử dụng đất sẽ được ký để doanh nghiệp có thể sử dụng làm tài sản đảm bảo.

Trước nhiều kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng. Ngành ngân hàng sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu. Ngân hàng cũng tích cực rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng…

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/the-chap-bat-dong-san-doanh-nghiep-keu-bi-ngan-hang-giam-han-muc-tin-dung-vi-dat-bay-gio-re-lam-a20582.html