Một doanh nghiệp bán được lượng hàng cao kỷ lục nhờ Cao tốc Bắc – Nam và dự án sân bay vừa được triển khai

Vị thế hàng đầu trong ngành thép Đông Nam Á sẽ giúp công ty hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng mạnh mẽ của Việt Nam ở cả mảng dân dụng và cơ sở hạ tầng.

Tập đoàn Hòa Phát vừa có báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh tháng 9/2023. Tháng 9/2023, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 635.000 tấn thép thô, giảm 7% so với tháng 8. Bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 596.000 tấn, tăng 7% so với tháng trước. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 352.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 15% so với tháng 8/2023. Lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao xuất khẩu ghi nhận 90.000 tấn.

Trong tháng 9, thép cuộn cán nóng đạt 234.000 tấn, xấp xỉ mức bán hàng tháng trước đó. Về thị trường tiêu thụ, Hòa Phát phát triển cả nội địa và xuất khẩu nhằm đa dạng hóa kênh tiêu thụ.

Sản phẩm hạ nguồn HRC của Hòa Phát gồm ống thép và tôn mạ đạt lần lượt hơn 48.000 tấn và 20.000 tấn trong tháng vừa qua, tương ứng tăng 20% và 75% so với tháng 8.

"Nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều. Tuy vậy, thép xây dựng Hòa Phát vẫn nhỉnh hơn tháng 8 vừa qua, một phần nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc – Nam, các dự án sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ", phía Hòa Phát lý giải.

Một doanh nghiệp bán được lượng hàng cao kỷ lục nhờ Cao tốc Bắc – Nam và dự án sân bay vừa được triển khai - Ảnh 1.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 4,8 triệu tấn thép thô, giảm 21% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 4,6 triệu tấn, giảm 19%.

Qua 9 tháng, thép xây dựng, thép chất lượng cao của Hòa Phát ghi nhận 2,57 triệu tấn, giảm 25% so với 9 tháng đầu năm 2022. Trong đó thị trường xuất khẩu đóng góp gần 490.000 tấn. Sản phẩm HRC đạt gần 2 triệu tấn, giảm 3% so với cùng kỳ 2022.

Ngoài ra, Hòa Phát còn cung cấp cho thị trường 488.000 tấn ống thép, 240.000 tấn tôn mạ các loại, giảm tương ứng 14% và 3% so với 9 tháng đầu năm 2022.

Hiện tại, công suất thép thô của Tập đoàn Hòa Phát là 8,5 triệu tấn/năm, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép cuộn cán nóng (HRC), dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép, top 5 nhà sản xuất tôn mạ.

Một doanh nghiệp bán được lượng hàng cao kỷ lục nhờ Cao tốc Bắc – Nam và dự án sân bay vừa được triển khai - Ảnh 2.

Theo đánh giá của Hiệp Hội thép Việt Nam, nhu cầu thép toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, mặc dù tốc độ tăng sẽ chậm lại. Nhu cầu thép toàn cầu sẽ vượt quá 2 tỷ tấn vào những năm 2040. Trong khi đó, báo cáo của Công ty chứng khoán VnDirect nhận định, khó khăn nhất đã đi qua.

Các công ty thép đều đặt kế hoạch kinh doanh 2023 có lãi ròng trở lại, tích cực hơn rất nhiều so với việc liên tiếp báo lỗ trong nửa cuối năm 2022. Nhiều doanh nghiệp chuẩn bị phương án tăng sản xuất, huy động vốn đảm bảo tài chính cho bước dài hạn sắp tới.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các dự án đầu tư công trong thời điểm này phải kể đến Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Dự án chuyển tiếp cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1; cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2; Cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành; Vành đai 3, Vành đai 4, các cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột...

Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm ngành liên quan đến xây dựng như đá xây dựng, xi măng, nhựa đường, thép, xi măng... có cơ hội bứt phá trong năm nay. Nhóm xây dựng hạ tầng, công trình cũng kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp khi các dự án đầu tư công trọng điểm đi vào triển khai và giá nguyên vật liệu đầu vào như thép đang dần ổn định.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/mot-doanh-nghiep-ban-duoc-luong-hang-cao-ky-luc-nho-cao-toc-bac-nam-va-du-an-san-bay-vua-duoc-trien-khai-a20651.html