Hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: "Chuyện cũ vẫn nóng"

Từ ngày 1/10, các ngân hàng sẽ chỉ còn được dùng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thay vì 34% như trước đó.

Hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn: Chuyện cũ vẫn nóng - Ảnh 1.

Các chuyên gia đánh giá việc hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là lộ trình cần thiết. Ảnh minh họa.

Về việc này, trong khi HOREA kiến nghị giãn lộ trình thì ngược lại, một số chuyên gia cho rằng động thái này là cần thiết.

Cụ thể, theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 14/8/2020 sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng chính thức giảm từ 34% xuống 30% kể từ ngày hôm nay 1/10. Trước đó, tỷ lệ này đã giảm từ mức 37% xuống còn 34% từ ngày 1/10/2022. Quy định về vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cũng đã từng được gia hạn một lần vào giai đoạn dịch COVID-19 để hỗ trợ nguồn vốn cho thị trường.

HOREA kiến nghị gia hạn thêm 12 tháng

Ngày 29/9, ngay trước thềm quy định mới tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giảm về 30%, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã tiếp tục có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng và Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-NHNN đề nghị gia hạn thêm 12 tháng thời điểm áp dụng quy định "các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn" nên áp dụng "kể từ ngày 1/10/2024" thay vì áp dụng "kể từ ngày 1/10/2023".

Lý giải cho đề xuất trên, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, bối cảnh của nền kinh tế nước ta hiện nay đã thay đổi rất khác so với bối cảnh lúc ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN năm 2020 và đang đứng trước các thách thức rất lớn, từ tác động của "các cơn gió ngược" tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội nước ta.

Trong đó, lĩnh vực bất động sản do phát sinh những nhân tố khách quan, bất ngờ, không thể dự đoán được tại thời điểm ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 14/08/2020.

Theo Chủ tịch HoREA, trong lúc bối cảnh hiện nay là nền kinh tế và thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn do tác động của "các cơn gió ngược", nên đã có những doanh nghiệp thuộc nhiều ngành kinh tế thu hẹp sản xuất kinh doanh nên giảm hoặc thậm chí không có nhu cầu vay tín dụng.

Riêng đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản thì vẫn có nhu cầu vay tín dụng nhưng lại khó tiếp cận tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu là do các dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị "vướng pháp lý".

"Nếu các giải pháp này thực thi sẽ góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14% của năm 2023 vì cho đến ngày 15/09/2023 thì NHNN cho biết kết quả tăng trưởng tín dụng mới đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 5,56% so với cuối năm 2022, còn gần 1 triệu tỷ đồng có thể bơm vào nền kinh tế", ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm.

Các ngân hàng đã có sự chuẩn bị

Thực tế cho thấy, theo dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố, kể từ tháng 6/2022 cho tới nay, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống ngân hàng dao động từ 25 - 26%, luôn thấp hơn giới hạn cho phép. Thậm chí ở một vài ngân hàng, như Vietcombank, HDBank..., có thời điểm, tỷ lệ này chỉ ở quanh mức 10%.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank, cho rằng một người làm ngân hàng chuyên nghiệp phải biết làm sao để quản lý tỷ lệ cho vay trung, dài hạn một cách hợp lý, vì phần lớn tiền gửi cho vay là ngắn hạn.

Trong thực tế, ngoài huy động tiền gửi của người dân, doanh nghiệp (thường có kỳ hạn ngắn dưới 1 năm) các ngân hàng hiện nay cũng ngày càng đa dạng hóa kênh dẫn vốn của mình thông qua các kênh như phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, các thỏa thuận tài trợ vốn từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, trong đó nổi bật là IFC, DFC,…

Về kênh tài trợ vốn, có thể dẫn ra ví dụ của của VPBank khi gần đây nhà băng này đã huy động được 300 triệu USD vốn tài trợ lên tới 7 năm.

Thông tin với báo chí về thỏa thuận này, bà Võ Hằng Phương, Giám đốc Khối thị trường tài chính và Ngân hàng giao dịchVPBank cho biết mục tiêu đa dạng hóa nguồn vốn rất quan trọng. Hạn mức 300 triệu USD của DFC cấp cho VPBank với kỳ hạn 7 năm, là khoản vay lớn nhất của một tổ chức và với kỳ hạn dài nhất có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có khoản vốn với kỳ hạn dài hơn.

Nhận định về việc giảm tỷ lệ cho vay dài hạn đối với nguồn vốn ngắn hạn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho rằng đây là lộ trình giúp các ngân hàng thương mại có thể tăng độ an toàn của mình trong quá trình huy động và sử dụng vốn, kinh doanh theo thông lệ quốc tế.

“Việc huy động vốn trung và dài hạn chỉ được cho vay trung, dài hạn. Còn vốn ngắn hạn chỉ cho vay ngắn hạn, nếu thiếu thì chỉ sử dụng một tỷ lệ nhỏ", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Giới chuyên gia đồng tình

Theo các chuyên gia, việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn là một lộ trình hợp lý bởi tín dụng ngân hàng không thể gánh sức nặng đầu tư của toàn nền kinh tế, mà cần thêm các cột trụ từ thị trường vốn.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng khi ngân hàng không còn là kênh dễ dàng nên các doanh nghiệp sẽ chú trọng hơn vào thị trường vốn. Thứ hai là sẽ giảm thiểu được rủi ro của nền kinh tế.

“Từ trước đến nay, nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống ngân hàng, nhưng khi thị trường vốn tăng lên sẽ giảm bớt áp lực biến động của nền kinh tế”, ông Nguyễn Thế Minh nhận định.

Chia sẻ quan điểm trên, ông Cao Việt Hùng, Giám đốc Phân tích Ngành Tài chính - Ngân hàng - Công ty Chứng khoán ACBS đánh giá chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là phát triển thị trường chứng khoán, bao gồm kênh huy động từ cổ phiếu cũng như trái phiếu để đa dạng hóa nguồn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, từ đó giảm áp lực thanh khoản lên các ngân hàng.

“Để thực hiện tốt lộ trình cần có sự nỗ lực của các bên tham gia thị trường, cơ quan chức năng cũng như chính bản thân doanh nghiệp", ông Cao Việt Hùng nhận định.

Thực tế cho thấy, theo Ngân hàng Nhà nước, hiện tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức 126%. Trong khi quy mô trái phiếu doanh nghiệp trên GDP đang ở mức 14%, bằng khoảng 1/2 quy mô của Singapore hay Thái Lan, theo VinaCapital.

Trên thị trường chứng khoán, riêng lĩnh vực bất động sản, chỉ có khoảng 60 trong tổng số 40.000 doanh nghiệp đang niêm yết, cho thấy dư địa để phát triển thị trường vốn, cả chứng khoán và trái phiếu, nhằm tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển kinh tế, bên cạnh tín dụng là rất lớn.

Riêng về thị trường trái phiếu, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam đã trải qua một chu kỳ tăng trưởng cao liên tục trong giai đoạn 2012-2021, đặc biệt tập trung vào thời gian 2018-2021 với tốc độ trung bình hàng năm vào khoảng 45%. Kênh vốn từ TPDN đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế trước khi suy giảm mạnh từ đầu năm 2023 sau những trước một số sự việc vi phạm của một số tổ chức phát hành và thay đổi chính sách nhằm chuẩn hóa lại điều kiện phát hành cộng với bối cảnh vĩ mô và điều kiện tín dụng không thuận lợi.

Theo ông Thuân, quy mô TPDN đang lưu hành hiện ở mức 923 ngàn tỷ vào cuối tháng 8 năm 2023, chiếm khoảng 10% GDP năm 2022. Trước đó, tại thời điểm đỉnh cao vào giữa năm 2022, tổng dư nợ TPDN đã đạt quy mô giá trị lưu hành gần 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 14% GDP năm 2021 và 12% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/ha-ty-le-von-ngan-han-cho-vay-trung-dai-han-chuyen-cu-van-nong-a20716.html