Công ty sở hữu nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên và lớn nhất Việt Nam: Lợi nhuận nghìn tỷ, cổ tức bằng tiền đều như vắt tranh

Năm 2022, tình hình thủy văn thuận lợi, DNH đã báo lãi kỷ lục gần 1.500 tỷ đồng.

Ông Yossi Fisher, Giám đốc điều hành của Solaris Synergy (Nhật Bản) - người tiên phong trong lĩnh vực điện mặt trời nổi từng cho biết: "Thị trường điện mặt trời nổi là một thị trường mới đang phát triển. Có rất nhiều nơi trên thế giới không có đất cho các công trình điện mặt trời, chủ yếu là các đảo như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Philippines và nhiều nơi khác.

Nói chung chi phí sử dụng mặt nước thấp hơn nhiều so với chi phí sử dụng đất. Ngày nay đã có nhu cầu về điện mặt trời nổi tại Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Brasil, Ấn Độ và các nước khác. Nhu cầu này dự kiến sẽ tăng và sẽ lan rộng ra khắp thế giới".

Tại Việt Nam, EVN cùng các doanh nghiệp năng lượng tái tạo cũng đã nghiên cứu và xây dựng các nhà máy điện mặt trời nổi. Trong đó, dự án nhà máy điện mặt trời Đa Mi  được xây dựng trên hồ thủy điện Đa Mi tại xã Đa Mi, xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận là dự án đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Công ty sở hữu nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên và lớn nhất Việt Nam: Lợi nhuận nghìn tỷ, cổ tức bằng tiền đều như vắt tranh - Ảnh 1.

Dự án có công suất 47,5 MWp với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Toàn bộ các hạng mục công trình nhà máy điện mặt trời Đa Mi được xây dựng trên diện tích 56,65 ha, trong đó 50 ha mặt nước dùng để lắp đặt các tấm quang điện mặt trời (diện tích lắp đặt tấm quang điện chiếm chưa đến 10% tổng diện tích mặt hồ Đa Mi.

Số lượng tấm quang điện khoảng 143.940 tấm, loại pin Poly, công suất khoảng 330 Wp/tấm được lắp đặt trên hệ thống phao nổi được sản xuất tại khu vực nhà máy) và 6,65 ha trên đất liền để xây dựng hệ thống nghịch lưu (inverter), trạm biến áp nâng áp 22/110 kV, đường dây 110 kV đấu nối vào lưới điện quốc gia,... và các hạng mục phụ trợ khác.

Dự án được CTCP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (mã chứng khoán: DNH bắt đầu nghiên cứu và thực hiện các thủ tục đầu tư từ năm 2017. Nhà máy được ổ chức khởi công xây dựng từ tháng 3/2019, đến tháng 6/2019 Nhà máy chính thức vận hành phát điện thương mại.

Theo tìm hiểu, CTCP  Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, trước đây là nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, được thành lập vào ngày 21/5/2001 trên cơ sở sáp nhập 2 cụm Nhà máy Thủy điện Đa Nhim - Sông Pha và Hàm Thuận - Đa Mi.

Ngày 21/5/2001, EVN quyết định giao nhiệm vụ cho Nhà máy thủy điện Đa Nhim tiếp quản vận hành hệ thống công trình Hàm Thuận - Đa Mi theo mô hình cụm đầu tiên trong khối thủy điện và đổi tên thành Nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi. Theo đó, công ty là đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc, trực thuộc EVN.

DNH được tiến hành cổ phần hoá theo Quyết định số 384/QĐ-TTG ngày 3/4/2007 của Thủ tướng. Hiện nay, vốn điều lệ của doanh nghiệp này 4.224 tỷ đồng, do tổng công ty Phát Điện 1 (EVNGENCO1) nắm giữ 99%.

Theo báo cáo hàng năm, doanh nghiệp này đa số đều mang về hàng trăm, nghìn tỷ đồng lợi nhuận. Ví dụ như năm 2022, tình hình thủy văn thuận lợi, DNH đã báo lãi kỷ lục gần 1.500 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng cũng ở mức 50%.

Công ty sở hữu nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên và lớn nhất Việt Nam: Lợi nhuận nghìn tỷ, cổ tức bằng tiền đều như vắt tranh - Ảnh 2.

Tuy nhiên, đến nửa đầu năm nay, khi tình hình thủy văn bắt đầu kém sắc, các hồ thủy điện cạn nước, hiện tượng El Nino xảy ra kết quả kinh doanh của DNH cũng có phần suy giảm. Cụ thể, công ty đã đạt 1.165 tỷ đồng doanh thu, 639 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt giảm 26,5% và 37% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của đơn vị này đạt 7.562 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của đơn vị này giảm đến 1.400 tỷ đồng còn 228,5 tỷ đồng. 

Chiếm phần lớn nhất trong cơ cấu tài sản là tài sản cố định đạt 5.110 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn của công ty là 1.061 tỷ đồng, gấp đôi số đầu năm trong đó số tiền phải thu đối với EVN là 1.040 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn đang ghi nhận gần 800 tỷ đồng cho công ty mẹ là EVNGENCO1 vay.

Vốn chủ sở hữu của công ty đạt 5.642 tỷ đồng. Nợ vay tài chính ở mức gần 1.700 tỷ đồng. Với những kết quả đạt được, DNH vẫn trả cổ tức đều đặn bằng tiền hàng năm, từ 7% đến 12%.

Trên thị trường, cổ phiếu DNH đang có giá 45.000 đồng cổ phiếu. Thị giá cổ phiếu này gần như không gặp nhiều biến động mạnh kể từ đầu năm tới nay do công ty mẹ đã nắm 99% vốn điều lệ, thanh khoản cũng ở mức thấp.

Công ty sở hữu nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên và lớn nhất Việt Nam: Lợi nhuận nghìn tỷ, cổ tức bằng tiền đều như vắt tranh - Ảnh 3.

Nhưng nhìn trong thời gian dài từ khi niêm yết đến nay, tính theo giá điều chỉnh, DNH đã tăng gấp đôi, thậm chí tăng gấp 4 so với đáy.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/cong-ty-so-huu-nha-may-dien-mat-troi-noi-dau-tien-va-lon-nhat-viet-nam-loi-nhuan-nghin-ty-co-tuc-bang-tien-deu-nhu-vat-tranh-a20822.html