Đây là nội dung được Ngân hàng Nhà nước nêu trong công văn vừa gửi các nhà băng về hoạt động tín dụng, kiểm toán nội bộ và đại lý bảo hiểm.
Ngân hàng Nhà nước gợi ý các nhà băng cân nhắc hợp tác với nhiều hơn một doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đa dạng sản phẩm, thay vì phân phối độc quyền .
Bên cạnh đó, ngân hàng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm, trong đó lưu ý hoạt động đại lý bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, ngân hàng phải tư vấn đúng quy trình đã được hướng dẫn và các quy trình khác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành.
Trong quá trình tư vấn cho khách hàng, ngân hàng phải phân tích thông tin khách hàng bao gồm nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng, thực hiện khảo sát mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng; Từ đó đưa ra tư vấn sản phẩm phù hợp dành cho khách hàng.
"Bảo đảm tất cả các khách hàng phải được giải thích rõ về quyền lợi của sản phẩm, nhận thức được các rủi ro đặc thù của sản phẩm đã lựa chọn trước khi ký vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm; có văn bản chứng minh khách hàng đã được tư vấn đầy đủ, hiểu biết về sản phẩm bảo hiểm đã lựa chọn và sản phẩm bảo hiểm này phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng" - Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng xem xét triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm theo phương thức nhân viên của công ty bảo hiểm trực tiếp tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng, thay cho nhân viên của ngân hàng thương mại.
Chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) và trưởng ban kiểm soát của ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung nêu trên.
Ngoài hoạt động về đại lý bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (trong đó lưu ý hoạt động cho vay tiêu dùng, cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản , đầu tư, kinh doanh bất động sản), đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng chỉ đạo cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chậm thanh toán gốc, lãi. Ngân hàng cần chủ động, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh nợ nhóm 2, nợ xấu mới, đảm bảo chất lượng tín dụng.