Vì sao doanh nghiệp vay ngân hàng giảm kỷ lục?

Khó tiếp cận tín dụng là trở ngại lớn nhất với cộng đồng doanh nghiệp; chỉ 2% doanh nghiệp được giải ngân gói hỗ trợ lãi suất. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp vay vốn doanh nghiệp giảm kỷ lục về mức 17,8%, thấp nhất trong 5 năm qua.

Đây là thông tin được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tại Hội nghị toàn quốc hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam năm 2023, diễn ra sáng 11/10.

Kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của VCCI cho thấy, có gần 56% doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận tín dụng, số cao nhất trong 3 năm gần đây. Tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng liên tục giảm. Năm 2022 chỉ còn 17,8% doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng, thấp nhất trong 5 năm gần đây và thấp hơn cả giai đoạn dịch bệnh,

Nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn từ 3 tỷ đồng trở xuống, chỉ có 11,3% tiếp cận vốn vay ngân hàng. Nhóm doanh nghiệp quy mô 3-10 tỷ đồng, tỷ lệ vốn vay ngân hàng 20,5%.

Năm 2022, gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng triển khai qua hệ thống ngân hàng thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19 được nhiều doanh nghiệp ngóng chờ để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất, vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, chỉ có 2% doanh nghiệp cho biết đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phản ánh khó khăn liên quan tới việc thực hiện các thủ tục hành chính. Theo khảo sát năm 2022 của VCCI, có tới 71,7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến”, tăng mạnh so với năm 2021. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp năm 2022 gồm: thuế,phí; đất đai,giải phóng mặt bằng; bảo hiểm xã hội phòng cháy và xây dựng.

Vì sao doanh nghiệp vay ngân hàng giảm kỷ lục? - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang cho biết, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ là chính sách quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở An Giang khó nhận được hỗ trợ do thủ tục phức tạp, điều kiện để tiếp cận chỉ phù hợp với doanh nghiệp trung bình và lớn.

“Chính sách tốt nhưng điều kiện quá chặt, doanh nghiệp nhỏ khó thụ hưởng. Mức độ tiếp cận các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Chính sách Hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế. Cùng với đó, vẫn còn tồn tại mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư”, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp An Giang cho biết.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp An Giang, qua 2 năm đại dịch, doanh nghiệp hầu như không còn tài sản để thế chấp. Trong khi đó, một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay. Doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận vốn, phải vay tín dụng đen, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chi phí nguyên liệu, vận chuyển tăng liên tục vì nhiên liệu xăng dầu luôn biến động khiến đầu vào tăng cao.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp; cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng thống nhất thực hiện đồng bộ các chính sách từ trên xuống dưới, tránh tình trạng "trên nóng dưới lạnh", Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn kiến nghị.

Lãnh đạo VCCI cho biết, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có gần 900 nghìn doanh nghiệp. Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã đóng góp khoảng 60% GDP; tạo việc làm cho gần 14,8 triệu lao động. Năm 2022, tổng vốn của doanh nghiệp gần 50,91 triệu tỷ đồng, tổng doanh thu thuần gần 27,4 triệu tỷ đồng.

Đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp khoảng 2-3 triệu người. Nếu tính tất cả người làm kinh doanh hộ kinh doanh cá thể, đội ngũ doanh nhân Việt Nam có thể lên tới 10 triệu người.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/vi-sao-doanh-nghiep-vay-ngan-hang-giam-ky-luc-a21164.html