Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, sản xuất, thương mại toàn cầu khó khăn. Lạm phát hạ nhiệt nhưng vẫn còn cao, giá hàng hóa thế giới biến động khó lường do tác động từ diễn biến địa chính trị phức tạp, thời tiết khắc nghiệt. Đồng USD trên thị trường quốc tế biến động với biên độ lớn. Các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, trong khi một số ngân hàng trung ương châu Á giảm lãi suất hoặc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc do kinh tế suy yếu và mong muốn phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế.
Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, xuất khẩu bị thu hẹp, các ngành sản xuất nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cầu thế giới, kể cả cầu đầu tư và cầu tiêu dùng giảm; thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu... cũng gặp nhiều khó khăn.
Tất cả những diễn biến này đã ảnh hưởng không thuận lợi đến sự phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, khiến cho các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức sau đại dịch COVID-19, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành đã quyết liệt ban hành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách đồng bộ để gỡ khó và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng cũng đã quyết tâm, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế, như:
Thứ nhất, từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành CSTT theo xu hướng nới lỏng từng bước phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô bằng việc 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm định hướng và tạo điều kiện cho các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần tăng cường đầu tư xã hội, hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm.
Đến nay, lãi suất cho vay VND đã giảm bình quân khoảng 1,5 - 2,0%/năm so với cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN. Từ đầu năm chỉ kỳ vọng giảm 1,5% nhưng đến nay mới tháng 10 đã giảm mức 1,5-2% từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm.
Đồng thời, điều hành linh hoạt, chủ động thị trường tiền tệ, tỷ giá để tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.Ngoại tệ tỉ giá có dao động lên xuống nhưng vẫn trong khuôn khổ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% vì đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Thứ hai, NHNN đã phân bổ và mở rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm cho các TCTD để các TCTD chủ động cân đối, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân ngay từ đầu năm; chỉ đạo các TCTD tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên và là động lực tăng trưởng.
Đồng thời, ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn, chưa có khả năng trả nợ không bị chuyển nhóm nợ và tiếp tục được các TCTD xem xét cho vay mới nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Thứ ba, chỉ đạo các TCTD triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù như: chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực BĐS; Chính sách hỗ trợ 2% lãi suất... 20.000 tỷ đồng cho tín dụng tiêu dùng.
Thứ tư, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng các hình thức cấp tín dụng trên cơ sở ứng dụng công nghệ số. Sửa đổi các quy định có liên quan về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng giảm bớt các thủ tục không cần thiết và tạo thuận lợi hơn cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Thứ năm, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền 63 tỉnh, thành phố nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên từng địa bàn liên quan đến tín dụng ngân hàng và chỉ đạo các TCTD khẩn trương có các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ ngay. Trong đó, NHNN đặc biệt quan chỉ đạo xử lý kịp thời các kiến nghị của Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp...
Với sự triển khai quyết liệt và nỗ lực của NHNN và ngành ngân hàng, đến ngày 29/9/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng gần 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,05%), riêng trong tháng 9 những ngày đầu tháng 10 tốc độ tăng trưởng tích cực đạt hơn 1%. Tổng dư nợ cả nền kinh tế là khoảng 13 triệu tỷ đồng, từ đầu năm cung ứn thêm cho DN hỗ trợ thị trường trái phiếu đang khó khăn gần 600 nghìn tỷ.
Nói về định hướng điều hành trong thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm ổn định.
Trong đó công cụ tỉ giá, bảo đảm ổn định, lãi suất được điều hành theo hướng ổn định, giảm dần, phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình tăng trưởng kinh tế, không để tình trạng đầu cơ găm giữ nâng tỉ giá, sự dụng các nguồn lực, bảo đảm tiếp tục điều hành tỉ giá.
Thứ hai là tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng giảm dần, NHNN chỉ đạo các NHTM tiết kiệm chi phí, bằng mọi nguồn lực chia sẻ khó khăn giảm lãi suất cho DN.
Thứ ba là tháo gỡ các điều kiện thủ tục tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên theo Phó Thống đốc, cái này có hai mặt, vì một mặt nếu như không bảo đảm tối thiểu trong điều kiện tín dụng có thể dẫn đến không an toàn lành mạnh các tổ chức tín dụng và an toàn tài chính quốc gia. Vì thế, quan điểm NHNN là bảo đảm hài hòa an toàn vốn, ngược lại tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng tín dụng.
“Các giải pháp này chúng tôi đã cố gắng tạo điều kiện tích cực nhất. Ngay hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, các doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế. Thậm chí, cần có cơ chế tín dụng riêng chẳng hạn.
Ngoài ra, các Tập đoàn lớn trong các lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản cũng sẽ có chủ trương và giải pháp thời gian tới”, ông Tú nhấn mạnh.