Vì sao nhiều nhà đầu tư muốn gia hạn trái phiếu?

Nhiều nhà đầu tư chủ động muốn gia hạn - một nhu cầu thực tế được nhìn đến khi các nhà phát hành đạt thỏa thuận tăng kỳ hạn hơn 95.000 tỷ đồng trái phiếu tính đến ngày 03/10/2023.

Tưởng như việc gia hạn thanh toán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chỉ là nhu cầu từ nhà phát hành, nhưng không, thực tế nhiều nhà đầu tư chủ động mong muốn tăng thêm thời hạn. Vì sao có thực tế này?

Nhà đầu tư đã tự sàng lọc và lựa chọn

Giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết, thời gian gần đây chính nhân viên của mình phàn nàn thiếu nguồn hàng TPDN mới để đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng thân thiết. Bản thân chi nhánh của ông cũng sốt ruột, bởi gần kết năm còn áp lực các chỉ tiêu phải hoàn thành.

“TPDN vẫn có những đời sống riêng. Nhiều khách hàng thân thiết của ngân hàng có nhu cầu đầu tư nhưng lượng phát hành mới có phần hạn chế. Theo đó, họ chủ động muốn gia hạn trái phiếu đang nắm giữ”, giám đốc chi nhánh trên cho biết và đưa ra một số lý giải.

Thứ nhất, sau biến động mạnh trong nửa sau năm 2022 đến đầu năm nay, lãi suất liên tục tăng cao khiến chi phí huy động vốn trở thành rào cản. Những doanh nghiệp tốt sẽ không huy động bằng mọi giá. Họ chờ đợi điểm rơi của lãi suất để giảm thiểu chi phí.

Điều này cũng phản ánh trên thực tế, sau khi lãi suất dần hạ nhiệt từ giữa năm nay, tiếp tục rơi sâu gần đây, nhiều doanh nghiệp mới dần trở lại phát hành trái phiếu huy động vốn; lãi suất phát hành cũng đã dễ chịu hơn, mức bình quân đã giảm mạnh còn khoảng 9%/năm trong tháng 9 so với bình quân khoảng 10,5%/năm vào tháng 6/2023.

Thứ hai, thay đổi lớn đã thể hiện ở kênh tín dụng ngân hàng. Suốt từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng rất thấp và dư “room” lớn, trạng thái “thừa tiền” kéo dài và cạnh tranh cho vay, lãi suất cho vay hạ nhiệt. Những nhà phát hành trái phiếu uy tín có thêm lựa chọn ở kênh tín dụng, thay vì trạng thái căng thẳng “room” tín dụng những năm trước mà phải dồn sang phát hành trái phiếu. Nguồn cung mới của trái phiếu chất lượng vì thế cũng có phần hạn chế.

Thứ ba, bản thân nhà đầu tư muốn tăng thêm thời hạn TPDN bởi họ đã có cơ sở thực tiễn nhiều năm qua. Họ đầu tư trái phiếu của những doanh nghiệp tốt, bám sát quá trình hoạt động của nhà phát hành để thẩm định, đánh giá uy tín và chất lượng; nắm trực tiếp hiệu quả đầu tư, họ càng củng cố niềm tin và mong muốn tiếp tục đồng hành, nhất là trong bối cảnh không có nhiều kênh đầu tư cho hiệu quả cao hơn.

“Thực tế nhiều khách hàng đã gắn bó lâu năm với ngân hàng, khi có TPDN phát hành mới từ những doanh nghiệp mà họ đã trải nghiệm, đã kiểm định hiệu quả đầu tư và tin tưởng, chúng tôi thậm chí phải chia ra để đáp ứng nhu cầu”, vị giám đốc chi nhánh ngân hàng trên cho biết.

Về phía doanh nghiệp, nhu cầu tăng thời hạn trái phiếu cũng xuất phát từ cân đối lợi ích, chứ không hẳn ở vấn đề dòng tiền thanh toán. Việc gia hạn giúp họ giảm thiểu khoảng trống thời gian cân đối vốn, khi không phải làm lại từ đầu thủ tục hồ sơ xin phép mới, không phải tổ chức lại các bước tư vấn, bảo lãnh, phân phối… Những điều này giúp giảm thiểu thời gian và chi phí.

Tín hiệu tốt cho mục tiêu lâu dài

Với nhiều nguyên do nói trên, xu hướng gia hạn TPDN thể hiện rõ hiện nay. Tất nhiên trong đó có cấu phần của vấn đề dòng tiền thanh toán, nhà phát hành và trái chủ thỏa thuận cùng gia hạn.

Theo cập nhật của VNDirect, tính đến ngày 03/10/2023 đã có hơn 50 tổ chức phát hành TPDN đạt đồng thuận tăng kỳ hạn với các trái chủ; tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn hơn 95.200 tỷ đồng.

Xu hướng trên mở rộng nhanh sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08 về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN. Nghị định 08 đã mở cơ chế cho phép các bên thỏa thuận cơ cấu lại thời hạn trái phiếu, một giải pháp góp phần ổn định thị trường, hướng tới phục hồi và phát triển bền vững.

Kết quả hơn 95.200 tỷ đồng thỏa thuận gia hạn nói trên cũng đã sớm được Bộ Tài chính gợi mở từ tín hiệu tích cực sau khi Nghị định 08 có hiệu lực.

Trong một báo cáo gần đây, Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, căn cứ các quy định tại Nghị định 08 của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc các doanh nghiệp chủ động đàm phán với các trái chủ đã góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, đồng thời có thêm thời gian tái cơ cấu, phục hồi sản xuất - kinh doanh, qua đó có dòng tiền để trả nợ khi trái phiếu đến hạn sau quá trình tái cơ cấu.

Cũng lưu ý rằng, kết quả gia hạn phải dựa trên lợi ích, sự tự nguyện và đồng thuận giữa các bên, đặc biệt từ phía nhà đầu tư. Bởi theo quy định tại Nghị định 08, nguyên tắc đồng thuận được nêu rõ chỉ khi được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.

Như đánh giá của Bộ Tài chính, tín hiệu tích cực và xu hướng trên, kết quả đồng thuận đạt được giữa nhà phát hành với các trái chủ tạo “bộ đệm” để thị trường TPDN ổn định, từng bước phục hồi và phát huy vai trò của một kênh đầu tư, kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Đó là giá trị và mục tiêu cho dài hạn.

Thực tế, sau khi Nghị định 08 ra đời và giá trị giải pháp đồng thuận điều chỉnh thời hạn trái phiếu được mở rộng, hoạt động phát hành mới 9 tháng đầu năm nay đã cho những tín hiệu tích cực, phản ánh niềm tin đang dần phục hồi để thị trường phát triển bền vững.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), 9 tháng đầu năm nay đã có hơn 160.000 tỷ đồng huy động thành công qua TPDN phát hành mới. Đáng chú ý, như đề cập ở trên, lãi suất phát hành bình quân gần đây đã giảm mạnh về gần 9%/năm, thuận lợi hơn về chi phí so với giai đoạn vừa qua cho doanh nghiệp, cũng là chi phí trong nền kinh tế.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/vi-sao-nhieu-nha-dau-tu-muon-gia-han-trai-phieu-a21415.html