Ông chủ KIDO và cuộc chơi TTTM: Vạn Hạnh Mall “thu 10 đồng lãi 3 đồng”, Hùng Vương Plaza mới ra mắt đã được lấp đầy, doanh thu năm đầu ước tính 250 tỷ đồng

Thừa thắng xông lên, sau Hùng Vương Plaza, ông Nguyên tiết lộ sắp tới có thể phát triển một mô hình TTTM tương tự tại vị trí Pandora Trường Chinh hiện nay (đang cho đối tác thuê).

Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza tại số 126 Hồng Bàng, quận 5, Tp.HCM đã chính thức khai trương với diện mạo hoàn toàn mới. Đây là trung tâm thương mại (TTTM) thứ hai do ông Trần Lệ Nguyên đầu tư sau thành công tại Vạn Hạnh Mall.

Hùng Vương Plaza mới ra mắt đã được lấp đầy, doanh thu năm đầu ước 250 tỷ đồng

Tính đến ngày 12/10/2023, đại diện cho biết 80% các gian hàng đã mở cửa kinh doanh và 98% mặt bằng đã ký kết hợp đồng với Hùng Vương Plaza. Dự kiến, 200 thương hiệu lớn sẽ lấp đầy TTTM này vào cuối 2023. Trong đó, một số thương hiệu từ thời Parkson vẫn tiếp tục hoạt động tại Hùng Vương Plaza gồm có CGV, California Gym&Fitness, ILA, Wall Street, Haidilao….

“ Năm 2006, tôi cho thuê mặt bằng để Parkson kinh doanh TTTM. Thời đó, bản thân tôi chưa làm nhà phát triển bán lẻ. Đến nay, Parkson phá sản , thay vì cho thuê lại thì tôi quyết định tự đầu tư. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm vận hành Vạn Hạnh Mall sau hơn 5 năm đi vào hoạt động .

Đặc biệt, nền tảng lớn khách hàng lớn mà chúng tôi có được chính là nhiều đối tác kinh doanh hiệu quả tại Vạn Hạnh Mall tiếp tục tin tưởng thuê mặt bằng mới ở Hùng Vương Plaza. Tỷ lệ đối tác thân quen này chiếm đến 70% các nhãn hàng hiện nay của Hùng Vương Plaza”, ông Nguyên chia sẻ.

Thực tế, không ngoa khi chỉ mới vài năm khai thác Vạn Hạnh Mall, ông Nguyên tự tin rằng có kinh nghiệm và quyết định xây một TTTM mới trên vị trí mà thương hiệu ngoại đã thất bại, đặc biệt trong bối cảnh sức mua giảm sút hiện nay. Bởi, cùng diện tích với các thương hiệu như Vincom… là 50.000m2, Vạn Hạnh Mall tỏ ra rất hiệu quả với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, đã có lợi nhuận.

Năm 2023, Vạn Hạnh Mall dự kiến doanh thu 450 tỷ, LNTT 150 tỷ đồng; tương ứng biên lợi nhuận lên đến 33,3% trên doanh thu. Còn Hùng Vương Plaza ước doanh thu 250 tỷ đồng ngay năm đầu hoạt động.

Thừa thắng xông lên, sau Hùng Vương Plaza, ông Nguyên tiết lộ sắp tới có thể phát triển một mô hình TTTM tương tự tại vị trí Pandora Trường Chinh hiện nay (đang cho đối tác thuê). Theo đó, trung tâm sẽ tiến hành xây dựng và phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, đặc biệt là giới trẻ tại các khu vực lân cận.

Ông chủ KIDO và cuộc chơi TTTM: Vạn Hạnh Mall “thu 10 đồng lãi 3 đồng”, Hùng Vương Plaza mới ra mắt đã được lấp đầy, doanh thu năm đầu ước tính 250 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ảnh: Khu mua sắm tại Hùng Vương Plaza.

Công thức thành công của ông chủ KIDO

Nói về “công thức” của mình, ông Nguyên cho biết có 2 điểm chính:

Thứ nhất , Vạn Hạnh Mall không hoạt động theo mô hình truyền thống trước kia (TTTM sẽ cho các nhãn vào và cùng chia lợi nhuận).

Thứ hai , đây là yếu tố quyết định chính sự thành công, đó là phân bổ và bố trí các hạng mục. Nhìn từ Takashimaya, toạ lạc ở trung tâm quận 1, Tp.HCM với loạt thương hiệu xa xỉ; song quan sát giai đoạn gần đây khi kinh tế khó khăn thì sức mua đang chậm lại, ngoại trừ phân khúc F&B vẫn sôi động.

Do đó, Vạn Hạnh Mall cũng rất chú trọng vào mảng F&B nhưng sẽ thiên về các thương hiệu phổ biến, nhằm đảm bảo được lượng “traffic”mỗi ngày. Với Hùng Vương Plaza, mảng F&B cũng đang chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục với hơn 30%, số còn lại được khoá ở mức 20-30%.

Ngoài ăn uống, Vạn Hạnh Mall và Hùng Vương Plaza đặc biệt chú trọng khu vui chơi trẻ em, đặc biệt là trang phục thể thao vì khách hàng là người trẻ hiện nay mua đồ thể thao nhiều. TTTM theo ông Nguyên cũng cần lưu ý việc thông tầng, bãi đậu xe, ánh sáng…

“ Rất nhiều yếu tố tuy nhỏ nhưng rất cần thiết để làm nên thành công chung của một TTTM. Vạn Hạnh Mall hiện có rất nhiều đối tác kinh doanh thành công đồng ý đi theo chúng tôi trong những dự án sắp tới”, ông Nguyên hào hứng chia sẻ.

Ông chủ KIDO và cuộc chơi TTTM: Vạn Hạnh Mall “thu 10 đồng lãi 3 đồng”, Hùng Vương Plaza mới ra mắt đã được lấp đầy, doanh thu năm đầu ước tính 250 tỷ đồng - Ảnh 2.

Ảnh: Không gian mua sắm tại Vạn Hạnh Mall.

Bán lẻ trên phố đã lạc hậu

Nhận định về tiềm năng của TTTM trước nhiều ý kiến trái chiều rằng đã “hết thời”, ông Nguyên phản biện “TTTM thực tế vẫn tồn tại, chỉ cần biết cách bố trí biết cách vận hành hay không mà thôi”.

Ngoại trừ các TTTM lớn của đại gia ngoại, thì phân khúc tầm trung vẫn là số 1 trên thế giới trong cuộc chơi bán lẻ. Bởi, cửa hàng bán lẻ trên phố theo ông Nguyên lạc hậu, do những bất tiện như không chỗ đậu xe, trong khi chi phí vận hành rất lớn.

“Sắp tới tôi có thể dám chia sẻ shop trên phố sẽ càng ngày càng giảm , khi người dân có xu hướng mua sắm ở TTTM nhiều hơn. Tiện nghi, có chỗ để xe, thậm chí trời mưa thì đi TTTM vẫn thoả mái hơn là mua sắm trên phố. Và thực tế các nhãn hàng hiện nay khảo sát đều muốn vào TTTM nhiều hơn”, ông Nguyên nói.

Nếu xét về nhu cầu mua sắm của khách hàng thì giống như kim tự tháp. Các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Dior… khách hàng chỉ đếm trên đầu ngón tay, không phải ai cũng mua hàng hiệu mà người ta sẽ thích mua hàng phổ biến với chất lượng tốt.

Do đó, trong chiến lược sắp tới, công ty vẫn định vị là nhà phát triển TTTM trung cấp Hạng B+. Dĩ nhiên, mỗi TTTM sẽ có chiến lược riêng, tuy nhiên theo ông Nguyên thì cốt lõi là cơ cấu. So với các TTTM lớn như Takashimaya, Vạn Hạnh Mall hay Hùng Vương Plaza có lợi thế là chi phí thuê rẻ hơn 60%, giúp đối tác kinh doanh thành công hơn.

Ngoài dự án Pandora đã có dự tính, ông Nguyên cho biết đang được nhiều bên bất động sản đặt vấn đề cho thuê mặt bằng vì họ không khai thác được. Trong đó, Công ty đang cân nhắc khu vực quận 8.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/ong-chu-kido-va-cuoc-choi-tttm-van-hanh-mall-thu-10-dong-lai-3-dong-hung-vuong-plaza-moi-ra-mat-da-duoc-lap-day-doanh-thu-nam-dau-uoc-tinh-250-ty-dong-a21510.html