Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk; UPCoM: HNM) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Theo đó, tính đến cuối tháng 9/2023, dư nợ của Hanoimilk đạt 251 tỷ đồng, giảm 26%, trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 91 tỷ đồng, giảm 53% so với cuối năm 2022.
Theo đó, chỉ số vay cá nhân của Hanoimilk ghi nhận giảm mạnh nhất, từ 128 tỷ đồng xuống còn 32 tỷ đồng vào cuối quý III/2023, tương đương giảm 75%. Tuy nhiên, đối tượng vay cụ thể không được nêu rõ trong báo cáo tài chính.
Ngoài ra, công ty còn ghi nhận thêm các khoản vay khác tại các ngân hàng thương mại như: Vay 23 tỷ đồng tại BIDV, 31 tỷ đồng tại Vietcombank,...Nhờ cắt giảm các khoản vay mà chi phí tài chính của Hanoimilk trong quý III/2023 giảm 44% còn hơn 1,8 tỷ đồng.
Về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II/2023, doanh thu thuần của Hanoimilk ghi nhận đạt 183 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Dù giá vốn hàng bán tăng mạnh hưng lợi nhuận gộp trong quý vẫn ghi nhận tăng 18%, đạt 35 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của Hanoimilk dù ghi nhận tăng tăng 31% nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức 659 triệu đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng đạt 16,8 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 3,1 tỷ đồng; phát sinh 28% và 29% so với quý III/2022.
Tính đến hết quý III, doanh nghiệp ngành sữa này báo lãi 13,5 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Hanoimilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 492 tỷ đồng, tăng 33%. Sau khi trừ các chi phí, Hanoimilk báo lãi 38,6 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Hanoimilk đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, công ty đã hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu và 69% kế hoạch lợi nhuận năm.
Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Hanoimilk đạt 703 tỷ đồng, tăng 38% so với số đầu năm. Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn của công ty ghi nhận tăng 157% lên 219 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc trích lập thêm khoản trả trước cho người bán ngắn hạn.
Tại một diễn biến khác, theo báo cáo mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC, tuy sữa là sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu nhưng tình hình kinh tế khó khăn vẫn có thể làm suy giảm mức độ tiêu thụ. Cụ thể, GDP bình quân 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước, không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn đến thị trường xuất khẩu.
Mặc dù vậy, quy mô ngành sữa Việt Nam đã đạt mức 5 tỷ USD và còn nhiều động lực tăng trưởng. Hiện mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người chỉ khoảng 27 lít/người/năm, thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore.
Đặc biệt, Chứng khoán DSC cho biết với nhu cầu ngày càng cao về các sản phẩm có lợi cho sức khỏe thì ngành sữa Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa, nhất là các mảng sản phẩm sữa thay thế như sữa chua, sữa ngũ cốc, sữa trái cây và sữa dành cho người lớn tuổi. Theo nhiều dự báo, mức tiêu thụ bình quân sữa đầu người sẽ đạt 40 lít/người/năm vào năm 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng kép khoảng 4%/năm.
Tiềm năng tăng trưởng lớn nhất của ngành sữa trong năm 2023 đến từ yếu tố nguyên liệu đầu vào. Giá nguyên liệu bột sữa đang ở mức rất thấp khi sữa bột nguyên kem là 2.864 USD/tấn, giảm gần 40% so với mức kỷ lục vào tháng 3/2022 và đánh dấu mức thấp nhất trong 3 năm qua. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp sữa tích trữ nguồn nguyên liệu giá rẻ, từ đó cải thiện biên lợi nhuận.
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/vay-ca-nhan-giam-manh-ai-la-chu-no-lon-nhat-cua-hanoimilk-a22731.html