Liên đới đại gia Hứa Thị Phấn và thế khó của Vneco

Vneco rơi vào tình cảnh nợ vay lớn, chi phí lãi vay tăng cao, quá trình thu hồi vốn chậm. Song, công ty không thể triển khai phương án huy động vốn từ cổ đông do vướng vụ án bà Hứa Thị Phấn.

Liên đới đại gia Hứa Thị Phấn và thế khó của Vneco - Ảnh 1.

Dự án điện gió của Vneco, nguồn: Vneco

Cổ phiếu VNE của Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (Vneco, HoSE: VNE) gây sốc khi giảm sàn nhiều phiên liên tiếp, thị giá lao dốc từ vùng 11.600 đồng/cp về 6.470 đồng/cp trong vòng 12 phiên giao dịch.

Phiên ngày 25/10, mã chứng khoán này ghi nhận khớp lệnh đột biến 10,6 triệu cổ phiếu, tương đương 11,8% vốn điều lệ và 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành (doanh nghiệp có 8,9 triệu cổ phiếu quỹ). Dù vậy, VNE vẫn không thể thoát giá sàn.

Sau khi bị HoSE yêu cầu giải trình. Vneco lý giải diễn biến tâm lý chung trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là tại phiên giao dịch giảm ngày 17/10 đã tác động trực tiếp đến cổ phiếu VNE. Doanh nghiệp cho rằng việc giao dịch cổ phiếu là do các nhà đầu tư quyết định nằm ngoài sự kiểm soát và Vneco không có sự tác động nào đến giá giao dịch trên thị trường. Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động đầu tư của Vneco vẫn diễn ra bình thường.

Liên đới đại gia Hứa Thị Phấn và thế khó của Vneco - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu VNE trong 1 tháng qua, nguồn: TradingView

Doanh thu lao dốc

Vneco hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, xây lắp, cung cấp thiết bị trọn gói, chuyển giao công nghệ và đầu tư các dự án về nguồn điện, hệ thống lưới điện cho ngành điện, công nghiệp và hạ tầng. Doanh nghiệp cổ phần hóa 2005 và đưa cổ phiếu lên niêm yết HoSE vào 2007.

Là doanh nghiệp đầu ngành xây lắp điện, Vneco được các công ty chứng khoán đánh giá cao triển vọng trong thời gian tới khi nhu cầu xây dựng mới và sửa chữa đường dây cao thế và trạm biến áp của Việt Nam tăng mạnh. Đặc biệt là sau khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt, nhu cầu đầu tư nâng cấp hạ tầng lưới điện rơi vào k hoảng 11% tổng nhu cầu vốn của ngành điện giai đoạn 2021 – 2030, tương đương 1,48 tỷ USD mỗi năm; 7% giai đoạn 2031 – 20250, tương đương 1,74 tỷ USD mỗi năm.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài (Quảng Trạch – Phố Nối) với tổng đầu tư 23.000 tỷ đồng đang được cơ quan quản lý thúc đẩy dự kiến triển khai các tháng cuối năm 2023 và hoàn thành trong tháng 6/2024. Chứng khoán MBS đánh giá VNE là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi khi dự án này được triển khai, đảm nhận khâu thi công.

Dù vậy, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của Vneco giảm mạnh. Doanh thu giảm 64% xuống 475 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hoạt động xây lắp điện giảm 79%, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 30%. Do vậy, lãi ròng giảm phân nửa xuống 3,2 tỷ đồng.

Công ty lý giải một số công trình còn tiếp tục vướng các thủ tục đề bù giải phóng mặt bằng thi công, tiền thanh toán từ các chủ đầu tư về chậm ảnh hưởng đến việc chậm giải ngân thanh toán vốn cho nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị… Vì vậy, công ty đã không đẩy nhanh được tiến độ thi công các công trình để nghiệm thu kịp thời với các chủ đầu tư, doanh thu giảm mạnh.

Doanh nghiệp có đầu tư các dự án bất động sản như dự án Phú Mỹ Thượng, dự án Vneco.DC tại 64, 66 Hoàng Văn Thái, TP Đà Nẵng; dự án các căn nhà tại Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM. Tuy nhiên, do chính sách thắt chặt tín dụng, các dự án bất động sản của Vneco chỉ dừng ở mức hoàn thiện thủ tục, không mở bán sản phẩm.

Dự án điện gió Thuận Thiên Phong gồm 8 tuabin mới COD 5/8 tuabin, doanh thu năm 2022 đạt 88 tỷ đồng, đảm bảo chi trả lãi và các chi phí phát sinh.

Nợ lớn nhưng chưa thể tăng vốn

Về tình hình tài chính, tổng công ty có khoản nợ vay hơn 1.700 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu 1,7 lần. Do vậy, chi phí lãi vay là chi phí lớn nhất ngốn gần hết lợi nhuận của doanh nghiệp với 70 tỷ đồng, tăng 33% so với nửa đầu năm 2022.

Trong năm 2022, doanh nghiệp có kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông tăng vốn để giảm bớt áp lực nợ. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT cho biết đã trình hồ sơ tăng vốn và phát hành cổ phiếu thưởng lên UBCK, nhưng do vướng vụ án bà Hứa Thị Phấn mà Vneco là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên chưa thực hiện đươc.

Cụ thể, tổng công ty có phát sinh hợp đồng hợp tác đầu tư với bà Ngô Kim Huệ từ 2007 nhưng việc hợp tác không thành công. Đến năm 2010, bà Huệ đã trả lại tổng công ty số tiền 400 tỷ đồng, bao gồm 310 tỷ gốc và 90 tỷ lãi vay. Tuy nhiên, trong 400 tỷ đồng bà Huệ chuyển trả công ty thì có 200 tỷ liên quan đến vụ án bà Hứu Thị Phấn. Bản án yêu cầu công ty trả 200 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Đến ngày 8/2/2022, Cục thi hành án dân sự Thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định hoãn thi hành án đối với Vneco.

Được biết, bà Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) đã qua đời từ đầu năm 2023 sau khi bị toà án các cấp tuyên buộc thi hành bản án 30 năm tù và bồi thường hơn 18.000 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Vneco chia sẻ trong bối cảnh nợ vay nhiều, chi phí lãi vay tăng cao, quá trình thu hồi vốn chậm, tổng công ty tiến hành tái cấu trúc lại hoặc khai thác tài sản để không, đàm phán hợp tác với đốc tác nước ngoài để tìm nguồn vốn rẻ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cân nhắc và nghiên cứu phát hành cổ phiếu riêng lẻ bổ sung vốn hoạt động.

Cổ đông lớn thoái vốn, lãnh đạo bị bán giải chấp

Cơ cấu cổ đông VNE khá phân tán với 3 cổ đông lớn, CTCP Malblue là cổ đông tổ chức lớn duy nhất. 2 cổ đông lớn còn lại là cá nhân La Mỹ Phượng (5,76%) và Trần Quang Cần (8,19%).

Song, trong thời gian qua, cổ đông lớn – CTCP Malblue đã và đang liên tục bán ra hàng triệu cổ phiếu VNE. Malblue là doanh nghiệp có liên quan đến ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT. Bản thân ông Tuấn đang sở hữu 3,8 triệu cổ phiếu VNE, tỷ lệ 4,3%.

Cụ thể, Malblue đã bán 4,6 triệu cổ phiếu VNE từ 13/9 đến 3/10. Doanh nghiệp đăng ký bán tiếp 3,6 triệu cổ phiếu từ 12/10 đến 9/11. Nếu giao dịch thành công, Malblue sẽ giảm sở hữu từ 11,1 triệu đơn vị xuống 2,9 triệu đơn vị, tỷ lệ 12,28% vốn xuống 3,2% vốn. Mục tiêu là để tái cấu trúc khoản đầu tư.

Không chỉ cổ đông tổ chức bán, ông Trần Văn Huy, Phó Tổng giám đốc cũng vừa bán ra 100.000 cổ phiếu từ ngày 19/9 đến 13/10 để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Sau giao dịch, ông Huy còn sở hữu 4.500 cổ phiếu VNE.

Mặt khác, diễn biến cổ phiếu tiêu cực đã khiến một lãnh đạo của doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu. Cụ thể, ông Trần Quang Cần, Phó Chủ tịch HĐQT bị công ty chứng khoán bán giải chấp 391.500 cổ phiếu vào ngày 17/10 - thời điểm VNE bắt đầu giảm sàn. Sau giao dịch, ông Cần còn sở hữu 6,7 triệu cổ phiếu, chiếm 8,19% vốn.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/lien-doi-dai-gia-hua-thi-phan-va-the-kho-cua-vneco-a23142.html