CII hoàn tất nắm quyền kiểm soát 1 trong những dự án hạ tầng lớn nhất phía Nam: Tổng đầu tư 12.668 tỷ, doanh thu ước đến 32.000 tỷ đồng

Dự án này dự giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp.HCM đi đến trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long từ 7 tiếng xuống còn khoảng 3,5 tiếng.

CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) vừa công bố thông tin công ty con do CII nắm 54,78% vốn là CTCP Đầu tư Cầu đường CII (CII B&R) đã được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước để chính thức nắm giữ 89% cổ phần tại CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trước đó, CII B&R đã nắm giữ 50% vốn của Trung Lương - Mỹ Thuận và đạt được thỏa thuận mua lại 39% từ CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc. Như vậy CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ chính thức trở thành công ty con và sẽ được hợp nhất doanh thu, lợi nhuận vào kết quả kinh doanh của CII B&R cũng như CII. 

Được biết, CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có vốn điều lệ gần 1.543 tỷ, là đơn vị thực hiện dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hợp đồng BOT với mức đầu tư khoảng 12.668 tỷ, cao nhất trong danh mục hiện hữu của CII.

Doanh thu cả vòng đời dự án ước đến 32.000 tỷ đồng

Tổng chiều dài tuyến cao tốc là 51,5 km, nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc Tp.HCM -Trung Lương), điểm cuối tại nút giao An Thái Trung.

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược kết nối Tp.HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khi kết hợp với cao tốc TPHCM – Trung Lương, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, tạo thành một tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TPHCM đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Việc đưa dự án vào khai thác đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp.HCM đi đến trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long từ 7 tiếng xuống còn khoảng 3,5 tiếng.

Dự án đã vận hành, khai thác từ quý 3/2022 với doanh thu bình quân 2,5 tỷ đồng/ngày đêm, tương đương trên 910 tỷ đồng/năm. Tổng thời gian thu phí dự kiến theo hợp đồng BOT là 14 năm 8 tháng 12 ngày.

Theo công bố thông tin trước đó, tính từ ngày thu phí tới hết năm 2022, tổng phí thu được của dự án Trung Lương - Mỹ Thuận gần 277 tỷ.

Với mức tăng trưởng lưu lượng hằng năm ước tính 6,3% và lộ trình giá vé như quy định trong hợp đồng BOT, tổng doanh thu tính đến cuối dự án khoảng 32.000 tỷ đồng, CII thông tin.

Là 1 trong 6 dự án trọng điểm 2024-2030

Tại ĐHĐCĐ bất thường 2023 vào giữa tháng 10, cổ đông CII cũng đã thông qua việc đưa cao tốc Tp.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 vào danh sách 6 dự án mà Công ty tập trung thực hiện trong giai đoạn 2024-2030.

Đại hội cũng đã thống nhất 2 nội dung quan trọng khác là (i) Điều chỉnh ngành nghề kinh doanh, khi bổ sung chi tiết lĩnh vực kinh doanh bất động sản (không bao gồm đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng) và (ii) Định hướng về phát triển chiến lược giai đoạn 2024 - 2030.

Trong đó, CII xác định đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục đóng vai trò lĩnh vực ưu tiên, công ty cho biết sẽ dự kiến nghiên cứu đầu tư 6 dự án, tổng quy mô vốn đầu tư lên đến 74.822 tỷ đồng, bao gồm:

+ dự án Cao tốc Tp.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 với vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng;

+ dự án nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc Tp.HCM với vốn đầu tư 19.059 tỷ đồng;

+ dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh Long An với tổng vốn đầu tư 11.982 tỷ đồng;

+ dự án nâng cao năng lực giao thông dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh với tổng vốn đầu tư 10.108 tỷ đồng;

+ dự án nâng cấp mở rộng trục Bắc Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ) đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành với vốn đầu tư 6.625 tỷ đồng;

+ dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương với vốn đầu tư 5.048 tỷ đồng.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/cii-hoan-tat-nam-quyen-kiem-soat-1-trong-nhung-du-an-ha-tang-lon-nhat-phia-nam-tong-dau-tu-12668-ty-doanh-thu-uoc-den-32000-ty-dong-a23146.html