“Nút thắt” lợi nhuận DN dệt may Việt Nam: Hàng năm phải chi hàng tỷ USD cho nhập khẩu vải và ngày càng phụ thuộc nặng

Tuy mang lại doanh thu cao cho nền kinh tế nhưng lợi nhuận từ dệt may lại không quá ấn tượng, đặc biệt khi 70% doanh thu toàn ngành lại đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI.

Theo thông tin được đưa ra tại VTG 2023 mới đây, trong bối cảnh Việt Nam chỉ đáp ứng 25% nhu cầu vải, ngành dệt may đang phụ thuộc nặng nề vào sự mở rộng ngày càng tăng của việc nhập khẩu vải.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 10 tỷ USD vải các loại. Năm 2023, kim ngạch nhập khẩu vải may mặc các loại của Việt Nam trong quý 1 đạt 2,98 tỷ USD. Riêng tháng 3/2023 đạt trên 1,27 tỷ USD, tăng mạnh 64% so với tháng 2/2023 và tăng 0,9% so với tháng 3/2022. Tính chung cả quý 1/2023, nhập khẩu vải may mặc từ Trung Quốc đạt gần 1,81 tỷ USD.

Vải may mặc nhập khẩu về Việt Nam có tới 60,5% xuất xứ từ thị trường Trung Quốc, đáng chú ý riêng tháng 3/2023 nhập khẩu từ thị trường này đạt gần 821,37 triệu USD, tăng mạnh 119% so với tháng 2/2023 và tăng 7,9% so với tháng 3/2022.

Theo chuyên gia, thuộc nhóm 5 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới với chỉ số tăng trưởng bình quân 8% một năm, Việt Nam có hơn 10.000 doanh nghiệp trong ngành dệt may. Hiện, có một nghịch cảnh lớn của ngành, chính là tuy mang lại doanh thu cao cho nền kinh tế nhưng lợi nhuận từ dệt may lại không quá ấn tượng, đặc biệt khi 70% doanh thu toàn ngành lại đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI.

Lý giải nguyên nhân vì sao lợi nhuận ngành dệt may chưa cao như kỳ vọng dù doanh thu luôn ở top đầu, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp dệt may Việt Nam chưa khai thác được hiệu quả các phương thức cũng như làm chủ đầu vào.

Trong đó, phương thức gia công (CMT), với 100% nguồn cung vải do đối tác cung cấp, hiện vẫn là phương thức chủ lực của ngành may mặc, khi có đến 70% doanh nghiệp sử dụng phương thức này. Tuy nhiên, CMT chỉ mang về 1 lần lợi nhuận.

Trong khi đó, phương thức OEM - tự cung cấp vải, có thể mang về lợi nhuận gấp 3, 4 lần nhưng chỉ gần 25% doanh nghiệp sử dụng và chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Còn hai phương thức ODM - cung cấp cả thiết kế và vải, và OBM - sản xuất thương hiệu gốc, có thể mang lại lợi nhuận cao từ 5 đến hơn 15 lần thì lại chưa được bất kỳ doanh nghiệp nào áp dụng.

Theo các chuyên gia, để ngành dệt may Việt Nam có thể khai phá tối đa tiềm năng của mình và nâng cao lợi nhuận, điều kiện tiên quyết là phải chuyển đổi từ phương thức CMT lên OEM, xa hơn nữa là ODM và OBM. Và các doanh nghiệp cần phải tự chủ được nguồn cung vải. Năng lực sản xuất vải nội địa hiện chỉ mới đáp ứng được 36% nhu cầu,

Chưa kể, vải sản xuất tại Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu xuất xứ hàng hóa từ các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Đó thật sự là một mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp đầu tư và phát triển, không chỉ để đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn hướng đến mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng tuần hoàn và bền vững. Với thị phần vải nhập khẩu đang chiếm đến 75%, nghĩa là các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn đến hơn 50% thị phần để tự sản xuất vải và “đánh chiếm” dần dần.

Mặt khác, trước tình trạng thiếu hụt lao động, ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam đang tập trung vào tự động hóa và sản xuất số hóa như những giải pháp quan trọng. Theo đó, VTG đã mời các nhà sản xuất thiết bị dệt may quốc tế nổi tiếng để trình làng công nghệ tự động hóa tiên tiến của họ. Các nhà triển lãm tham gia đáng chú ý bao gồm TAJIMA - hãng hàng đầu trong máy thêu toàn cầu, Kyang Yhe (KY) - nhà sáng tạo máy dệt vải jacquard, SANSIN - tập đoàn sản xuất máy in số hàng đầu, và EPSON (THN) - top đầu trong in ấn trên vải, máy nhuộm nhiệt độ cao Run Hao (RH), và nhiều thương hiệu khác. Sự hợp tác này nhằm thúc đẩy chia sẻ kiến thức, củng cố khả năng dệt và cải thiện hiệu suất sản xuất hàng may mặc tổng thể.

Bà Judy Wang - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Thương Mại & Tiếp Thị Yorkers (đơn vị tổ chức triển lãm)- cho biết: Ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức kể từ đầu năm nay và đây là thời điểm quyết định để các doanh nghiệp tự chủ động đánh giá chất lượng của nhà máy, tiến hành kiểm tra toàn diện các dây chuyền sản xuất cũng như cơ chế quản lý, tận dụng việc triển khai công cụ số hóa để nâng cao hiệu suất tổng thể… Từ đó giảm chi phí, biến khủng hoảng này thành cơ hội cho chính mình.

Được biết, VTG 2023 ghi nhận sự tham gia của 500 doanh nghiệp trong nước. Tại đây, doanh nghiệp có thể trao đổi, học hỏi các nhà sản xuất quốc tế từ các nước như: Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc….

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/nut-that-loi-nhuan-dn-det-may-viet-nam-hang-nam-phai-chi-hang-ty-usd-cho-nhap-khau-vai-va-ngay-cang-phu-thuoc-nang-a23536.html