Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu thuần đạt 37.755 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn hàng bán giảm mạnh giúp lợi nhuận gộp gấp 5,8 lần lên 3.830 tỷ đồng. Kết quả, BSR ghi nhận 3.260 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình của BSR, quý III giá dầu thô trong tháng 7 đã tăng từ mức 80,05 USD/thùng lên 94 USD/thùng vào tháng 9. Thuận lợi từ giá dầu thô tăng và khoảng cách giá tốt đã làm cho tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, BSR ghi nhận doanh thu 105.490 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông ty mẹ là 6.232 tỷ đồng, giảm lần lượt 16,8% và 51,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, BSR đã thực hiện vượt xa kế hoạch năm là gần 1.700 tỷ đồng.
Tổng tài sản của BSR tại 30/9 đạt hơn 88.900 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, lượng tiền gửi và tiền mặt của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản, ở mức gần 36.500 tỷ đồng, tăng hơn 12.000 tỷ đồng sau 9 tháng và tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với quý II.
Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) đạt doanh thu gần 30.290 tỷ đồng trong quý III, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp của công ty giảm 37,2% so với cùng kỳ năm trước do giá vốn tăng.
Kết quả, MWG đã thu về 182 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 87% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 38,7 tỷ đồng, giảm 96% so với năm trước.
Lũy kế 9 tháng, MWG ghi nhận doanh thu thuần gần 86.860 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 77,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 15,5% và 97,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, MWG còn rất xa mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ trong năm nay.
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của MWG đạt 58.644 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất, ở mức hơn 23.250 tỷ đồng. Nợ vay tài chính của MWG ở mức hơn 22.900 tỷ đồng, tăng 7.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong quý III, Công ty CP Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán: SAB) có doanh thu hơn 7.400 tỷ đồng, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu bán bia giảm 11,5%.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của Sabeco đạt 1.044 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Sabeco ghi nhận doanh thu 21.940 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 3.170 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 24% so với thực hiện cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của Sabeco đạt 33.426 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của SAB chiếm hơn một nửa tổng tài sản, ở mức 22.388 tỷ đồng, giảm gần 5% so với đầu năm. Tổng nợ vay tài chính của Sabeco ở mức 647 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ vay ngắn hạn.
Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát có quy mô tổng tài sản đạt hơn 173.500 tỷ đồng tại ngày 30/9. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là tài sản cố định với tỷ lệ 42%, tiếp theo là hàng tồn kho với hơn 33.500 đồng.
Đáng chú ý, tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của Hoà Phát đã giảm hơn 6.400 tỷ so với cuối quý II, còn hơn 29.700 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp thu về hơn 1.560 tỷ đồng lãi tiền gửi, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
9 tháng đầu năm, Hòa Phát vay hơn 90.100tỷ đồng và trả nợ gốc vay 90.360 tỷ đồng. Tổng chi phí lãi vay 3 quý là hơn 2.870 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý III, Hòa Phát đạt doanh thu 28.766 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 1.786 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm nay, Hòa Phát ghi nhận 85.430 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 3.830 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 63% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Hòa Phát mới hoàn thành được 48% chỉ tiêu về lợi nhuận năm nay.