Lộ diện nhiều quỹ lớn liên tục bán ra cả chục triệu cổ phiếu Thế giới Di động dù từng có lúc phải trả chênh tới 45% để gom hàng

Nếu tình trạng hở room hiện nay tiếp tục kéo dài, cổ phiếu MWG có thể sẽ bị loại khỏi rổ chỉ số VNDIAMOND. Một quỹ ngoại đang là cổ đông lớn của MWG là Arisaig đã liên tục bán ra từ đầu năm.

Lộ diện nhiều quỹ lớn liên tục bán ra cả chục triệu cổ phiếu Thế giới Di động dù từng có lúc phải trả chênh tới 45% để gom hàng - Ảnh 1.

Cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di Động tăng 5,41% lên mức 37.000 đồng với khớp lệnh kỷ lục ở mức 21,2 triệu đơn vị trong phiên giao dịch ngày 2/11, cùng chiều với mức tăng 35 điểm của VN-Index.

Trước khi tăng trở lại vào ngày 2/11, cổ phiếu MWG đã chứng kiến hai phiên liên tiếp giảm "kịch biên độ" trong ngày 31/10 và 1/11 với hàng triệu cổ phiếu được chất ở mức giá sàn. Xa hơn, so với thời điểm giữa tháng 9 thì thị giá mã này cũng đã giảm tới 35%.

Lộ diện nhiều quỹ lớn liên tục bán ra cả chục triệu cổ phiếu Thế giới Di động dù từng có lúc phải trả chênh tới 45% để gom hàng - Ảnh 2.

Một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu MWG sụt giảm trong thời gian gần đây là việc khối ngoại liên tục bán ra cổ phiếu này. Kể từ đầu tháng 10, khối ngoại bán ròng khoảng 32 triệu cổ phiếu của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam qua kênh khớp lệnh, tương ứng giá trị hơn 1.400 tỷ đồng . Tính riêng trong 3 phiên gần đây, lượng bán ròng là 15,4 triệu cổ phiếu.

Sau phiên 2/11, nhà đầu tư ngoại còn nắm giữ hơn khoảng 685 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng 46,7% vốn của Đầu tư Thế giới Di động. Hiện tượng hở “room” với MWG là điều hiếm khi xảy ra.

Nếu tình trạng khối ngoại bán ròng tiếp tục kéo dài, cổ phiếu MWG có thể sẽ bị loại khỏi rổ chỉ số VNDIAMOND.

Một thời gian dài cổ phiếu MWG là khẩu vị ưa thích của quỹ ngoại. Những quỹ đầu tư tham gia sớm đã hưởng thành quả với cổ phiếu bán lẻ như Mekong Capital, Pyn Elite Fund, Dragon Capital. Khi cổ phiếu bị giới hạn room 49%, những quỹ muốn sở hữu MWG phải chấp nhận thỏa thuận với giá cộng thêm phần premium (tức mức chênh với giá trên sàn).

Năm 2020, thống kê của Dragon Capital cho thấy premium của MWG là 45%, cao nhất trong số các cổ phiếu bị hạn chế về room. Hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch 2020 - 2021 cũng là thời điểm bùng nổ lợi nhuận của MWG khi nhu cầu về các thiết bị điện tử phục vụ cho việc học tập, làm việc tại nhà.

Những quỹ ngoại đang nắm giữ cổ phiếu MWG

Cơ cấu cổ đông MWG hiện có khá nhiều nhà đầu tư là các quỹ đầu tư chuyên nghiệp đang nắm giữ dưới 5% cổ phần. Theo thống kê, có ít nhất khoảng 28 quỹ đang sở hữu khoảng 276 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng khoảng 24,7% vốn.

Hiện nay Dragon Capital đang là quỹ ngoại nắm giữ lượng cổ MWG lớn nhất với 116,2 triệu đơn vị, tương đương 7,94%. Trước đó, theo ghi nhận vào ngày 15/4/2022, nhóm quỹ này đã từng nắm giữ đến 153 triệu cổ phiếu, tương ứng 10,48%. Đây cũng là số cổ phần lớn nhất mà Dragon Capital đã từng nắm giữ.

Sau nhiều lần mua đi bán lại thì nhóm quỹ này đã hạ tỷ lệ sở hữu về như hiện tại. Tuy nhiên, trong đà giám gần đây của cổ phiếu MWG, Dragon Capital lại không có động thái mua bán. Lần cuối cùng quỹ ngoại này thực hiện giao dịch cổ phiếu MWG là vào ngày 3/4 khi bán 979.600 cổ phiếu, hạ tỷ lệ từ 8,01% về còn 7,94%.

Hiện MWG đang thứ 5 trong danh mục của VEIL - một đơn vị thành viên của Dragon Capital.

Trái ngược với việc bán cổ phiếu MWG, Dragon Capital thời gian gần đây lại gom thêm một cổ phiếu khác trong ngành bán lẻ là FRT. Cụ thể, quỹ này thông báo đã mua 232.600 cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) trong ngày 30/10.

Một quỹ ngoại khác cũng đang là cổ đông lớn của MWG là Arisaig Asia Fund Limited đã liên tục bán ra từ đầu năm. Từ lượng nắm giữ 103,8 triệu cổ phiếu vào ngày 3/2 đến ngày 28/8, quỹ này chỉ còn 63,2 triệu cổ phiếu - tương ứng bán ròng 40,5 triệu cổ phiếu.

Nhiều khả năng quỹ này vẫn tiếp tục bán ra trong thời gian qua.

Trong lần công bố thông tin gần nhất vào ngày 28/8 thì Arisaig cùng 2 tổ chức liên quan vẫn là nhóm cổ đông cổ đông lớn nắm 5,9% vốn của Thế giới Di động.

Không chỉ các quỹ ngoại mà các quỹ nội cũng bán ra mạnh, đặc biệt là các quỹ ETF khi bị rút vốn. Tại thời điểm cuối quý 2, DCVFM VNDIAMOND ETF nắm giữ 67,4 triệu cổ phiếu MWG thì đến cuối quý 3 chỉ còn gần 54 triệu; quỹ DCVFMVN30 bán ròng 1 triệu, quỹ DCVFM VSF bán ròng 4 triệu...

Lộ diện nhiều quỹ lớn liên tục bán ra cả chục triệu cổ phiếu Thế giới Di động dù từng có lúc phải trả chênh tới 45% để gom hàng - Ảnh 3.

Quý 3/2023, doanh thu quý của Thế Giới Di Động đạt 30.287 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 39 tỷ đồng, "bốc hơi" 96% so với quý 3 năm ngoái nhưng vẫn tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Thế Giới Di Động giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức gần 87.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng "bốc hơi" đến gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 78 tỷ đồng và mới thực hiện vỏn vẹn chưa đến 2% mục tiêu cả năm 2023 đề ra.

Lộ diện nhiều quỹ lớn liên tục bán ra cả chục triệu cổ phiếu Thế giới Di động dù từng có lúc phải trả chênh tới 45% để gom hàng - Ảnh 4.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/lo-dien-nhieu-quy-lon-lien-tuc-ban-ra-ca-chuc-trieu-co-phieu-the-gioi-di-dong-du-tung-co-luc-phai-tra-chenh-toi-45-de-gom-hang-a24329.html