Kể từ khi ra mắt năm 2007 với tư cách một “dịch vụ microblog”, Twitter vốn đã thách thức các đối thủ lớn hơn trong lĩnh vực mạng xã hội như Facebook và Myspace. Ở thời điểm hiện tại, với khoảng 229 triệu người dùng trên toàn cầu, Twitter có sức ảnh hưởng rõ rệt đối với truyền thông, chính trị và văn hóa nhờ bản chất mở, đơn giản, hình thức chủ yếu là văn bản và nhanh chóng hiện rõ dòng chảy dư luận.
Twitter thu hút nhiều đối tượng người dùng, từ các học giả, chính trị gia và nhà hoạt động cho đến những cá nhân tham gia vì có hứng thú với những nhóm văn hóa nhất định. Trên mạng xã hội này, những người mang chung bản sắc hay sở thích có thể tụ họp, thảo luận và nhanh chóng tạo ra một góc riêng trong một diễn đàn chung, đồng thời xây dựng khả năng ảnh hưởng lớn hơn đến truyền thông đại chúng.
Kỹ sư phần mềm Cher Scarlett cho rằng tuy Twitter vẫn còn nhiều nhược điểm, nền tảng này vẫn là một mạng xã hội tốt hơn nhiều dịch vụ tương tự và khó có thể bị thay thế. Theo Scarlett, “không có gì thực sự giống như [Twitter]”.
Tuy nhiên, bản chất mở và giới hạn 280 ký tự của Twitter cũng là yếu tố kích thích nhiều cảm xúc cực đoan của người dùng mạng xã hội này - đặc biệt là sự giận dữ.
Steve Phillips, cựu quản lý đội bóng chày New York Mets, cho biết: “Người hâm mộ trên mạng thường dễ trở nên sôi sục, đặc biệt nếu bạn chia sẻ bất cứ điều gì tiêu cực về đội bóng họ yêu thích. Bản chất ẩn danh của Twitter có thể khiến mọi người càng trở nên như vậy và đăng tải bình luận phê phán hay chỉ trích nặng nề.”
Người hâm mộ thể thao chỉ là vấn đề nhỏ mà Twitter phải đối mặt. Mạng xã hội này hiện đang là nơi nhiều người tin vào thuyết âm mưu, các đối tượng theo chủ nghĩa phát xít và hàng loại tài khoản được các chính phủ hậu thuẫn sử dụng để gây ảnh hưởng đến chính trường và bầu cử ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm 2018, cựu CEO Twitter Jack Dorsey đã thừa nhận rằng hành vi lạm dụng, quấy rối, sử dụng rộng rãi tài khoản giả và lan truyền thông tin sai lệch đều tồn tại trên Twitter. Nhiều hội nhóm cũng trở nên kín hơn và chặn những người không đồng tình với mình, tạo ra một môi trường càng ngày càng trở nên phân cực.
Bản thân Twitter cũng đã có một số nỗ lực nhất định để cải thiện môi trường của mình. Chúng bao gồm chính sách mới về quản lý nội dung độc hại, dán nhãn thông tin sai lệch và tài khoản bot, đồng thời mạnh tay hơn trong việc xóa tài khoản nhiều lần vi phạm quy định.
Khi ông Elon Musk - một người tự coi mình là đại diện của “chủ nghĩa tự do ngôn luận tuyệt đối” - đề nghị mua lại Twitter, nhiều cá nhân và tổ chức đã lo ngại rằng quy định kiểm soát nội dung trên Twitter sẽ bị nới lỏng. Theo họ, một Twitter “thoáng” hơn sẽ là một Twitter thuộc về những người sẵn sàng quấy rối và đe dọa người khác, dù bằng lời nói hay hành động.
Bên cạnh đó, người dùng Twitter không chỉ sống tại nước Mỹ. Tại nhiều quốc gia khác với số người dùng Twitter lên tới hàng chục triệu, chẳng hạn như Ấn Độ, khả năng kiểm soát nội dung và hạn chế thông tin sai lệch của Twitter kém hơn hẳn. Nhà báo Shoaib Daniyal (trang tin tức Scroll, Ấn Độ) cho rằng sự can thiệp của ông Elon Musk sẽ không thay đổi Twitter tại quốc gia này vì nó vốn “đầy rẫy phát ngôn thù hận”.
Tùng Phong (Theo AP)
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/nhin-lai-ban-chat-twitter-giua-thuong-vu-mua-lai-cua-elon-musk-a2438.html