Tháng 10/2023, thương Givral trở thành tâm điểm truyền thông khi được cho là có liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại chung cư Palm Heights – Tp. Thủ Đức, Tp.HCM sau tiệc Trung thu.
CTCP Bánh Givral ngày 4/10 ra thông cáo phản hồi, cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc doanh nghiệp đã phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng, cung cấp mẫu bánh lưu ngày 29/9 cùng nguyên liệu, tài liệu liên quan đến các khâu nhập, sản xuất, vận chuyển… Hãng đã ngừng sản xuất bánh su kem sau đó.
Givral và Tập đoàn Đại Dương
Trước khi xảy ra sự vụ trên, Givral là thương hiệu bánh quen thuộc, đặc biệt tại thị trường phía Nam. Ra đời vào năm 1950 bởi ông chủ người Pháp tên là Alain Portier, Givral đã sớm được biết đến bởi người Sài Gòn xưa. Hiện, thương hiệu này có 41 cửa hàng, chuyên sản xuất các loại bánh tươi như bánh kem, bánh sinh nhật, bánh cưới, bánh trung thu, các loại bánh mỳ, bánh nướng...
Givral cũng là một trong hai thương hiệu lâu năm trên thị trường Việt thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Đại Dương (OGC). Đây từng là tập đoàn đa ngành hàng đầu ở thập niên trước, với quy mô hàng chục công ty con hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực từ bất động sản, du lịch - nghỉ dưỡng, truyền thông, chứng khoán, ngân hàng, thương mại...
Trong đó, đơn vị chủ quản trực tiếp của CTCP Bánh Givral là Công ty One Capital Hospitality (OCH) có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Đơn vị này đang nắm 99,99% Bánh Givral, đồng thời sở hữu hai thương hiệu nổi tiếng Kem Tràng Tiền. OCH hiện cũng là chủ sở hữu chuỗi resort Sunrise Nha Trang, Sunrise Hội An, Starcity Nha Trang, Starcity Airport Ho Chi Minh City và Starcity Tây Hồ (Hà Nội)...
Tập đoàn Đại dương đang nắm 55,6% vốn điều lệ của OCH.
Hệ sinh thái Đại Dương trên thị trường còn được biết đến là cổ phiếu bluechip gắn với tên tuổi của doanh nhân Hà Văn Thắm. Giai đoạn 2007-2010, trước thềm chào sàn và mơ ra biển lớn, OGC chứng kiến sự tăng trưởng thần tốc. Với số vốn chỉ 10 tỷ đồng năm 2007, 3 năm sau đó Công ty đã nhanh chóng tăng vốn lên 2.500 tỷ và tăng lên 3.000 tỷ đồng năm 2011.
Ở thời kỳ đỉnh cao 2010-2013, lợi nhuận OGC đạt hàng ngàn tỷ mỗi năm, thuộc Top doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất sàn chứng khoán. Năm 2013 trước khi xảy ra biến cố về nhân sự cấp cao, tổng tài sản của OGC đạt hơn 11.400 tỷ với quy mô vốn chủ sở hữu hơn 3.200 tỷ đồng.
Tụt dốc không phanh trước khi “đổi chủ” vào năm 2022
Tuy nhiên, sau khi ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ocean Bank và OGC vướng vòng lao lý cuối năm 2014, Công ty bắt đầu chuỗi ngày suy thoái khi hoạt động chỉ xoay quanh điệp khúc thua lỗ và bán tài sản.
Đỉnh cao năm 2014, OGC báo lỗ sau thuế gần 2.548 tỷ đồng. Những năm sau đó, liên tục thua lỗ khiến tài sản Công ty "bốc hơi" mạnh, lỗ lũy kế ngốn gần hết vốn điều lệ. Trên sàn, cổ phiếu OGC cũng rơi, thậm chí có lúc chỉ còn 1.000 đồng/cp. Tương tự với OCH.
Năm 2018, OGC bước sang giai đoạn mới khi nhóm cổ đông mới xuất hiện. Dù vậy, tranh chấp thương trần khiến Công ty vướng vào những lùm xùm xoay quanh tính pháp lý các phiên họp cổ đông, tư cách cổ đông của doanh nghiệp đại diện cho ông Hà Văn Thắm và những người liên quan.
Sau 2 năm bị phủ quyết, tất cả nội dung ĐHĐCĐ năm 2022 đã được 100% thông qua, đại diện của IDS Equity Holdings được bầu làm Chủ tịch OGC. Dưới trướng chủ mới, OGC lên kế hoạch tái cấu trúc toàn diện, đặc biệt tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý, công tác chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai thực hiện các dự án khi có đủ điều kiện.
2022 cũng là năm OCG và cả OCH có lãi mỏng trở lại.
Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2023, 2 công ty này đều báo lãi đột biến.
OCH lãi ròng 167 tỷ đồng - tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.
OGC lãi ròng 106 tỷ - tăng 160% so với cùng kỳ năm trước với tác động chính từ việc tăng lợi nhuận ròng từ hoạt động tài chính và giảm mạnh chi phí quản lý.
Dù vậy, những “tồn đọng” vẫn chưa được xử lý. Tài sản ngắn hạn của công ty mẹ tại thời điểm cuối quý 3/2023 thấp hơn nợ ngắn hạn.
Trước đó, trên BCTC riêng quý 2/2023 của OGC, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh tại ngày 30/6, tài sản ngắn hạn của công ty thấp hơn nợ ngắn hạn là gần 59,6 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
OGC giải trình tài sản ngắn hạn thấp chủ yếu là do các khoản dự phòng công nợ khó đòi, các khoản đầu tư từ những năm trước. Các khoản công nợ và tài sản này đã được chuyển ra theo dõi ngoại bảng trên BCTC của Công ty theo phê duyệt của ĐHĐCĐ.
Trong thời gian qua, công ty mẹ và các đơn vị thành viên đang thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư cổ phần, cổ phiếu. Các dự án bất động sản và công ty cũng đang tích cực thu hồi/bán các khoản công nợ phải thu bao gồm các khoản đã chuyển theo dõi ngoại bảng. Trong 6 tháng đầu năm, OGC ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 44 tỷ đồng. Các khoản tiền bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và tiền gửi có kỳ hạn cũng tăng mạnh duy trì lên 600 tỷ đồng. Vì vậy Công ty đánh giá BCTC được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục là phù hợp.