Sẽ thu gom, tái chế hàng ngàn tấn nhựa, bao bì trong năm 2022

TTO - Trong bối cảnh nhận thức của người dân về thu gom và phân loại rác có thể tái chế ở Việt Nam còn thấp, cần có một nền tảng cho các mô hình thu gom và tái chế bao bì với khả năng mở rộng quy mô.


Sẽ thu gom, tái chế hàng ngàn tấn nhựa, bao bì trong năm 2022 - Ảnh 1.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai (cầm micro) tặng hoa, tri ân các nhà tài trợ cùng đồng hành, ủng hộ trong công tác chống dịch COVID-19 vừa qua - Ảnh: N.B.

Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO) vừa tổ chức hội nghị thành viên thường niên năm 2022 tại TP.HCM để tổng kết những hoạt động trong năm qua và định hướng hoạt động trong thời gian tới.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai - chủ tịch PRO VN - cho biết năm 2022 được quyết định là năm quan trọng để tăng tốc các hoạt động của PRO VN, trong đó sẽ chú trọng thực hiện các mục tiêu hợp tác và hỗ trợ Bộ Tài nguyên và môi trường xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả nghị định EPR, nâng cao năng lực vận hành.

Tổ chức cũng đặt mục tiêu triển khai ít nhất 3 đợt thu gom lớn cho các dự án tái chế, thu gom và tái chế ít nhất 3.000 tấn đối với mỗi vật liệu như PET, UBC, Laminates và hỗ trợ các dự án thí điểm thông qua các chiến dịch thay đổi hành vi nhằm kêu gọi phân loại và tái chế trong khu vực.

Theo PRO VN, nguồn rác thải rắn PET sau tiêu dùng tại TP.HCM có tỉ lệ tái chế khoảng 65% và Hà Nội ở mức 39%. Trong đó, người thu gom rác tái chế chỉ đóng góp hơn một nửa trong số này, đa phần còn lại đến từ các đơn vị thu gom, đặc biệt là nhóm phi chính thức.

Để thúc đẩy tái chế nguồn rác này, cần tăng khả năng tiếp cận nguồn nhựa tái chế được các hộ gia đình phân loại tại nguồn, qua đó tăng tỉ lệ thu gom của nhóm thu gom rác tái chế và giảm tỉ lệ  của các đơn vị thu gom. Một cách khác là tăng nhu cầu tiêu dùng dành cho các sản phẩm tái chế.

Trong khi đó với nhóm chất thải rắn là bao bì lon nhôm, hiện ở Việt Nam tỉ lệ được tái chế có cao hơn là 73%.

Mục tiêu trong năm 2022 PRO VN sẽ xây dựng nền tảng cho các mô hình thu gom và tái chế bao bì với khả năng mở rộng quy mô, phù hợp với quá trình triển khai chính sách EPR.

PRO là sáng kiến tư nhân tự nguyện nhằm cải thiện các hoạt động thu gom và tái chế bao bì có sự tham gia của các chủ sở hữu thương hiệu, nhà sản xuất kinh doanh phân phối và tiêu thụ liên quan. 

PRO đặt mục tiêu đến năm 2030 tất cả sản phẩm của các thành viên sản xuất và phân phối ra thị trường Việt Nam, sẽ được tái chế và phục hồi hoàn toàn tại Việt Nam.

Sẽ thu gom, tái chế hàng ngàn tấn nhựa, bao bì trong năm 2022 - Ảnh 2.

Thu gom và tái chế rác thải sẽ mang lại sức sống mới cho bao bì sau tiêu dùng - Ảnh: N.BÌNH

Liên minh này đã quy tụ những công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bao bì cùng chung mong muốn góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp bằng việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua việc làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm được thực hiện theo cách dễ tiếp cận hơn và bền vững hơn.

Từ 9 thành viên sáng lập ban đầu, sau 2 năm, số thành viên của PRO VN đã lên đến 19 đơn vị cùng nhiều đơn vị đối tác, đồng hành. Nguyên tắc cơ bản của PRO Việt Nam là các thành viên cùng làm việc, trên mục tiêu tái chế chung, để đạt được kết quả nhanh hơn so với làm việc độc lập. 

Năm 2021 thực sự là một năm đầy thách thức đối với tất cả các doanh nghiệp. Trong năm qua, PRO VN cũng nỗ lực không chỉ để duy trì các hoạt động mà còn chia sẻ trách nhiệm đối với các vấn đề xã hội trong khó khăn vì dịch COVID-19. Tổ chức này đã đồng hành hỗ trợ Chính phủ phòng chống dịch COVID-19 và triển khai tiêm chủng. 

Đặc biệt là thông qua báo Tuổi Trẻ và nhóm "Sài Gòn thương nhau", PRO Việt Nam đã hỗ trợ hàng chục tỉ đồng công tác phòng chống dịch qua chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19", "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19"....

Peru cấm bao bì thực phẩm bằng vật liệu polystyrene Peru cấm bao bì thực phẩm bằng vật liệu polystyrene

Từ ngày 20/12, các loại bao bì thực phẩm và đồ uống sử dụng vật liệu nhựa polystyrene bị cấm tại Peru.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/se-thu-gom-tai-che-hang-ngan-tan-nhua-bao-bi-trong-nam-2022-a253.html