Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) vừa công bố cam kết hợp tác 50 triệu USD cho Beacon Fund (Beacon) để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo tại Việt Nam.
“Đó là một quá trình thẩm định rất nghiêm ngặt. Tháng 12 năm ngoái, DFC đã cử một đội ngũ đến Việt Nam để tiến hành thẩm định thực tế, trước khi đi đến quyết định ký cam kết trị giá 50 triệu USD với chúng tôi để hỗ trợ các DN do phụ nữ làm lãnh đạo trong khu vực” , Shuyin Tang – Đồng sáng lập kiêm CEO Beacon – chia sẻ.
Beacon được thành lập bởi Patamar Capital vào năm 2020, là một quỹ đầu tư theo lăng kính giới đến từ Singapore. Không phải là một quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng không mang hình hài một ngân hàng cấp tín dụng cho DN, Beacon mang đến một hình thức đầu tư hoàn toàn mới với tên gọi Đầu tư vốn vay (Debt Investment).
Trong đó, Beacon tập trung vào 2 sản phẩm là vốn vay và vốn vay hỗn hợp (mezzanine). Các khoản đầu tư của Beacon có giá trị từ 300.000 USD đến 2.000.000 USD, được sử dụng cho những mục tiêu trung hạn (2-4 năm).
SME – “Phân khúc bị bỏ quên” trong khi họ rất xứng đáng để được hỗ trợ vốn
Với hơn 15 năm kinh nghiệm đầu tư và đồng hành cùng các doanh nhân ở Đông Nam Á, Beacon nhận thấy các DN hoạt động dưới rất nhiều mô hình kinh doanh, quy mô và có những mức độ tăng trưởng khác nhau. Trong số đó, có nhiều DN không hướng tới mục tiêu thoái vốn, trong khi hiện nay các khoản vốn đầu tư dành cho các DN tư nhân trên thị trường chủ yếu tập trung dưới 2 hình thức phổ biến: đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) và đầu tư vốn cổ phần tư nhân (Private Equity).
Đặc biệt, SME theo Beacon là “phân khúc bị bỏ quên” tại Việt Nam. SME chiếm đa số (~97%) tổng số DN cả nước cũng như tạo phần lớn công ăn việc làm, nhưng lại ít được quan tâm bằng startup. Thách thức còn lớn hơn đối với các DN được dẫn dắt bởi phụ nữ, do những thành kiến về giới tính và các áp lực chăm sóc gia đình.
“SME quá nhỏ đối với vốn cổ phần tư nhân (PE), quá lớn đối với tài chính vi mô, không đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của vốn mạo hiểm (VC) và không được các ngân hàng hỗ trợ. Dù rằng, nhiều SME xứng đáng được tiếp cận vốn nhưng đang bị đánh giá thấp nghiêm trọng. Họ không chỉ thiếu sự chú ý và các nguồn vốn tài chính phù hợp mà còn không có hệ sinh thái hỗ trợ mạnh mẽ như startup”, Shuyin nhấn mạnh.
Và, “ họ chính là đối tượng Beacon hướng tới phục vụ ”. Thay vì để tất cả các DN bị giới hạn trong một khuôn khổ lựa chọn như vậy, Beacon tìm cách thay đổi hình thức cung cấp vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các DN có mức độ tăng trưởng vừa phải, hướng đến sự bền vững thay vì tìm cách tăng trưởng bằng mọi giá.
Beacon cũng là một trong những quỹ đầu tư tiên phong với mô hình quỹ mở “evergreen”, tức đáp ứng nhu cầu vốn đúng thời điểm cho các DN trong danh mục đầu tư của quỹ. Nói cách khác, Beacon mong muốn được đồng hành với các DN một cách lâu dài.
Không thúc tăng trưởng rồi Exit như VC và linh hoạt hơn ngân hàng, Beacon “đồng hành” với DN có dòng tiền dương
Để hiểu hơn về hình thức Đầu tư vốn vay, chúng ta cùng làm một phép so sánh và ví dụ.
Thứ nhất, với khoản vay từ ngân hàng : Nếu như ngân hàng cho vay dựa trên tài sản thế chấp, thường là bất động sản hoặc sổ tiết kiệm (không quá 70% giá trị tài sản thế chấp) thì Beacon chấp nhận các loại tài sản thế chấp như hàng tồn kho, các khoản phải thu, máy móc, thiết bị, cổ phần của cổ đông, sở hữu trí tuệ và niềm tin vào tương lai.
Trên thực tế, nếu một khoản vay 20 tỷ đồng của ngân hàng với lãi suất 10%/năm, thế chấp bằng sổ tiết kiệm 70%, lãi tiết kiệm 5%/năm. DN thường hiểu sai rằng họ vay được 20 tỷ và lãi suất là xấp xỉ 5%/năm. Nhưng nếu tính toán cẩn thận hơn, số tiền DN thật sự vay được là 6 tỷ và lãi suất thực trả (net effective rate) lên đến gần 22%/năm (lãi phải trả là 2 tỷ, lãi nhận trên sổ tiết kiệm là 700 triệu, lãi ròng là 1,3 tỷ trên gốc nhận được là 6 tỷ). Có thể hiểu rằng, có nhiều bất lợi cho DN nếu không thật sự phân tích rõ các sản phẩm của ngân hàng.
Beacon sẽ tập trung vào nội lực kinh doanh và những gì DN có thể đạt được thay vì những gì họ sở hữu. Đặc biệt, với sản phẩm vốn vay hỗn hợp, DN sẽ tiết kiệm được chi phí vốn, ví dụ như giảm lãi suất trên kết quả kinh doanh hoặc tạo được các tác động xã hội. Hình thức này được Beacon gọi là cấu trúc đầu tư liên kết tạo tác động (Impact-linked). Đây cũng là khái niệm mới tại thị trường Việt Nam, thông qua cấu trúc này SME có thể tối ưu hóa chi phí vốn, từ đó giúp họ tập trung hơn vào các ưu tiên khác để theo đuổi sứ mệnh, mục tiêu kinh doanh của mình.
Thứ hai, với hình thức đầu tư mạo hiểm : Như đã nói, Beacon thay vì tập trung vào tốc độ tăng trưởng nóng và sau đó chọn thời điểm “exit” (thoái vốn); thì quỹ này sẽ chú trọng vào nội lực kinh doanh của DN, thông qua dòng tiền dương được tạo ra và sự phát triển bền vững.
Beacon cũng xác định sẽ là đối tác lâu dài của DN mà họ đầu tư. Ngoài tài chính, quỹ còn cung cấp giá trị gia tăng như cố vấn chiến lược, kết nối các nhà đầu tư, chuyên gia, mở rộng thị trường, tăng cường đội ngũ lãnh đạo.
Thử đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu công ty khởi nghiệp có lãi hiện nay?”, câu trả lời dĩ nhiên là rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, Beacon sẽ lựa chọn DN thông qua 4 tiêu chí:
(1) Năng lực và độ tin cậy của đội ngũ sáng lập: Beacon quan tâm sâu sắc đến khả năng của đội ngũ lãnh đạo, phải là những cá nhân có định hướng rõ ràng, không ngại dấn thân để giải quyết các vấn đề của thị trường, xã hội, tận tâm xây dựng đội ngũ và quan hệ đối tác đồng hành.
(2) Hồ sơ tài chính: Beacon tập trung cao độ vào dòng tiền lành mạnh của DN, được tạo ra từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Điều này theo quỹ quan trọng và bền vững hơn rất nhiều so với việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Beacon sẽ có đánh giá định kỳ hàng tháng và đưa ra các góp ý cho DN.
(3) Quyền sở hữu và lãnh đạo của phụ nữ: Ít nhất 20% cổ phần được sở hữu bởi phụ nữ, có đội ngũ quản trị đa dạng về giới
(4) Tìm kiếm tác động xã hội hoặc/và môi trường có thể đo lường được: Ngoài tập trung thúc đẩy bình đẳng giới, quỹ cũng quan tâm đến các mục tiêu tạo tác động khác như giúp nền giáo dục, y tế chất lượng cao trở nên dễ tiếp cận hơn hoặc thúc đẩy nông nghiệp bền vững.
SME mà Beacon ấn tượng
Sau 3 năm tìm kiếm cơ hội “đầu tư tạo tác động xã hội” tại Việt Nam, quỹ đã đầu tư vào 6 DN, có thể kể đến Hoa Nắng, MindX… và mới nhất có Komarc.
Trong đó, Beacon đặc biệt ấn tượng với MindX - hệ thống trường dạy lập trình cho học sinh lớp 5-12 và thanh thiếu niên. Quỹ giải ngân lần đầu vào tháng 11/2021 và tiếp tục tham gia vào vòng gọi vốn Series B tổng trị giá 15 triệu USD.
“Do là quỹ đầu tư vốn vay, quy trình làm việc ở họ thực tế, kỹ lưỡng và chặt chẽ, đặc biệt về mặt chỉ số tài chính so với các quỹ đầu tư cổ phần. Làm việc với Beacon giúp chúng tôi nhận ra còn có những con đường khác ngoài gọi vốn VC” , bà Nguyễn Thị Thu Hà, Đồng sáng lập kiêm CEO MindX - nói.
Năm 2022, MindX đã mở thêm 18 trung tâm mới và đạt tăng trưởng doanh thu 88%. Dĩ nhiên, công ty vẫn duy trì dòng tiền dương. Tính đến tháng 9/2023, chuỗi có 41 trung tâm và 11.366 học viên.
Hiện, Beacon đang tiếp tục hành trình góp phần vào việc thu hẹp khoảng cách tài chính về giới, thông qua hỗ trợ nhiều hơn các SME do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo, cũng như hợp tác chặt chẽ với danh mục đầu tư hiện có.