Dự án đổi chủ sau nhiều năm đình trệ

Việc nhiều dự án bất động sản tái khởi động sau nhiều năm "đắp chiếu" góp phần gia tăng nguồn cung cho thị trường đang rất khan hiếm

Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và tăng giá, thủ tục triển khai dự án siết chặt, các doanh nghiệp (DN) bất động sản có xu hướng đẩy mạnh các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) dự án để tiết kiệm thời gian trong việc hoàn thành thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa mặt bằng.

Vào cuối tháng 2 vừa qua, Tập đoàn Novaland và Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên đã làm lễ khởi động dự án Grand Sentosa (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM) sau nhiều năm tạm dừng thi công. Dự án này được quy hoạch là một tổ hợp thương mại dịch vụ và khu nhà ở cao cấp, với diện tích tổng khu hơn 8,3 ha, dự kiến cung cấp ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm căn hộ, nhà phố thương mại...

Dự án đổi chủ sau nhiều năm đình trệ - Ảnh 1.

Dự Saigon One Tower đã đổi chủ với tên mới IFC One Saigon sau hơn 10 năm đình trệ

Theo Novaland, đơn vị này sẽ đóng góp nguồn lực và kinh nghiệm của mình để phát triển dự án, biến dự án thành một công trình biểu tượng, kiến tạo nên một diện mạo đô thị mới hiện đại, năng động. Novaland cam kết sẽ đưa dự án Grand Sentosa vào vận hành theo đúng tiến độ trong năm 2024.

Dự án này ban đầu do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư, có tên là Kenton Residences, khởi công từ năm 2009 với quy mô 9 tòa nhà, tổng cộng 1.640 căn hộ và tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD. Đầu năm 2010, chủ đầu tư triển khai mở bán 100 căn hộ giai đoạn 1 với giá khoảng 1.560 - 2.250 USD/m2. Tuy nhiên, đến giữa năm 2010, dự án buộc phải tạm ngưng do sự đóng băng toàn thị trường.

Mãi đến năm 2017, nhờ sự trợ lực của một số ngân hàng, dự án mới được "hồi sinh", điều chỉnh quy hoạch, bổ sung nhiều hạng mục mới như khách sạn, nhà hát, bến du thuyền, trường học, phòng khám quốc tế...; đồng thời đặt lại tên khác là Kenton Node Hotel Complex. Tổng vốn đầu tư dự án thời điểm đó được nâng lên tới 1 tỉ USD nhưng chỉ một năm sau, dự án lại bị ngưng vì vấn đề tài chính.

Đến đầu năm nay, một lần nữa dự án được "hồi sinh" với sự tham gia của Tập đoàn Novaland với vai trò nhà phát triển dự án. Nhiều người kỳ vọng, với năng lực và kinh nghiệm nhiều năm phát triển dự án của Novaland, dự án sẽ được triển khai thuận lợi, không phải rơi vào cảnh thăng trầm thêm lần nào nữa.

Một dự án khác là khu đô thị Sài Gòn Bình An (phường An Phú, TP Thủ Đức) cũng nhanh chóng được khởi động trở lại sau khi về tay ông chủ mới là Masterise Homes vào đầu tháng 1-2022. Điểm đáng chú ý là dự án này được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 1-1999, trên khu đất có tổng diện tích 120 ha và đến năm 2000 được chấp thuận thêm phần tiện ích sân golf An Phú, nâng diện tích tăng lên 137,4 ha. Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, đổi chủ, hiện nay dự án đã về tay Masterise Homes và được đặt tên mới là dự án The Global City, quy mô giảm xuống còn 117ha.

Theo Masterise Homes, đơn vị này đã ký kết với công ty thiết kế kiến trúc hàng đầu thế giới là Foster+Partners để quy hoạch và thiết kế The Global City. Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành một khu đô thị toàn cầu hiện đại, văn minh và sôi động của TP HCM. Dự kiến trong tháng 3 này, dự án sẽ mở bán những sản phẩm đầu tiên với mức giá tới 300 triệu đồng/m2 xây dựng cho một căn nhà phố có diện tích khoảng 100 m2. Chủ đầu tư dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành trong 48 tháng.

Trước đó không lâu, một dự án cao ốc ngay trung tâm quận 1, TP HCM là Saigon One Tower cũng đổi chủ và "lột xác" với tên mới IFC One Saigon sau hơn 10 năm "đắp chiếu". Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2007 với kỳ vọng trở thành một trong những tòa cao ốc biểu tượng của TP HCM. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án bất ngờ ngừng thi công khi xây dựng xong phần thô.

Đơn vị mới tham gia phát triển dự án là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Viva Land. Dự án nằm trên trục đường Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng (quận 1) nhìn ra sông Sài Gòn và Bến Nhà Rồng. Tòa nhà được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 6.600 m2, quy cao 41 tầng, gồm 180 căn hộ, văn phòng.

Đánh giá về xu hướng chuyển nhượng và hồi sinh các dự án đã "đắp chiếu" hàng chục năm ở TP HCM, giám đốc một công ty chuyên về tư vấn bất động sản cho rằng đa phần các dự án bị ngưng trệ lâu năm thường được các chủ đầu tư trong nước tham gia hồi phục vì họ có kinh nghiệm xử lý các vấn đề liên quan thủ tục, pháp lý, tài chính. Đây là một xu hướng rất tốt cho thị trường bất động sản TP HCM vốn đang rất khan hiếm nguồn cung.

"Các chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, không đủ khả năng triển khai dự án dù có đau lòng nhưng đã đến lúc nói lời "chia tay" để những nhà đầu tư khác có đủ năng lực hơn tham gia để đẩy nhanh tiến độ dự án, cũng như thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển" - lãnh đạo DN này nêu ý kiến.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển đánh giá việc tham gia của các nhà đầu tư mới vào các dự án đình trệ lâu năm là rất tốt, rất cần thiết, làm hồi sinh cả thị trường bất động sản TP HCM sau nhiều năm thiếu hụt nguồn cung, khan hiếm dự án mới. Đó là điều rất cần và lẽ ra phải được thúc đẩy sớm từ cơ quan chức năng.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/du-an-doi-chu-sau-nhieu-nam-dinh-tre-a258.html