Hành trình khởi nghiệp từ cửa hàng nhỏ trên phố Hai Bà Trưng tới thương vụ nhập khẩu lớn nhất lịch sử ngành điều thế giới của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển

Học Vật lý tại đại học tổng hợp Hà Nội và về công tác tại Viện công nghệ quốc gia nhưng ông Đỗ Quang Hiển đã rẽ ngang sang kinh doanh nhập khẩu và gây dựng nên tập đoàn T&T với tổng tài sản 45.000 tỷ đồng ngày nay.

Học kinh doanh xuất nhập khẩu từ những bữa bia hơi vỉa hè

Trong đêm Gala "Chuyển kể từ Tâm" kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng SHB, trong vài lời ngắn ngủi, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển đã tiết lộ về "người thầy" dạy kinh doanh xuất nhập khẩu trong những ngày đầu khởi nghiệp một cách đầy xúc động. Đó là một người đàn anh, được ông Hiển gọi thân mật là "Anh Huy", học trên ông một khoá trong trường Đại học tổng hợp Hà Nội, sau khi ra trường làm việc tại công ty xuất nhập khẩu.

"Nhiều năm, ngày nào cũng như ngày nào, cứ cuối giờ chiều, anh Huy hết giờ làm việc, tôi cũng hết giờ làm việc, chúng tôi lại ra hàng bia hơi vỉa hè. Trời mưa rét tầm tã, 2 anh em cứ ngồi vỉa hè uống bia hơi. 

Vợ tôi lúc đấy còn bảo: Bố mày với anh Huy có vấn đề gì mà mưa gió rẻt căm căm mà 2 ông ngày nào cũng ngồi với nhau.

Vừa là tình bạn, rất thiêng liêng, vừa là ngồi uống bia hơi với anh Huy tôi học được rất nhiều về xuất nhập khẩu", Chủ tịch Đỗ Quang Hiển kể lại và khẳng định: "Anh Huy chính là người thầy của tôi về kinh doanh xuất nhập khẩu".

Nhiều người đã biết, một trong những lĩnh vực khởi nghiệp đầu tiên gắn với tên tuổi doanh nhân Đỗ Quang Hiển và tập đoàn T&T của ông đó là hoạt động xuất nhập khẩu.

Năm 1993, Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T (Technology & Trade) ra đời chuyên nhập khẩu các mặt hàng điện tử điện lạnh của các thương hiệu hàng đầu thế giới.

Thủa mới lập nghiệp, T&T bắt đầu với một cửa hàng điện tử điện lạnh nằm trên phố Hai Bà Trưng. Đây từng là địa chỉ mua sắm đáng tin cậy quen thuộc với người dân Thủ đô trong thập niên 90.

Hành trình khởi nghiệp từ cửa hàng nhỏ trên phố Hai Bà Trưng tới thương vụ nhập khẩu lớn nhất lịch sử ngành điều thế giới của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển - Ảnh 1.

Cửa hàng điện tử điện lạnh của T&T trên phố Hai Bà Trưng

Đến năm 1998, nhận thấy tiềm năng của ngành công nghiệp phụ trợ cho xe gắn máy, T&T thành lập Công ty TNHH T&T Hưng Yên để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất động cơ và phụ tùng xe máy có quy mô lớn nhất Việt Nam với vốn đầu tư 300 tỷ đồng.

Giai đoạn đó, trung bình một năm, T&T Group tung ra thị trường khoảng 700.000 xe gắn máy, trong đó 80% tiêu thụ trong nước và 20% xuất khẩu sang thị trường châu Phi và Nam Mỹ.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian này, T&T cũng đầu tư nhà máy lắp ráp hàng điện lạnh gia dụng có tổng mức đầu tư lớn nhất miền Bắc.

Đến năm 2005, T&T bắt đầu tham gia đầu tư vào lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái. Tham gia lập chiến lược quản trị và điều hành tại ngân hàng và chuyển đổi thành công mô hình hoạt động thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Năm 2007, chuyển đổi mô hình từ Công ty TNHH T&T thành Công ty Cổ Phần Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T Group), đầu tư sáng lập và trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và Công ty bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH). Đồng thời, T&T cũng tham gia vào lĩnh vực bất động sản, đầu tư phát triển các dự án tại Hà Nội, Vinh (Nghệ An), TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phố lớn trên cả nước.

Trải qua 30 năm hình thành và phát triển T&T ngày nay đã trở thành một tập đoàn đa ngành với tổng tài sản 45.000 tỷ đồng, 200 công ty thành viên trực thuộc và liên doanh liên kết, 80.000 cán bộ nhân viên, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài là 80 triệu USD (thông tin trên website).

Hành trình khởi nghiệp từ cửa hàng nhỏ trên phố Hai Bà Trưng tới thương vụ nhập khẩu lớn nhất lịch sử ngành điều thế giới của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển - Ảnh 2.

Nguồn: website T&T

Mặc dù hoạt động đa ngành nhưng xuất nhập khẩu hàng hoá luôn là thế mạnh của Tập đoàn T&T Group từ những năm 2010. Theo thông tin từ tập đoàn, thị trường xuất khẩu chính của T&T là các nước: Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á, Trung Quốc, Châu Phi và khoảng 20 nước khác trên thế giới.

Những thương vụ nhập khẩu đình đám

Khởi nghiệp từ việc kinh doanh điện tử, điện lạnh nhưng về sau này T&T lấn sân và gây tiếng vang sang nhiều lĩnh vực khác như nông sản, điều, sản phẩm mỹ nghệ, đồ gỗ & nội ngoại thất, động cơ quạt, hàng dệt kim, thức ăn chăn nuôi.

Theo giới thiệu trên website, Tập đoàn T&T Group là Top 3 nhà nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam trong nhiều năm; thực hiện thương vụ lớn nhất ngành Điều thế giới. Tổng giá trị nhập khẩu bình quân năm đạt trên 600 triệu USD.

Đáng chú ý nhất là thương vụ nhập khẩu hạt điều lớn nhất lịch sử ngành điều thế giới vào năm 2019 và thương vụ nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong tâm dịch Covid

Cuối tháng 7/2019, T&T Group đã gây tiếng vang lớn bằng thương vụ thu mua lớn nhất lịch sử ngành điều thế giới, với 176.000 tấn thu mua điều thô trực tiếp từ Chính phủ Tanzania. Hợp đồng này không những ảnh hưởng đến nguồn thu xuất khẩu của Tanzania mà còn tác động đến hầu hết các đơn vị nhập khẩu hạt điều trên toàn cầu.

Hợp đồng thu mua hạt điều này được ký giữa Tập đoàn T&T Group và Hiệp hội Ngũ cốc và Các sản phẩm khác của Tanzania (The Cereals and Other Produce Board of Tanzania - CPB). Theo đó, Tập đoàn T&T Group đã đồng ý mua 176.000 tấn điều thô mùa vụ 2018 trong tổng số 210.000 tấn điều thô mà Chính phủ Tanzania đã mua dự trữ từ nông dân.

Trước đó, Chính phủ Tanzania đã rất nỗ lực để tìm các đối tác mua lô hạt điều thô kể trên từ các quốc gia Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc, Kenya… nhưng không thành công do không thỏa thuận được giá bán.

Ngoài Tanzania, T&T Group còn ký kết thành công thương vụ mua 150.000 tấn điều thô từ Chính phủ Bờ Biển Ngà trong năm 2020, và đây là thương vụ kỷ lục thứ 2 của tập đoàn.

Hành trình khởi nghiệp từ cửa hàng nhỏ trên phố Hai Bà Trưng tới thương vụ nhập khẩu lớn nhất lịch sử ngành điều thế giới của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển - Ảnh 3.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group Đỗ Quang Hiển (bên phải) trao quà lưu niệm cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bờ Biển Ngà Marcel Amon Tanoh. Ảnh: VNexpress

Trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, T&T Group cũng ghi được dấu ấn với những hợp đồng lớn. Đầu tháng 4/2020, đơn vị thành viên của T&T Group là Công ty TNHH Nông nghiệp T&T, thông qua hình thức làm việc trực tuyến đã ký kết hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trị giá 115 triệu USD từ Tập đoàn Marquis Energy Global (Mỹ).

Ngay trong tháng, Marquis Energy Global đã giao 48.000 tấn DDGS (bã ngô lên men) cho T&T Group. Số còn lại giao ngay sau đó một thời gian ngắn.

Tính đến cuối năm 2020, T&T Group cùng đối tác chiến lược trong dự án kinh doanh nông sản đã nhập khẩu trên 2,5 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (tương đương kim ngạch 559 triệu USD), chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của cả nước.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/hanh-trinh-khoi-nghiep-tu-cua-hang-nho-tren-pho-hai-ba-trung-toi-thuong-vu-nhap-khau-lon-nhat-lich-su-nganh-dieu-the-gioi-cua-chu-tich-do-quang-hien-a25942.html