Mới đây, Arisaig Asian Fund Limited - quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners (Singapore) thông báo đã bán thành công 114.000 cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động vào ngày 10/11.
Sau khi bán ra, quỹ ngoại Arisaig Asia giảm sở hữu tại Thế giới Di động từ 3,46% xuống 3,45% vốn điều lệ. Quỹ thành viên giảm sở hữu khiến cả nhóm Arisaig Partners hạ tỉ lệ từ 5% xuống 4,99% và chính thức không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp này từ ngày 14/11.
Tạm tính theo thị giá ngày 10/11 là 39.400 đồng/cổ phiếu, ước tính quỹ này có thể thu về gần 4,5 tỷ đồng từ giao dịch trên.
Hiện các quỹ thành viên trong nhóm Arisaig Partners nắm giữ nhiều cổ phiếu MWG nhất có Arisaig Asia, Arisaig Global Emerging Market có 15,7 triệu cổ phiếu, Mercer QIF có 6,78 triệu cổ phiếu, Arisaig Next Generation 136.200 cổ phiếu.
Quỹ Arisaig Asian bắt đầu bán ra cổ phiếu MWG từ ngày 11/4. Cụ thể, quỹ này bán ra gần 2,4 triệu cổ phiếu MWG và giảm sở hữu từ 102,9 triệu cổ phiếu xuống 100,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm từ 7,03% còn 6,87%.
Đến ngày 24/5, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners bán ra 1,34 triệu cổ phiếu; ngày 21/6, quỹ Arisaig Asia bán thêm 668.900 cổ phiếu; ngày 24/7, Arisaig Asia Fund bán ra 576.000 cổ phiếu; ngày 28/8, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners tiếp tục bán thêm 2,11 triệu cổ phiếu MWG. Chỉ trong hơn 7 tháng, quỹ này đã bán ròng hơn 52 triệu cổ phiếu MWG.
Thế giới Di động chỉ còn cổ đông lớn nước ngoài duy nhất là nhóm quỹ Dragon Capital, tuy nhiên thời gian gần đây quỹ ngoại này cũng liên tục bán ra cổ phiếu MWG.
Gần nhất, nhóm quỹ Dragon Capital bán ra hơn 4 triệu cổ phiếu MWG trong phiên 1/11, qua đó giảm sở hữu từ 7,19% xuống 6,9% vốn. Tính từ đầu năm đến nay, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ròng khoảng 47 triệu cổ phiếu MWG.
Trên thị trường chứng khoán, MWG là mã cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong hơn 2 tháng gần đây với giá trị bán ròng khoảng 1.900 tỷ đồng.
Trong quá khứ, MWG từng là cổ phiếu được ưu ái hàng đầu đối với khối ngoại, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Thế giới Di động thường xuyên ở mức tối đa 49% và hầu như chỉ hở ra do các hoạt động phát hành ESOP.
Nhà đầu tư nước ngoài không ít lần phải trả mức giá chênh lệch lên đến 40% so với thị giá của cổ phiếu MWG để chen chân vào Thế giới Di động. Đây cũng là mức giá chênh lệch cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, khẩu vị của khối ngoại đã thay đổi rõ rệt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Thế giới Di động suy giảm mạnh trong năm nay.
Cụ thể, luỹ kế 9 tháng đầu năm, Thế giới Di động ghi nhận 86.858 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 77,4 tỷ đồng, “bốc hơi” gần 92% so với 3.482 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm ngoái và cách xa 4.200 tỷ đồng mục tiêu lợi nhuận đề ra cả năm.
Về cơ cấu doanh thu, chuỗi Thế Giới Di động và Topzone ước đạt 20.672 tỷ đồng, chiếm 23,8%; Điện Máy Xanh đạt 41.692 tỷ đồng, chiếm 48% và Bách hóa Xanh 22.323 tỷ đồng.
Trong bối cảnh kinh doanh sa sút, hàng loạt lãnh đạo tại Thế giới Di động không nhận lương trong quý III/2023 như Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài, ông Đoàn Văn Hiểu Em - Thành viên HĐQT và ông Trần Huy Thanh Tùng - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Không chỉ thu nhập của các lãnh đạo bị ảnh hưởng, chi phí nhân viên cũng bị cắt giảm 1.300 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, ghi nhận ở mức 6.100 tỷ đồng.
Đến ngày 30/9/2023, Thế Giới Di Động có 68.374 nhân viên, giảm hơn 5.600 nhân sự so với thời điểm đầu năm. Như vậy, ước tính doanh nghiệp đã chi trung bình khoảng 85,7 triệu đồng cho mỗi nhân viên trong 9 tháng đầu năm 2023.
Link nội dung: https://kinhtedautu.net/bi-xa-52-trieu-co-phieu-tu-dau-nam-mwg-mat-di-mot-co-dong-lon-ngoai-a26324.html