Doanh nghiệp trong hành trình “tạo xanh”

Để có thể hiện thực hóa cam kết tại COP26, cần có sự tham gia của cả xã hội trong đó doanh nghiệp là đối tượng đóng vai trò then chốt.

Không phải ai cũng biết rằng Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Trong bảng xếp hạng Chỉ số Rủi ro Khí hậu 2021, nước ta đứng thứ 13. Đồng thời, do vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu hóa thạch, Việt Nam trở thành nguồn phát thải khí nhà kính nhanh nhất Tiểu vùng Sông Mê-kông mở rộng. Ngân hàng Thế giới dự báo, biến đổi khí hậu có thể làm giảm 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam từ nay đến 2050.

Nhận thức được những tác động khốc liệt có thể phải gánh chịu, Chính phủ đã xác định ứng phó với BĐKH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Nhưng để có thể hiện thực hóa cam kết tại COP26, cần có sự tham gia của cả xã hội trong đó doanh nghiệp là đối tượng đóng vai trò then chốt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh nhằm tham gia vào bài toán giảm phát thải ròng bằng cách tiếp cận với sự đổi mới và công nghệ bền vững, đầu tư vào nghiên cứu và triển khai các công nghệ năng lượng mới và áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, tuân thủ các quy định về môi trường…

Doanh nghiệp trong hành trình “tạo xanh” - Ảnh 1.

Như người anh cả của ngành thép – Tập đoàn Hòa Phát những năm qua đã áp dụng công nghệ thu hồi nhiệt luyện coke, khí than lò cao để phát điện, tái sử dụng từ đó giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm lượng phát thải CO2. Ngoài ra, Hòa Phát cũng triển khai chương trình điện mặt trời mái nhà; tối ưu hóa tất cả các khâu sản xuất theo hướng tuần hoàn, khép kín, tiết giảm tiêu hao năng lượng và xây dựng lộ trình phát triển thép xanh, giảm phát thải CO2 theo định hướng chung của Chính phủ.

Nhựa Tái chế Duy Tân đã đầu tư và xây dựng nhà máy nhựa tái chế nhằm cung cấp sản phẩm nhựa tái chế chất lượng cao với công nghệ “Bottle to Bottle”, mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp mới, qua đó, giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch. 10 tháng đầu năm 2023 nhà máy đã thu gom và tái chế 18.200 tấn (tương đương 1,6 tỷ chai). Khi hoàn thành, nhà máy sẽ có công suất xử lý sẽ đạt 100.000 tấn nhựa/năm tương đương 7 tỷ chai nhựa được tái sinh mỗi năm.

Trong ngành dệt may, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã tạo ra những sản phẩm mới có tính năng đặc thù, thân thiện với môi trường; Nhà máy Dệt Bảo Minh đầu tư nhiều thiết bị công nghệ cao... Cùng đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi sang hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, thay thế lò hơi đốt than, đốt dầu bằng lò hơi điện, không chỉ ứng dụng công nghệ trong sản xuất mà còn trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, như Tổng công ty May 10, Tổng Công ty Cổ phần may Việt Tiến, Tổng Công ty may Bắc Giang LGG, Công ty TNHH Tân Đệ, ...

Là doanh nghiệp trong một ngành có nhiều tác động đến môi trường, Hóa chất Đức Giang hướng đến xây dựng các nhà máy hóa chất thành các công viên hóa chất nhờ việc giảm phát thải ra môi trường và phủ xanh nhà máy. Công ty CP Hoá chất Đức Giang – Lào Cai còn đầu tư, lắp đặt Hệ thống 13 Trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục (quan trắc khí thải online) để giám sát quá trình phát thải của toàn bộ các Nhà máy khi sản xuất và truyền dữ liệu trực tuyến về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai.

Các nhà máy của công ty đều có hệ thống xử lý nước tái sử dụng lại với hệ số tái sử dụng nước của các nhà máy đạt tới 90-95% do vậy công ty gần như không xả nước thải ra môi trường. Đồng thời, công ty tích cực thực hiện thay đổi công nghệ sản xuất, tận thu toàn bộ khí gas phát thải từ các nhà máy Phốt pho để giảm tiêu thụ điện trực tiếp; đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn, hiện nay, toàn bộ chất thải rắn của công ty đều được xử lý đạt tiêu chuẩn và được các đơn vị bên ngoài thu mua; …

Masan Group là tập đoàn tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, luôn đảm bảo các nhà máy sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, áp dụng các biện pháp xử lý chất thải và sử dụng tài nguyên bền vững. Masan Group đã đầu tư rất lớn vào hệ thống xử lý nước thải tiên tiến đồng thời áp dụng công nghệ biogas từ trấu và mùn cưa để tạo năng lượng cho các nhà máy.

WinCommerce triển khai loạt giải pháp Xanh tại hệ thông siêu thị và siêu thị mini WinMart/WinMart+: Thay thế nilon bằng 100% bằng túi tự hủy sinh học; Giảm thiểu/thay thế các vật liệu nhựa sử dụng 1 lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường; thực hiện các chương trình khuyến mại đối với khách hàng tự sử dụng túi đựng nhiều lần. Masan High-Tech Materials ra mắt thương hiệu bột Vonfram "starck2charge®" sử dụng trong sản xuất pin Li-ion sạc nhanh và an toàn.

Doanh nghiệp trong hành trình “tạo xanh” - Ảnh 2.

Các tổ chức tín dụng cũng thể hiện sự quan tâm lớn tới trách nhiệm phát triển tín dụng xanh, xây dựng chính sách cấp tín dụng ưu đãi đối với khách hàng có phương án, dự án sản xuất, kinh doanh đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh.

Là một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất, đến nay, ACB đã xây dựng 3 trụ cột chính để thực hiện xanh hoá ngân hàng, đó là: Tài trợ vốn, hỗ trợ cho dự án xanh; tài trợ cho tất cả các hoạt động tiết kiệm năng lượng; phát triển các dự án chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ACB đang hợp tác với một số đối tác quan trọng nhằm thiết kế các sản phẩm dịch vụ tài trợ xanh. Dự kiến trong năm 2024, ACB sẽ công bố các khoản vay xanh.

Bên cạnh đó, tại chiến lược chuyển đổi giai đoạn 2022 – 2027 của SHB, tăng trưởng tín dụng xanh cũng là một phần quan trọng của kế hoạch hành động tổng thể về phát triển bền vững. Kế hoạch hành động được SHB triển khai đồng bộ theo lộ trình cụ thể, từ nâng cao nhận thức cán bộ nhân viên, đối tác, khách hàng về tầm quan trọng của tín dụng xanh; cải cách các quy định, quy trình, cơ chế cho đến "may đo" các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh. Những năm qua, tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ của SHB có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, gần 10%/năm, và có xu hướng phát triển hơn nữa.

Do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập, Công ty GSM cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện và dịch vụ taxi, xe ôm thuần điện đã giải bài toán xanh trong lĩnh vực vận tải, hướng đến tạo nền móng vững chắc cho giao thông xanh. GSM kết hợp chặt chẽ với hệ sinh thái xanh của Vingroup (ô tô điện, xe máy điện, xe buýt điện cùng mạng lưới trạm sạc, xưởng dịch vụ, hệ thống CSKH phục vụ hệ sinh thái xanh rộng khắp) mang tới giải pháp toàn diện, đồng bộ, nhất quán vì tương lai xanh cho Việt Nam. Sự ra đời của GSM đã góp phần giảm 1,4 triệu kg CO2 thải trực tiếp vào môi trường, tương đương với trồng hơn 600.000 cây xanh, gần 200ha rừng.

Trong lĩnh vực năng lượng, ngay từ những năm 2013, Tập đoàn T&T Group đã có những nghiên cứu tiền khả thi nhằm đánh giá tiềm năng, cơ hội để phát triển loại hình năng lượng sạch tại Việt Nam. T&T Group đã thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng lượng T&T (T&T Energy) đặt mục tiêu trở thành Tập đoàn năng lượng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch. T&T Group đã xúc tiến hợp tác chiến lược cùng các Tập đoàn hàng đầu Thế giới để triển khai tại Việt Nam các dự án quy mô lớn. Các loại hình năng lượng đang được phát triển bao gồm: điện mặt trời, điện gió và điện gió ngoài khơi, điện khí hoá lỏng LNG, điện sinh khối và điện rác.

Doanh nghiệp trong hành trình “tạo xanh” - Ảnh 3.

Tính tới năm 2023, Tập đoàn đã đưa vào vận hành 10 nhà máy điện, tổng công suất lắp đặt và hòa lưới điện Quốc gia đạt 877 Mw. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn đầu tư, phát triển các dự án môi trường góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Đây là những câu chuyện điển hình trong hành trình Net Zero của Việt Nam, minh chứng cho trí tuệ và trách nhiệm của doanh nghiệp để cùng đi đến một tương lai xanh bền vững cho các thế hệ mai sau.

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp khác dù lớn hay nhỏ cũng đã thể hiện sự quan tâm lớn tới chuyển đổi xanh, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh trong bối cảnh nhu cầu đối với những sản phẩm xanh, sản phẩm đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường ngày càng tăng mạnh. Thế nhưng không phải DN nào cũng thực sự hiểu được đâu là những yếu tố tạo nên con đường phát triển bền vững, hay có đủ khả năng tìm ra được giải pháp bền vững phù hợp với mình. Họ cần có những người tiên phong đi trước tìm đường để chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm.

Và để đạt được mục tiêu Net Zero, không thể chỉ 1 doanh nghiệp, 1 đơn vị, 1 cá thể có thể làm. Đó là sự phối hợp của một chuỗi giá trị được triển khai toàn diện, từ nguyên liệu đầu vào, sản xuất hàng hóa, logistics cho đến tiêu dùng cuối cùng.

Hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình” do Trang tin kinh tế tài chính CafeF thuộc Công ty Cổ phần VCCORP tổ chức, cùng sự đồng hành về chuyên môn của các đơn vị quản lý, các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các đơn vị tư vấn, và sự hỗ trợ về tổ chức của các doanh nghiệp: ACB, Manulife, Masan Group, XanhSM, HSBC Việt Nam, SHB, Gamuda Land, T&T Group và Nhựa Tái Chế Duy Tân (DUYTAN Recycling).

- Thời gian: 8h00-11h30 thứ Tư ngày 22/11/2023

- Địa điểm: Khách sạn Sheraton, 11 Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội.

-Điều hành Diễn đàn Hội thảo: TS. Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; và Ông Phạm Hải Âu - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Quản trị rủi ro của PwC Việt Nam.

Mọi thông tin liên quan đến Hội thảo xin vui lòng liên hệ email: [email protected]

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/doanh-nghiep-trong-hanh-trinh-tao-xanh-a26719.html