Tập đoàn Nhật Sojitz thâu tóm công ty phân phối thực phẩm lớn nhất Việt Nam với doanh thu vài trăm triệu USD mỗi năm

New Viet Dairy được thành lập bởi doanh nhân người Pháp Didier Lachize Albert và vợ. Hiện nay, đây là nhà nhập khẩu, phân phối nguyên liệu sữa, các sản phẩm từ sữa lớn nhất Việt Nam với các nhãn hiệu Heinz, Paysan Breton, Tatua, Even, Fromagio, Daisy,…

Theo thông báo trên website, ngày 17/11/2023, Công ty Cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy) đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Tập đoàn Sojitz và đơn vị thành viên trực thuộc. Thông tin về giá bán không được tiết lộ.

Tập đoàn Sojitz cũng thông báo trên website của mình về việc đã cùng với Sojitz Asia Pte. Ltd. và Công ty TNHH Sojitz Việt Nam mua lại toàn bộ quyền sở hữu của Công ty Cổ phần Đại Tân Việt - nhà bán buôn thực phẩm thương mại lớn nhất Việt Nam với 40% thị phần.

New Viet Dairy được thành lập năm 1997 bởi doanh nhân người Pháp Didier Lachize Albert và vợ là bà Lê Thị Vân. Hiện nay, đây là nhà nhập khẩu, phân phối nguyên liệu sữa, các sản phẩm từ sữa cho ngành công nghiệp và dịch vụ thực phẩm top đầu Việt Nam với các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Heinz, Paysan Breton, Tatua, Even, Fromagio, Daisy,… Công ty cũng cung cấp sản phẩm mang nhãn hàng riêng là phô mai Bottega Zelachi.

photo-1700663448363

Theo giấy đăng ký kinh doanh hồi tháng 6/2022, Đại Tân Việt đã tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng trong đó ông Didier Lachize Albert nắm 48,7%.

Trong bảng xếp hạng Top các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam 2023 (VNR2023), New Viet Dairy đứng thứ 97. 

Được biết, trước giai đoạn COVID-19, doanh thu hàng năm của New Viet Dairy rơi vào khoảng 7.000 tỷ đồng. Năm 2020, doanh thu doanh nghiệp này đạt hơn 5.300 tỷ đồng. Con số trên website cho biết doanh thu năm 2022 là 320 triệu USD (khoảng 7.500 tỷ đồng).

Theo lời kể của nhà sáng lập, Đại Tân Việt đã sớm xây dựng chuỗi cung ứng và hạ tầng của riêng mình từ hơn 20 năm trước khi gặp nhiều bất tiện vì chuỗi cung ứng, chất lượng cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ thực phẩm tại Việt Nam còn rất đơn sơ trong thập niên 90 – những năm 2000. Bằng cách này, Đại Tân Việt tích hợp hoàn toàn tất cả các hoạt động kinh doanh, từ sản xuất ở nước ngoài đến giao hàng tận cửa nhà máy Việt Nam.

Đồng thời, Đại Tân Việt cũng nhiều lần từ chối lời mời hợp tác của các nhà đầu tư lớn.

Quyết định bán toàn bộ cổ phần cho Sojitz cho thấy một sự thay đổi rất lớn trong kế hoạch của nhà sáng lập.

photo-1700663629443

Ông Didier Lachize Albert, nhà sáng lập Công ty Cổ phần Đại Tân Việt

Trong khi đó, Sojitz Corporation là tập đoàn thương mại toàn cầu và là một trong những tập đoàn Nhật Bản gia nhập thị trường Việt Nam sớm nhất, từ năm 1986. Trong lĩnh vực phân phối thực phẩm, Sojitz đã trực tiếp tham gia đầu tư kinh doanh thông qua điều hành các công ty sản xuất như Công ty TNHH Japan Best Foods; công ty phân phối như Công ty CP Thương mại – Dịch vụ – Sản xuất Hương Thủy, Công ty CP Đất Mới Việt Nhật; và doanh nghiệp bán lẻ Công ty TNHH MINISTOP Việt Nam.

Sojitz cũng đang hợp tác với Vinamilk và Vilico đầu tư cơ sở chăn nuôi–chế biến–phân phối sản phẩm thịt bò tại Việt Nam, cung cấp cho thị trường toàn quốc và xuất khẩu. Quy mô hợp tác các giai đoạn dự kiến lên đến 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng.

Thông qua việc mua lại New Viet Dairy, Tập đoàn Sojitz tiếp tục đa dạng hóa danh mục đầu tư tại Việt Nam. Thông báo của Sojitz cho biết, họ sẽ tận dụng mạng lưới khách hàng của New Viet Dairy và Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Sản xuất Hương Thủy để thành lập một doanh nghiệp phân phối thực phẩm bán buôn trên diện rộng, cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ và các cửa hàng từ trung cấp đến các khách sạn, nhà hàng cao cấp.

Sojitz cũng sẽ tận dụng mạng lưới bán hàng của New Viet Dairy để thúc đẩy việc bán hải sản của Công ty TNHH MF Việt Nam, trực thuộc công ty con của Sojitz là The Marine Foods Corporation.

Sojitz đánh giá New Viet Dairy cũng là một trong những nhà chế biến thịt bò, phô mai và các sản phẩm thực phẩm khác lớn nhất cả nước. Nhu cầu ngày càng tăng do nhu cầu đa dạng hóa từ nền văn hóa ẩm thực đang phát triển.

Sojitz nhấn mạnh, với sự gia tăng của tầng lớp người tiêu dùng trung lưu, thị trường sản phẩm sữa Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên khoảng 8,4 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 8%.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/tap-doan-nhat-sojitz-thau-tom-cong-ty-phan-phoi-thuc-pham-lon-nhat-viet-nam-voi-doanh-thu-vai-tram-trieu-usd-moi-nam-a27023.html