Nhiều doanh nghiệp lập ra chỉ để... huy động trái phiếu

Giới phân tích chỉ ra trong giai đoạn tăng trưởng nóng vừa qua nhiều trái phiếu trên thị trường đến từ những doanh nghiệp không có dòng tiền, hoạt động kinh doanh (SPE). Năm nay, tỷ lệ doanh nghiệp SPE phát hành trái phiếu lên tới 35%.

Chia sẻ tại hội thảo cập nhật các biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Trần Lê Minh - Tổng giám đốc VIS Rating - cho rằng, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bắt đầu ổn định từ tháng 7. Thị trường có thể bước sang chu kỳ mới, tuy nhiên, chất lượng trái phiếu phát hành mới cần được quan sát kỹ, đặc biệt là những công ty được thành lập chỉ với mục đích huy động vốn.

Nhiều doanh nghiệp lập ra chỉ để... huy động trái phiếu - Ảnh 1.

Các khách mời trao đổi tại hội thảo.

Tỷ trọng SPE/tổng số trái phiếu phát hành đang ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây (35%). Giải thích về SPE, ông Minh cho biết những doanh nghiệp này có điểm chung là không hoạt động thật để trả nợ khoản vay trái phiếu. Hình thức này đặc biệt phổ biến trong nhóm bất động sản. Số liệu của VIS Ratings cho thấy, 54% SPE có vấn đề trong trả nợ. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là 1/3 doanh nghiệp nhóm này không có trang tin điện tử, thể hiện sự thiếu minh bạch. Trong khi đó, bên mua lại trái phiếu của nhóm SPE chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.

Ông Minh nêu ví dụ điển hình về SPE là CTCP Vinam Land, thành lập 25/5/2018, vốn điều lệ 3,6 tỷ đồng. Ngày 9/4/2023, doanh nghiệp đổi tên thành CTCP Vinam Land, cấp tập tăng vốn điều lệ lên 490 tỷ đồng, đến tháng 5 tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 520 tỷ đồng. Ngày 23/6, VinamLand phát hành riêng lẻ thành công lô trái phiếu giá trị 1.500 tỷ đồng, cao gấp 3 lần vốn điều lệ. Lãi suất hỗn hợp, kỳ đầu rất cao so với mặt bằng, 14%/năm.

Theo ông Minh, dù thị trường có thể kết thúc điều chỉnh, chuyển sang chu kỳ mới nhưng rủi ro từ nhóm SPE cần đặc biệt lưu ý. Chu kỳ mới mà ông Minh nhắc đến sẽ bắt đầu từ năm 2024, khi một số quy định của Nghị định 65 tạm hoãn sẽ có hiệu lực trở lại. Điểm tích cực là số lượng trái phiếu chậm trả gốc và lãi lần đầu đã giảm dần. Giá trị trái phiếu rủi ro cao cũng đi xuống. Năm 2024, tổng giá trị của nhóm này khoảng 43.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1 quý trong năm.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát tín hiệu ổn định từ tháng 7. Toàn bộ quy định trong nghị định 65 có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2024 là điểm cốt yếu giúp thị trường nhận thức đúng mức hơn về tính kỷ luật, mở đường cho thị trường chuyển sang chu kỳ mới. Các quy định bắt đầu có hiệu lực bao gồm khung pháp lý giám sát chặt chẽ hơn, yêu cầu nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm…

Nhiều doanh nghiệp lập ra chỉ để... huy động trái phiếu - Ảnh 2.

Tỷ trọng SPE/ tổng số trái phiếu phát hành đang ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây (35%).

Về xếp hạng tín nhiệm, bà Wendy Cheong - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Moody’s - cho rằng đây là yêu cầu quan trọng giúp duy trì niềm tin, của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường còn căng thẳng. Bà Wendy cũng bày tỏ niềm tin, thị trường sẽ lấy lại tăng trưởng mạnh mẽ, khi giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành của Việt Nam đã đạt khoảng 13% GDP. Điều này cho thấy tiềm năng mạnh mẽ của thị trường nợ.

Về tiềm năng thị trường năm 2024, ông Simon Chen - Giám đốc khối xếp hạng và phân tích - chia sẻ 3 điểm nhấn dẫn dắt: Tỷ lệ trái phiếu chậm trả gốc, lãi giảm dần. Môi trường lãi suất thấp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ dần hiệu quả, giúp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc, nâng cao trả nợ. Quy định chặt chẽ hơn của Nghị định 65 cũng giúp thị trường kỷ luật hơn, bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.

Ông Simon dự báo, ngân hàng sẽ là nhóm dẫn đầu về phát hành trong giai đoạn tới.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/nhieu-doanh-nghiep-lap-ra-chi-de-huy-dong-trai-phieu-a27205.html