Sở hữu chéo, doanh nghiệp 'ma': Vì sao khó ngăn chặn?

Doanh nghiệp ma, sở hữu chéo, “rút ruột” ngân hàng… dẫn đến những hệ lụy vô cùng lớn đối với nền kinh tế, là câu chuyện được TS.Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - trao đổi với phóng viên Tiền Phong này 26/11.

Thất bại

Sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng từ lâu đã được nhận diện, chỉ ra. Vụ sở hữu chéo ngân hàng SCB và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát phát hiện mới đây dường như là đỉnh điểm của vấn đề này. Vì sao chưa ngăn chặn được sở hữu chéo, thưa ông?

- Sở hữu chéo là căn bệnh kinh niên của hệ thống ngân hàng Việt Nam, từ khi ra đời tới giờ. Hệ thống ngân hàng nếu có khủng hoảng, thì chủ yếu là do sỡ hữu chéo hoặc sở hữu chéo là tác nhân chủ yếu. Luật tập trung sửa đổi để các quy định chặt chẽ hơn về sở hữu chéo, nhưng kết quả dường như chưa khắc phục được bao nhiêu, thậm chí ngày càng trầm trọng hơn. Theo tôi, có 3 nguyên nhân cơ bản.

Đầu tiên là do nguồn gốc của đồng tiền góp vốn không rõ ràng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thẩm tra rất kỹ lưỡng nguồn gốc của đồng tiền, có quy định không được vay vốn để góp vốn, đặc biệt là không được vay vốn của ngân hàng nọ để góp vốn vào ngân hàng kia, kiểm soát rất chặt chẽ quan hệ trong nội bộ gia đình, các quan hệ về họ hàng thân thuộc, bạn bè thân hữu. Thậm chí, trong luật sửa đổi mới đây quy định giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân xuống, có ý định giảm xuống 3% để đại chúng hoá hệ thống ngân hàng. Thế nhưng, xem chừng tất cả những thứ đó không đủ để khắc phục tình trạng sở hữu chéo. Mặc dù làm rất cẩn trọng nhưng trong hệ thống tài chính kế toán, chuyển đổi tiền tệ của Việt Nam còn rất nhiều sơ hở. Ngân hàng Trung ương họ có chức năng thanh tra giám sát nhưng không có chức năng điều tra nên khó phát hiện được tiền đó ở đâu ra.

Sở hữu chéo, doanh nghiệp 'ma': Vì sao khó ngăn chặn? - Ảnh 1.

Thứ hai, chúng ta đã vội vàng tư nhân hoá quá sớm hệ thống ngân hàng thương mại khiến cho ngân hàng thương mại quá nhiều nhưng nhỏ, thường sở hữu bởi các tập đoàn bất động sản (BĐS) nào đấy. Điều này biến ngân hàng trở thành nơi cung cấp tín dụng cho những mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn, cụ thể BĐS, ít quan tâm đến công nghiệp và các ngành chuyển đổi cho nền kinh tế. Số lượng ngân hàng nhiều, lại tập trung vào BĐS làm toàn bộ mặt bằng lãi suất lại dâng lên. Khi lãi suất cao như vậy thì chả ngành công nghiệp nào tồn tại được.

Thứ ba, vì thị trường tài chính chưa phát triển, tìm kiếm nguồn vốn rất khó khăn. Mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận rất lớn. Tiền lấy từ đâu ra? Buộc phải rút từ ngân hàng. NHNN có những quy định, quy chế rất là chặt chẽ về tín dụng có liên quan. Khi không còn cách nào khác là tạo ra các công ty con, càng nhiều công ty con thì càng dễ huy động vốn từ ngân hàng.

Công ty con của tập đoàn này cho vay chéo sang công ty con của tập đoàn khác, sở hữu chéo sang công ty con của tập đoàn khác, ngân hàng khác. Nó tạo ra hệ sinh thái vốn hỗ trợ lẫn nhau trong các tập đoàn, loay hoay chủ yếu để tìm kiếm thêm dự án, phát triển các dự án BĐS mà người nghèo không với tới được. Nếu trách các ngân hàng hay doanh nghiệp tại sao làm như vậy thì không nên, vì môi trường chính sách, kinh doanh tạo ra cho họ phải làm như vậy. Đó là thất bại cốt tử của hệ thống các ngân hàng Việt Nam.

Hệ thống chiến lược, chính sách của chúng ta có vấn đề lớn. Động lực đều nghiêng về phía không tốt. Động lực làm ăn chân chính rất nhỏ, trong khi động lực làm ăn phi chân chính rất lớn.

Với chức năng, nghiệp vụ quản lý của mình, NHNN phải biết được dòng tiền của DN chảy thế nào và ngân hàng bị rút ruột ra sao?

- Nghiệp vụ thì như tôi làm việc lâu năm trong ngành ngân hàng, nhắm mắt tôi cũng biết những thủ thuật của DN. Nhưng như tôi nói, NHNN không có chức năng điều tra, mà vẫn đi điều tra là ăn chửi, bị tố cáo vì đi “cà khịa” kiếm tiền. Nhưng khi xảy ra chuyện gì thì họ chịu trách nhiệm chứ công an không chịu trách nhiệm.

Hạn chế lớn nhất là tính vô kỷ luật

Một trong những hệ lụy của sở hữu chéo là vấn đề nợ xấu do nâng khống giá trị tài sản thế chấp lên rất nhiều so với giá trị thực của tài sản. Điều này tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là thị trường tài chính, BĐS thế nào?

- Người ta tìm cách đẩy trị giá tài sản thế chấp lên thật cao để vay được nhiều, để rút được nhiều tiền của ngân hàng. Đó là vấn đề hoàn toàn có tính chất kỹ thuật để rút vốn ra khỏi ngân hàng với mục đích đầu cơ BĐS. Chính đầu cơ đấy làm cho giá BĐS tăng lên khủng khiếp.

Giá đất tăng lên có hai lý do, nguồn cung khan hiếm, nhu cầu rất lớn. Tập đoàn nào cũng có thể kiếm được vốn từ ngân hàng ra để mua, rồi tập đoàn nào cũng đánh giá tài sản lên thật cao để rút vốn. Đó là hậu quả của mô hình kinh doanh các ngân hàng nhỏ lẻ, nhằm vào mục tiêu ngắn hạn là thị trường BĐS. Điều nguy hiểm là gây ra một làn sóng về đầu cơ BĐS trong xã hội, thậm chí những người trung lưu chả giàu có gì cũng nghĩ mọi cách để đầu cơ BĐS, nhanh chóng tạo ra bong bóng BĐS. Khi cung cầu không gặp nhau thì bong bóng vỡ, thị trường đóng băng, mọi người rơi vào khó khăn. Tất cả khó khăn đó sẽ rơi vào nợ xấu của hệ thống ngân hàng, đẩy hệ thống ngân hàng vào nợ xấu rất cao, chất lượng tài sản thấp, nguy cơ đổ bể khá lớn.

Làm thế nào để ngăn chặn sở hữu chéo và các công ty ma, thưa ông?

- Như tôi vừa nói, có lý do là tư nhân hóa hệ thống ngân hàng quá sớm, mà toàn là những ngân hàng nhỏ gắn kết với các tập đoàn BĐS. Còn có lý do khác rất dễ thấy, không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng mà trong hầu hết tất cả các lĩnh vực, đó là tình trạng kỷ luật kinh tế, kỷ luật hành chính, kỷ luật xã hội rất yếu kém.

Một giáo sư ở ĐH Havard (Mỹ) tham dự cuộc họp của nhóm tư vấn tài chính của Thủ tướng, chúng tôi hỏi, theo ông hạn chế lớn nhất của Việt Nam là gì? Không cần phải suy nghĩ, ông ấy trả lời ngay: Hạn chế lớn nhất của Việt Nam là tính vô kỷ luật, nói rồi không làm. Chiến lược vạch ra thì rất hay. Đọc thì thấy phải suy nghĩ rất bài bản mới viết được như thế, nhưng theo dõi thì không thấy ai thực hiện, hoặc thực hiện rất là yếu kém.

Nâng khống giá trị tài sản thế chấp để “rút ruột” ngân hàng

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan làm Chủ tịch hoạt động theo mô hình công ty cổ phần tập đoàn với hơn 1.000 công ty con và thành viên. Hệ sinh thái của tập đoàn được chia thành 4 nhóm, trong đó nhóm định chế tài chính tại Việt Nam bao gồm Ngân hàng SCB, được coi là quan trọng nhất.

Theo kết luận điều tra, ngoài việc sử dụng các công ty ma và thuê, nhờ các tổ chức, cá nhân đứng tên để có tài sản thế chấp hợp thức hóa các khoản vay với số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng và rút ruột Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng các công ty thẩm định khống giá trị tài sản thế chấp cho các hợp đồng vay của Vạn Thịnh Phát lên gấp nhiều lần nhằm rút số tiền lớn. Trong số 1.284 khoản vay còn dư nợ của nhóm Vạn Thịnh Phát, có 1.166 mã tài sản thế chấp được định giá 1.265.504 tỷ đồng. Tài sản thế chấp hơn 1,2 triệu tỉ đồng chỉ có giá trị thật gần 254 nghìn tỉ đồng.


Biết ngân hàng bị rút ruột, nhưng bất lực?

Trong số hàng nghìn DN ra đời, có rất nhiều DN ma mà câu chuyện về hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát là một ví dụ. Thưa ông, có kẽ hở nào ở đây?

- Người cấp phép cho ra đời các doanh nghiệp là Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các tỉnh và thủ tục rất đơn giản, không có gì khó khăn. Đó không phải việc của Thanh tra ngân hàng nhà nước nên không quan tâm. Việc ra đời ồ ạt như vậy thì họ kinh doanh như nào, lấy đâu ra vốn kinh doanh cũng không ai biết. Doanh nghiệp rút ruột ngân hàng bằng thủ pháp rất cao tay.

Đừng nói chuyện NHNN không biết, người ta biết nhưng không làm gì được, không có nền tảng cơ sở pháp lý mà nhảy vào là bị ăn chửi. Đây cũng là một sơ hở của pháp lý mà người ta lợi dụng điều đó. Không chỉ có ngân hàng, bên chứng khoán cũng vậy. DN thao túng từ báo cáo tài chính, sắp tới đây còn có tình trạng thao túng cả phát thải hiệu ứng nhà kính. Vậy ai thanh tra, ai điều tra đây?

Như vậy, trong vụ Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB, NHNN khó ngăn chặn?

- Đúng rồi! NHNN mà nhảy vào điều tra thì người ta hỏi cơ sơ pháp lý nào? Anh chẳng phải là công an, anh có quyền gì vào đòi lục sổ sách kế toán của tôi, bắt tôi phải làm báo cáo nọ báo cáo kia…

Ông nghĩ sao về sự liêm chính của đội ngũ thanh tra, cụ thể là trong vụ NHNN thanh tra ngân hàng SCB xảy ra hàng loạt tiêu cực?

- Trước khi muốn đánh trận phải có vũ khí, phải có tin tức tình báo, phải có trinh sát, do thám… các kiểu. Đằng này cơ quan thanh tra giám sát không có gì cả. Khi đến thanh tra tại chỗ là đã quá muộn rồi, mọi việc xong xuôi hết rồi.

Điều tôi muốn nói ở đây là những sơ hở về mặt pháp lý thanh tra, giám sát, khiến cho cơ quan thanh tra, giám sát có nhưng bất lực. Chúng ta nhìn thấy rất rõ từ suốt ba chục năm qua vẫn cứ xảy ra và ngày càng tệ hơn.

Xin cảm ơn ông!

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/so-huu-cheo-doanh-nghiep-ma-vi-sao-kho-ngan-chan-a27487.html