Cần một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng trong chuyển đổi số

Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo địa phương, dù vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng nhưng không phải yếu tố then chốt cho sự thành công của chuyển đổi số.

Với chủ đề "Hợp lực chuyển đổi số để phát triển kinh tế số", Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong phiên tọa đàm chuyên đề "Chuyển đổi số là sự nghiệp của toàn dân - Vai trò của lãnh đạo địa phương trong sự nghiệp chuyển đổi số", ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA kiêm Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, bức tranh chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra vô cùng tích cực và ghi nhận nhiều điểm sáng.

Theo số liệu thống kê, tính đến đầu tháng 5/2022, Việt Nam có 63/63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số, 55/63 địa phương ban hành nghị quyết về chuyển đổi số và 59/63 địa phương đã ban hành chương trình/ đề án hoặc kế hoạch chuyển đổi số trong giai đoạn 5 năm.

Song song đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 505/QĐ-TTg lấy ngày 10/10 hằng năm là "Ngày Chuyển đổi số quốc gia", từ đó cho thấy tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Chuyển đổi số ở nhiều tỉnh thành đã đem lại những thành quả bước đầu đáng khích lệ trong phát triển và đem lại sự mới mẻ, hài lòng và nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp.

Công nghệ - Cần một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng trong chuyển đổi số

Toàn cảnh Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022.

Tuy nhiên, theo ông Bình, chuyển đổi số ngoài là cơ hội, còn mang trong mình nhiều thách thức. Báo cáo gần nhất của World Bank về chuyển đổi số tại Việt Nam, hành trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang sở hữu một thuận lợi cơ bản, đồng thời là thách thức lớn. Đó là mô hình phân cấp cụ thể của quốc gia. Việt Nam là quốc gia nhất thể, nhưng 63 tỉnh thành của quốc gia lại phụ trách phần lớn việc quyết định và thực thi chuyển đổi số.

"Chuyển đổi số quốc gia cần là thành công chuyển đổi số của từng địa phương, từng doanh nghiệp. Mỗi tỉnh thành, mỗi địa phương và doanh nghiệp cần tìm ra cho mình một nhà lãnh đạo chuyển đổi số có khát vọng thay đổi, truyền cảm hứng và thúc đẩy kết nối để toàn bộ tổ chức, cá nhân cùng song hành, cùng sáng tạo, cùng hành động", ông Trương Gia Bình nói.

Theo đó, ông Bình nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo mỗi địa phương trong công tác chuyển đổi số. Ông Bình chia sẻ, tại mỗi địa phương, nếu lãnh đạo có tư tưởng đổi mới, sáng tạo, là người dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi sẽ góp phần lớn đến sự chuyển đổi của toàn tỉnh/thành phố.

Công nghệ - Cần một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng trong chuyển đổi số (Hình 2).

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA kiêm Chủ tịch Tập đoàn FPT phát biểu tại Toạ đàm.

Đồng quan điểm với Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho rằng trách nhiệm của lãnh đạo địa phương là vô cùng quan trọng.

Theo vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, người lãnh đạo sẽ đóng vai trò điều tiết dẫn dắt. Còn về quá trình vận hành, phát triển thì doanh nghiệp và người dân sẽ là lực lượng chính cùng phối hợp với chính quyền địa phương tham gia vào quá trình chuyển đổi số thì hợp lý hơn.

Ngược lại, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng lại cho rằng không nên khẳng định vai trò của người lãnh đạo là trọng số. Ở giai đoạn đầu, lãnh đạo đoáng vai trò quan trọng để dẫn dắt đơn vị, nhưng khi quá trình chuyển đổi bắt đầu thì cần vai trò của đơn vị, nguồn lực cũng vô cùng quan trọng, đây sẽ yếu tố tiên quyết cho việc chuyển đổi số có hiệu quả hay không.

"Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, trong chuyển đổi số phải có lộ trình. Nếu coi vai trò của lãnh đạo là trọng số là không đầy đủ, để vậy thì vai trò của các nhân tố còn lại sẽ bị hạn chế", ông Thanh nhấn mạnh.

Theo đó ông Trương Gia Bình đưa ra lời khẳng định mỗi địa phương và doanh nghiệp cần tìm ra cho mình một nhà lãnh đạo chuyển đổi số có khát vọng thay đổi, truyền cảm hứng và thúc đẩy kết nối để toàn bộ tổ chức, cá nhân cùng sáng tạo và hành động.

Kết luận tại Toạ đàm, các lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp đều đưa ra ý kiến thống nhất rằng để chuyển đổi số đạt được hiệu quả thực sự rất cần có sự hợp lực của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng đấu tranh lâu dài của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cũng như người dân, doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng, sử dụng các dịch vụ, tiện ích thông minh trực tiếp.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/can-mot-nha-lanh-dao-truyen-cam-hung-trong-chuyen-doi-so-a2784.html