Tập đoàn PAN bắt tay với Standard Chartered Việt Nam tại COP28

Các dự án đáp ứng các tiêu chí và tuân thủ Khung tài chính bền vững của Standard Chartered Việt Nam, cũng như nguyên tắc cho vay xanh hoặc Nguyên tắc trái phiếu xanh sẽ được nhận được hỗ trợ tài chính.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Khí hậu Thế giới trong Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) diễn ra vào ngày 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Cuộc bắt tay tại COP28 của Tập đoàn PAN và ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Trước đó, vào năm 2021 tại COP26, Việt Nam đã đưa ra 1 loạt cam kết về biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 (net zero) vào 2050. Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đình Thiên, Net Zero là một thách thức cần huy động trí tuệ của cả dân tộc cùng vào cuộc, từ Chính phủ, doanh nghiệp cho đến người dân.

Trả lời phỏng vấn truyền thông bên thềm COP28, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cũng nhấn mạnh, việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, bảo đảm công bằng, công lý khí hậu và dựa trên nền tảng là đoàn kết và hợp tác quốc tế. Trong đó các nước phát triển có vai trò đi đầu, tạo động lực cho các hành động khí hậu, đồng thời tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển.

Một trong những kỳ vọng của Việt Nam tại COP28 là các nước phát triển cung cấp tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển, bao gồm thực hiện cam kết với mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm và tăng mức cam kết cho giai đoạn đến năm 2025 và năm 2030.

Kỳ vọng này phần nào được hiện thực hóa, khi trong khuôn khổ COP28, Lễ trao Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Tập đoàn PAN và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã được thực hiện.

Theo MOU, Standard Chartered Việt Nam sẽ hỗ trợ Tập đoàn PAN trong việc tiếp cận các giải pháp và dịch vụ tài chính dựa trên các yếu tố ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), theo nhu cầu mở rộng các lựa chọn tài chính cho các dự án phát triển bền vững của PAN.

Ngoài các khoản tín dụng xanh và/hoặc liên kết bền vững, chương trình cũng hỗ trợ tài chính cho các dự án như phát triển dây chuyền hạt điều, thúc đẩy sản phẩm nuôi trồng thủy sản có giá trị gia tăng, và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.

Các dự án đáp ứng các tiêu chí và tuân thủ Khung tài chính bền vững của Standard Chartered Việt Nam, cũng như nguyên tắc cho vay xanh hoặc Nguyên tắc trái phiếu xanh sẽ được nhận được hỗ trợ tài chính của ngân hàng đến từ nước Anh.

Sự hợp tác này sẽ mở ra cơ hội đối với cả hai bên. Theo đó, Tập đoàn PAN có thể mở rộng các lựa chọn tài chính của mình đối với những dự án phát triển của Tập đoàn và các công ty con bằng giải pháp liên quan đến ESG. Về phía Standard Chartered Việt Nam, thông qua các giải pháp tài chính ESG với Tập đoàn PAN, ngân hàng có thể hỗ trợ danh sách các dự án xanh của PAN, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường tài chính xanh, từ đó đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải, trung hòa carbon đã được Chính phủ cam kết mạnh mẽ.

Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong hành trình PTBV

Ngay trước khi diễn ra COP28, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (gọi tắt: Đề án PTBV 1 triệu ha). Đây là Đề án có ý nghĩa quan trọng và tầm ảnh hưởng sâu rộng đến ngành sản xuất và phân phối lúa gạo, vốn tạo công ăn việc làm cho hàng triệu hộ nông dân.

Việt Nam nhiều năm nay là quốc gia Top 3 thế giới về xuất khẩu gạo, hiện xuất khẩu gạo đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới.

Sản lượng gạo lớn đi kèm với thực tế lĩnh vực trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e), chiếm 50% lượng phát thải khí nhà kính (KNK) của ngành nông nghiệp. Lúa nước cũng tạo ra hơn 75% lượng khí thải mê tan cho Việt Nam, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.

Trồng lúa nước là mảng phát thải KNK lớn nhất của ngành nông nghiệp, lớn gấp nhiều lần so với chăn nuôi (phát thải 18,5 triệu tấn CO2e), quản lý đất và sử dụng phân bón (phát thải 13,2 triệu tấn CO2e). Tính tổng, nông nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải KNK toàn quốc.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỷ lệ bón phân chưa hiệu quả, thu hoạch rơm rạ chưa đúng cách… Đề án PTBV 1 triệu ha hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề này và góp phần giảm đáng kể phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Trước đó, một Đề án có những mục tiêu tương đồng và sẽ góp phần thực hiện đề án PTBV 1 triệu ha được chính thức công bố tại tỉnh Đồng Tháp. Đó là Đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa” được ký kết giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và Tập đoàn PAN.

Theo đó, các đơn vị thành viên của Tập đoàn PAN bao gồm Vinaseed, VFC, Vinarice hợp tác với 1 số đối tác uy tín để triển khai chuỗi giá trị lúa gạo khép kín tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), bao gồm từ cung ứng vật tư đầu vào chất lượng, cung cấp giải pháp canh tác tiêu chuẩn, đến bao tiêu sản phẩm đầu ra, chế biến, đóng gói và làm thương hiệu để tiêu thụ. Chuỗi giá trị được triển khai ban đầu trên những mô hình, phạm vi nhỏ trước, sau đó sẽ được đánh giá và lan rộng dần theo hiệu quả đạt được tại địa bàn.

Nhiều năm trở lại đây, Tập đoàn PAN vốn là đơn vị có chiến lược phát triển bền vững rõ ràng và chuyên nghiệp. Đồng hành với Chính phủ và Đề án PTBV 1 triệu ha, Tập đoàn PAN đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với những bước đi cẩn trọng nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải và nâng cao thu nhập cho nông dân. Ngoài đề án Nâng cao thu nhập người trồng lúa tại Đồng Tháp, các đơn vị thành viên của Tập đoàn đã tham gia vào các Dự án của World Bank, SNV… nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và PTBV nông nghiệp tại Tây Nguyên và ĐBSCL.

Trở lại với COP28, Hội nghị năm nay công bố bản Đánh giá Toàn cầu (Global Stock Take - GST) đầu tiên, đánh giá toàn diện tiến trình thực hiện Thoả thuận Paris (năm 2015) của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. GST là một công cụ quan trọng, góp phần hỗ trợ thế giới điều chỉnh nỗ lực hành động vì khí hậu, bao gồm các biện pháp cần được thực hiện để thu hẹp các khoảng trống trong các nỗ lực hiện nay.

Dự kiến, cả GST và COP28 tập trung vào 4 trụ cột chính, bao gồm: Theo dõi nhanh quá trình chuyển dịch công bằng và có trật tự; Ổn định tài chính khí hậu; Tập trung phát triển tự nhiên, cuộc sống và sinh kế; Thúc đẩy hội nhập. COP28 được đánh giá là Hội nghị COP toàn diện nhất, tạo điều kiện cho các khu vực trên thế giới cùng hợp tác, thảo luận để tìm ra các giải pháp thiết thực, khả thi cho cuộc khủng hoảng khí hậu.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/tap-doan-pan-bat-tay-voi-standard-chartered-viet-nam-tai-cop28-a28235.html