Bàn giải pháp “gỡ khó” cho ngành xi măng

Ngành xi măng hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đã phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng để giảm thiểu thiệt hại. Do đó, cần nhiều giải pháp để đưa ngành xi măng lấy lại được đà tăng trưởng.

Ngành xi măng đối mặt với nhiều thách thức

Chia sẻ tại Tọa đàm “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng” mới diễn ra, TS. Nguyễn Quang Hiệp - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, các doanh nghiệp xi măng đang gánh áp lực rất lớn, khi sản lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều giảm mạnh.

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, qua 11 tháng năm 2023, sản lượng tiêu thụ xi măng trong toàn ngành đạt khoảng hơn 80 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, sản lượng tiêu thụ xi măng ở thị trường nội địa là 52 triệu tấn, giảm 16% và sản lượng xuất khẩu đạt gần 29 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.

“Sản lượng tiêu thụ giảm mạnh dẫn đến nhiều nhà máy xi măng phải ngừng hoạt động một số dây chuyền lò nung, trong đó có những dây chuyền phải ngừng dài hạn” - ông Hiệp thông tin.

Nhìn nhận về nguyên nhân, ông Hiệp cho biết, thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian dài suốt từ năm 2022 do nhiều nguyên nhân khác nhau, khiến việc triển khai xây dựng các công trình, dự án giảm mạnh, từ đó kéo theo nhu cầu về xi măng phục vụ xây dựng không cao.

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng nhìn chung tiến độ triển khai còn chậm so với kế hoạch cũng là nguyên nhân gây tắc nghẽn đầu ra của chuỗi sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công trong 11 tháng năm 2023 đạt 460.980 tỷ đồng, đạt trên 59% kế hoạch và đạt trên 65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 15 Bộ, cơ quan Trung ương chỉ giải ngân được dưới 15%; 2 địa phương giải ngân dưới 35%.


Bên cạnh các khó khăn về mặt thị trường, theo PGS,TS. Lương Đức Long - Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, các doanh nghiệp xi măng còn gặp rất nhiều khó khăn khi giá các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, nhất là than.

Thêm vào đó, từ ngày 01/01/2023, mức thuế suất xuất khẩu clinke tăng từ 5% lên 10% và clinke xuất khẩu được xếp vào là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào… Những yếu tố trên cộng hưởng đã làm gia tăng áp lực rất lớn lên các doanh nghiệp ngành xi măng.

Bàn giải pháp “gỡ khó” cho ngành xi măng - Ảnh 2.

Tọa đàm "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng" do Báo Xây dựng tổ chức ngày 09/12. Ảnh: D.THIỆN

Từ góc độ doanh nghiệp trong ngành, ông Đào Nguyên Khánh - Trưởng Bộ phận Phát triển bền vững và truyền thông doanh nghiệp, Công ty INSEE Việt Nam chia sẻ, từ ảnh hưởng kéo dài sau đại dịch Covid-19 làm cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lĩnh vực bất động sản gặp khó khăn… khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp xi măng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Đối với Công ty INSEE Việt Nam, năm 2023 là năm có doanh số bán hàng thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển của đơn vị. Uớc tính năm nay doanh số bán hàng của Công ty sụt giảm khoảng 35% so với năm 2022” - ông Khánh thông tin.

Trong 12 doanh nghiệp xi măng niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, có tới 10 doanh nghiệp báo lỗ.


Đồng bộ giải pháp giúp ngành xi măng “vượt khó”

Để giúp ngành xi măng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Quang Hiệp cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng theo kế hoạch được phê duyệt, từ đó tạo đầu ra cho các mặt hàng vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng.

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ; cũng như đẩy nhanh việc triển khai thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên địa bàn cả nước. Khi các hoạt động xây dựng nhà ở, công trình khởi sắc sẽ gia tăng nhu cầu về các nguyên vật liệu xây dựng.

Về mặt chính sách, đối với chính sách thuế, ông Hiệp kiến nghị Chính phủ tạm hoãn việc tăng thuế xuất khẩu clinke từ 5% lên 10% và tạm giữ mức thuế suất xuất khẩu clinke ở mức cũ 5% thêm 2 năm, giúp doanh nghiệp xi măng vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm clinke xuất khẩu, theo hướng sản xuất clinke xuất khẩu không thuộc đối tượng hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng.

Về chính sách đầu tư, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những địa bàn thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ…

Về phía doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp xi măng cần đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả năng lượng, tận dụng tối đa các nguồn nhiên liệu giá rẻ từ phế thải để tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời, chủ động phát triển thương hiệu, đẩy mạnh tìm kiếm mở rộng thị trường.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng “xanh hóa” để tạo ra các sản phẩm xi măng xanh, trong bối cảnh chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, cũng như góp phần hiện thực hóa cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế./.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/ban-giai-phap-go-kho-cho-nganh-xi-mang-a29237.html