Nvidia trước cam kết đưa Việt Nam thành quê hương thứ 2: Doanh thu tăng gấp 3 lần sau 5 năm, giá cổ phiếu tăng 170% so với đầu năm

Nvidia là cái tên vô cùng quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt là với những game thủ.

Sau chuyến thăm của tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam, đã có rất nhiều doanh nghiệp về công nghệ của Mỹ tới nước ta nhằm mục đích hợp tác và phát triển trong các lĩnh vực công nghệ cao. Ngày 9/12, CEO Jensen Huang của gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất GPU (bộ xử lý dữ liệu hình ảnh) NVidia đã đặt chân tới Việt Nam với mục tiêu hợp tác và phát triển hơn nữa về cơ sở hạ tầng và nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn trong những năm tới.

"Chúng tôi cam kết thực hiện kế hoạch để Việt Nam trở thành quê hương thứ hai và thành lập pháp nhân tại Việt Nam"- Ông Jensen Huang nói về kế hoạch của tập đoàn này.

Nvidia là cái tên vô cùng quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt là với những game thủ. Được thành lập từ năm 1993 tại California, Hoa Kỳ, công ty nhanh chóng nhận được sự chú ý của các quỹ đầu tư – dẫn đầu bởi Sequoia Capital với khoản đầu tư lên tới 20 triệu USD. 

Sau nhiều thử nghiệm thất bại, công ty cuối cùng cũng đạt được thành tựu lớn với GPU RIVA 128 khi bán hàng được hàng triệu chiếc chỉ trong 4 tháng, đem lại nguồn tiền hoạt động trong bối cảnh cận kề phá sản. Với sự thành công của chiếc GPU nêu trên trong năm 1997, NVidia có đủ điều kiện để phát triển những dòng sản phẩm tiếp theo, đồng phát hành ra công chúng lần đầu vào năm 1999 với giá 12 USD/ cổ phiếu, đem lại cho họ 42 triệu USD nguồn vốn.

Chân dung Nvidia vừa đến thăm Việt Nam - Ảnh 1.

Chip Riva 128 đã vực dậy đế chế NVidia trong thời gian đầu thành lập (Ảnh: Techpowerup)

Kể từ thời điểm này, Nvidia bắt đầu có những bước phát triển vượt bậc, bắt đầu bằng việc mua lại tài sản trí tuệ của đối thủ một thời 3dfx vào cuối những năm 2000 và hợp tác thiết kế bộ vi xử lý đồ họa với Sony cho chiếc máy chơi game nổi tiếng PlayStation 3 năm 2004. 

Đồng thời, những chiếc card đồ họa của NVidia được tích hợp vào hàng loạt sản phẩm máy tính xách tay của HP, Dell… Năm 2007, công ty được Forbes vinh danh là doanh nghiệp của năm nhờ những con số kinh doanh ấn tượng trong thời gian 5 năm gần nhất. Kể từ năm 2014, NVidia mở rộng hoạt động sang mảng điện tử ô tô và điện thoại di động bên cạnh lĩnh vực trò chơi điện tử truyền thống.

Tính đến thời điểm hiện tại, NVidia là nhà sản xuất GPU hàng đầu thế giới, với đối thủ hàng đầu là AMD. Công ty tạo ra một hệ sinh thái khổng lồ bao gồm cả chip, hệ thống và phần mềm tiên tiến nhất được thiết kế cho công nghệ tiên tiến nhất hiện nay – Artificial Intelligence (AI).

Hệ sinh thái này hiện có 4 triệu nhà phát triển phần mềm với 40.000 công ty và trên 3.000 ứng dụng, cho phép Nvidia tác động vào nhiều lĩnh vực của đời sống. Ảnh hưởng của NVidia có thể còn lớn hơn nữa nếu như lời đề nghị mua lại ARM từ Softbank với giá 40 tỷ USD của họ không bị những nhà quản lý chặn lại vì các vấn đề liên quan đến luật cạnh tranh. 

Tuy nhiên, những sản phẩm của họ vẫn có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt trong ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo; vào tháng 10 vừa qua, chính phủ Mỹ đã yêu cầu Nvidia dừng việc xuất khẩu một số chip AI cao cấp sang Trung Quốc – trong đó có chiếc GPU RTX 4090.

Chân dung Nvidia vừa đến thăm Việt Nam - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của Nvidia cũng tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Từ con số gần 10 tỷ USD doanh thu năm tài chính 2018, đến hết năm tài chính 2023, công ty tăng gần gấp 3 con số của 5 năm trước với 26,9 tỷ USD. 

Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty năm gần nhất giảm chỉ còn một nửa so với năm 2022, đạt 4,3 tỷ USD, do Nvidia chi nhiều tiền hơn cho việc nghiên cứu phát triển (7,3 tỷ USD so với 5,2 tỷ USD của năm ngoái) cũng như phát sinh chi phí chấm dứt mua lại lên tới 1,7 tỷ USD. Giá trị vốn hóa của NVidia vào thời điểm này lên tới 1,17 nghìn tỷ USD, với giá cổ phiếu đóng cửa phiên gần nhất ở mức 475,06 USD mỗi cổ phần, tăng 170% so với đầu năm.

photo-1702282966234

Tại Việt Nam, NVidia nổi tiếng với những chiếc GPU đồ họa phục vụ cho nhu cầu chơi games, học tập cũng như làm việc được hỗ trợ bởi các phần mềm riêng biệt của công ty. Trong đó, công ty đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 250 triệu USD và trong chuyến thăm mới nhất của CEO Jensen Huang tới nước ta, ông cho biết Nvidia có kế hoạch thành lập một trung tâm tại Việt Nam. Trung tâm này sẽ là nơi thu hút nhân tài về ngành bán dẫn trên toàn thế giới về làm việc, phát triển chip nhớ, phần mềm… qua đó góp phần vào công cuộc đổi mới theo hướng hiện đại của nước ta. 

Vào sáng ngày 11/12, NVidia tiếp tục thể hiện sự quan tâm tới Việt Nam thông qua cuộc họp với ba "ông lớn" của nước ta là Viettel, FPT và Vingroup về việc hợp tác trong tương lai.

Việc hợp tác với nhà sản xuất chip đồ họa hàng đầu thế giới là NVidia được dự báo sẽ giúp Việt Nam xây dựng được một hệ sinh thái về công nghiệp bán dẫn tại nước ta, từ việc thiết kế và phát triển sản phẩm cho tới đào tạo nhân lực chất lượng cao thuộc ngành này. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho nước ta trong thời gian tới, song nếu làm được, thành tựu đạt được là rất lớn.

Link nội dung: https://kinhtedautu.net/nvidia-truoc-cam-ket-dua-viet-nam-thanh-que-huong-thu-2-doanh-thu-tang-gap-3-lan-sau-5-nam-gia-co-phieu-tang-170-so-voi-dau-nam-a29384.html